Anh Lê Bá Nhất chỉ vị trí mà anh và gia đình đã hiến hơn 7.000m2 đất để làm đường giao thông |
Nghèo tiền nhưng tấm lòng không “nghèo”
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm về gia đình anh Lê Bá Nhất (51 tuổi, ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Mặc dù đường quanh co, khúc khuỷu nhưng hỏi ai cũng biết “anh Nhất hiến đất”. Càng trân trọng tấm lòng của gia đình anh hơn khi biết vợ anh ốm yếu, các con còn đi học nên kinh tế gia đình chưa dư giả…
"Trước những việc làm ý nghĩa của gia đình anh Nhất, xã đã chọn anh làm Gương điển hình trong phong trào Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020 và đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2019, anh Nhất cũng được Chủ tịch UBND xã tặng giấy khen vì đã có thành thích trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020". Ông Lê Ngọc Hồng, Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Cát |
Ở sâu trong khu phố Xuân Thịnh, căn nhà cấp 4 nằm ngay ven đường chính là mái ấm của 4 người trong gia đình anh Lê Bá Nhất. Gặp chúng tôi, người đàn ông dân tộc Thổ này kể: Thời điểm năm 2017 khi anh hiến đất thì xã Yên Lễ (cũ) đang phát triển hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 12/2019, Yên Lễ được sáp nhập vào thị trấn Yên Cát, khu phố Xuân Thịnh nơi anh ở hiện nay cách trung tâm huyện khoảng 10km.
Toàn khu phố có tới 170 hộ với gần 200 nhân khẩu chủ yếu làm nông nghiệp và trồng rừng. Trong khu phố có khoảng 100 học sinh cấp 1 và cấp 2 đi học phải băng qua đường Hồ Chí Minh - nơi có lưu lượng phương tiện chạy Bắc - Nam nhiều, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Anh Lê Văn Minh, Phó trưởng khu phố Xuân Thịnh cho biết, năm 2016, nhận thấy việc lưu thông của người dân và học sinh vất vả, lại nguy hiểm nên xã có chủ trương vận động nhân dân hiến đất, bạt đồi mở đường. Thời điểm này, xã cũng đang phát động phong trào xây dựng Nông thôn mới.
Việc huy động ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, trong khi kinh phí của xã không có, chủ yếu dựa vào sức dân. Năm 2017, gia đình anh Lê Bá Nhất mặc dù đang ở trục đường lớn, gần UBND xã nhưng khi nghe thông tin về việc vận động, gia đình anh đã quyết định hiến hơn 7.000m2 đất đang canh tác để làm đường.
Nói về việc làm của mình, anh Nhất bảo: “Khi nghe tin chính quyền mở đường và vận động hiến đất, tôi liền bàn bạc với vợ. Đúng là “tấc đất, tấc vàng”, nhưng thấy có ích cho xã hội, cũng như gia đình nên vợ chồng tôi đồng ý. Ngoài 500m2 đất vườn nhà của ông cha để lại, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp chạy quanh đồi Rú Đổ mà gia đình đang sản xuất tôi cũng hiến tặng”.
“Khi mở đường, gia đình tôi còn phải phá đi 220 cây cao su, 1 sào chè đang cho thu hoạch, khoảng 2,5 sào keo đang phát triển. Gia đình tôi nghèo thật nhưng tấm lòng thì không nghèo đâu”, anh Nhất cười vui.
Qua nhẩm tính, tổng số tiền đất gia đình anh Nhất đã hiến tính theo thời giá hiện tại ở địa phương vào khoảng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng chục triệu đồng tiền cây, nhất là một phần vườn chè đang cho thu hoạch.
Làm đường để…mở tương lai
Tuyến đường dài gần 2km, rộng 5m hình thành giúp người dân trong vùng đi lại thuận tiện |
“Thị sát” con đường mới mở dài 2km, giữa những đồi keo, nương chè xanh mát, đập vào mắt chúng tôi là tuyến giao thông nông thôn rộng chừng 5m đã thành hình. Một số đoạn đã được đổ cấp phối, nhiều dấu vết bạt đồi để thi công đường vẫn còn.
Chỉ tay về phía cuối đường, Phó trưởng khu phố Lê Văn Minh cho hay: “Trước đây, người dân khu phố mỗi lần ra trung tâm xã phải đi quãng đường hơn 7km. Từ khi anh Nhất hiến đất, mở đường mới xuyên đồi, khoảng cách đó rút ngắn chỉ còn hơn 3km, việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn nhiều. Đặc biệt, các cháu học sinh không phải đi qua đường Hồ Chí Minh, không phải nơm nớp lo sợ TNGT nữa. Bên cạnh đó, nhân dân cũng phát triển kinh tế đồi rừng, bởi giờ đây, xe tải và các phương tiện phục vụ sản xuất có thể đến tận chân đồi”.
Ông Lê Ngọc Hồng, Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Cát cho hay, trường hợp anh Lê Bá Nhất, ngoài hiến hàng nghìn m2 đất, anh còn cùng cán bộ thôn đến từng nhà vận động bà con lối xóm hiến đất làm đường. “Nếu trước kia khi chưa mở đường, thu nhập của nhân dân chỉ đạt khoảng 16 - 17 triệu đồng/năm. Nhưng nay tăng lên khoảng 33 - 35 triệu đồng/năm.
Mặt khác, tình hình giao thông ổn định, không xảy ra va chạm, tai nạn chết người. Về mặt lâu dài, nhân dân và chính quyền mong muốn có kinh phí đổ bê tông hoặc thảm nhựa giúp việc đi lại được thuận tiện hơn nữa”, ông Hồng cho biết.
Giai đoạn 2010-2015, chính quyền xã Yên Lễ (cũ) đã vận động nhân dân các thôn: Yên Thắng, Thắng Sơn, Trung Thành… hiến hàng nghìn m2 đất để giải phóng hướng tuyến, làm các công trình công cộng và 31km đường giao thông nông thôn. Giai đoạn 2016-2019, tiếp tục có hàng chục hộ dân hiến đất để làm 18km đường giao thông nông thôn. Ngoài trường hợp gia đình anh Lê Bá Nhất hiến 7.000m2 đất, các hộ gia đình điển hình như các ông, bà: Lê Văn Ân, Lê Thị Mạnh, Lê Đức Khả, Lê Hữu Duyệt, Phạm Thị Hôm, Lê Thị Bống, Cao Đình Vở… đã hiến từ 10-50m2 đất để địa phương làm đường.
Tác giả: Phúc Tuấn
Nguồn tin: Báo Giao thông