Đầu tư vào năng lượng điện gió, mặt trời không đắt
Trong khuôn khổ hội thảo “năng lượng bền vững – hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp”, Thứ trưởng bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng như nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao, gây áp lực lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cũng tạo sức ép lớn cho nền kinh tế Việt Nam về vốn đầu tư cho ngành năng lượng.
Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu đi vào hoạt động đầu năm 2016 (nguồn ảnh: nld.com.vn). |
Trong 15 năm qua nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng nhanh, với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong vòng 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 -2010 và khoảng 11%/năm trong các năm từ 2011 đến 2016.
Thứ trưởng Vượng cũng cho hay, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.
Tham tán hợp tác phát triển-Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, ông Martin Hoppe cho rằng, điều quan trọng nhất và cần phải tránh là phát triển nguyên liệu nguyên tử bởi đó là nguồn năng lượng rất nguy hiểm nếu có sự cố xảy ra. Còn đối với nguồn năng lượng than mặc dù có thể cho rằng chi phí ban đầu thấp nhưng cần phải tính đến cả những tác động mà nó mang lại như chi phí về môi trường, y tế, sức khỏe, thêm nữa nếu nhập khẩu quá nhiều sẽ bị phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Theo ông Martin Hoppe, Việt Nam nên phát triển nguồn năng lượng từ gió, mặt trời bởi nếu nhìn về xu hướng trong vòng 50 – 60 năm nữa sẽ thấy chi phí đó rẻ hơn nhiều so với việc đầu tư cho năng lượng hóa thạch.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên khuyến khích người dân tham gia tích cực trong việc lắp tấm pin mặt trời trên mái nhà nhiều hơn, nếu làm được điều này sẽ có lượng điện mặt trời rất khổng lồ. Đồng thời, cũng vận động người dân sử dụng năng lượng hiệu quả, nếu so với Đức, Việt Nam có nhiều lợi thế và thế mạnh.
Trong khi Đức có một mùa đông dài thì tại Việt Nam nhiều căn nhà, căn phòng không có người vẫn bật điều hòa chính vì thế phải tính đến việc làm sao sử dụng năng lượng điện hiệu quả và thêm vào đó có mức giá hợp lý để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hơn, giảm gánh nặng cho nhà nước.
Ông Martin Hoppe cũng chia sẻ, đối với Đức có thị trường điện khu vực nên khi nhu cầu điện không đáp ứng đủ thì có thể nhập, còn khi dư có thể xuất khẩu ra các nước đó. Việt Nam cũng có một số hàng xóm như Lào, Campuchia để có thể hợp tác cùng nhau.
Cần sử dụng năng lượng hiệu quả
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Quy hoạch (Tổng cục Năng lượng, bộ Công Thương) cho hay, mặc dù đã có nhiều cơ chế để phát triển năng lượng tái tạo nhưng thực tế suất đầu tư cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió rất cao, sau khi Chính phủ ban hành quyết định về cơ chế giá điện cho các nhà máy điện gió mặc dù trong quy hoạch có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên hiện nay tổng công suất về năng lượng điện gió chỉ hơn 100 MW.
Theo ông Hùng, để tích hợp được nguồn năng lượng tái tạo cũng có nhiều vấn đề trở ngại như tính ổn định của hệ thống điện, hiện bộ Công Thương cũng đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán, đánh giá sự ảnh hưởng của năng lượng tái tạo vận hành trong hệ thống điện và tỷ trọng để đảm bảo chất lượng.
Ông Armin Bruck Chủ tịch, Tổng giám đốc Khu vực của Tập đoàn Siemens (là tập đoàn đã tham gia thực hiện thành công nhiều dự án về nguồn điện, quản lý điện năng tại Việt Nam) cho rằng, Việt Nam là một nước có dân số đông, đồng thời cũng đang tăng trưởng kinh tế nên nên đặt ra nhiều vấn đề về năng lượng nhất là nhu cầu về năng lượng ngày một tăng. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức cũng là thách thức chung của toàn thế giới là làm thế nào để có nguồn cung về năng lượng bền vững, thứ hai là giá cả, chi phí hợp lý, thứ ba là phải sử dụng năng lượng hiệu quả. Chính vì thế phải có sự phối hợp giữa các nguồn năng lượng, từ nguồn năng lượng hóa thạch, năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời và có hệ thống điện phân bổ. Trong đó, tập trung nhiều vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
“Cần phải phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như phát triển nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, tỷ lệ cao các nguồn phát điện phân bổ” – ông Armin Bruck nói.
Thêm nữa, đại diện Siemens cũng cho biết, có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam trên lộ trình trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tác giả: Thiên Di
Nguồn tin: Báo Người đưa tin