|
“Lên chức” nhưng “xuống thu nhập”
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, toàn tỉnh có 354 cán bộ, công chức, chuyên viên làm việc tại các Phòng GD&ĐT ở 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 210 chuyên viên.
Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có 15 người, trong đó có 3 phó phòng, 1 trưởng phòng là công chức còn lại là chuyên viên phụ trách 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành (tổ trưởng tổ THCS) cho biết: Tôi bắt đầu đi dạy năm 1994. Trước khi được điều động về Phòng GD&ĐT (8/2008), tôi đang là giáo viên Trường THCS Thạch Định, huyện Thạch Thành và là giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Khi chuyển lên công tác tại Phòng GD&ĐT, lương của tôi bị tụt xuống còn 2/3 lương so với khi dạy ở trường do bị cắt 20% đứng lớp và 35% thâm niên. Hiện nay, lương của tôi đang bậc 8, với mức lương 5,5 triệu đồng/1 tháng, không có phụ cấp gì thêm.
“Phụ trách công việc tại Phòng GD&ĐT, tôi phải tổ chức hoạt động chuyên môn và quản lý chuyên môn 29 trường THCS trên địa bàn huyện. Tôi phải thường xuyên đi kiểm tra chuyên môn ở các trường.
Với địa bàn miền núi, trường xa nhất cũng cách trung tâm huyện 40 km. So với lúc còn dạy tại trường, công việc tại Phòng GD&ĐT vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, chính sách cho chuyên viên lại không có. Nhiều lúc tôi băn khoăn, lo lắng và có ý nghĩ xin trở về công tác tại trường để đảm bảo thu nhập hơn” – chị Hạnh tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Dĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành - cũng cho biết: Các chuyên viên được điều động làm việc tại phòng hầu hết đều là những hiệu trưởng cốt cán tại các trường hoặc giáo viên giỏi cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi được điều động làm việc ở Phòng GD&ĐT những cán bộ, giáo viên này bị cắt hết các khoản phụ cấp, chỉ còn lương theo hệ số.
Điều này khiến cho nhiều người không muốn về Phòng GD&ĐT làm việc mặc dù có quyết định điều động. Tại huyện Thạch Thành, để hỗ trợ cho các chuyên viên làm việc tại Phòng GD&ĐT, UBND huyện đã hỗ trợ 25% theo phụ cấp công chức, nhằm động viên cho các chuyên viên yên tâm công tác.
Từ những bất cập trong chính sách cho chuyên viên Phòng GD&ĐT, ông Dĩnh cũng đề nghị: Hiện nay chưa có định biên công chức, viên chức rõ ràng cho Phòng GD&ĐT. Chúng tôi mong cơ quan chức năng, xem xét để đưa ra cơ chế, chính sách rõ ràng cho những chuyên viên làm việc tại Phòng GD&ĐT nhằm thu hút những người có năng lực về Phòng GD&ĐT làm việc và để những người đang công tác tại các Phòng GD&ĐT bớt thiệt thòi.
Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần xem xét việc cắt % thâm niên của cán bộ, giáo viên khi chuyển lên công tác tại Phòng GD&ĐT. Vì hầu hết các chuyên viên tại phòng đều là những cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán công tác lâu năm tại các trường.
Có người công tác 20 năm ở trường, có nhiều cống hiến cho ngành Giáo dục. Khi lên Phòng GD&ĐT làm việc những người này thực tế vẫn đang công tác trong ngành Giáo dục. Vậy việc cắt % thâm niên là một thiệt thòi lớn cho những người đang làm việc tại các Phòng GD&ĐT.
Chính sách hỗ trợ chuyên viên: mỗi nơi một kiểu
Cũng như nhiều trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khác khi được điều động về Phòng GD&ĐT, dù được “lên chức” nhưng anh Nguyễn Đức Nam (SN 1979) chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân vẫn không muốn đi do thu nhập không đảm bảo.
Anh Nguyễn Đức Nam chia sẻ: Anh được điều động về phòng từ 8/2017. Trước đó, anh là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân. Khi đang công tác ở trường, mức lương của anh Nam gần 7 triệu đồng/tháng, khi về Phòng GD&ĐT, lương tụt xuống còn hơn 4 triệu đồng/tháng.
Để hỗ trợ cho chuyên viên, huyện Thọ Xuân cũng hỗ trợ thêm 25% và số tiền này được lấy theo quý, 1 quý lấy 1 lần. “Khi có quyết định điều động lên Phòng GD&ĐT, tôi cũng không muốn lên vì với mức lương này tôi gặp nhiều vất vả để trang trải cuộc sống gia đình” - anh Nam nói.
Nhằm giúp các chuyên viên Phòng GD&ĐT yên tâm công tác, nhiều huyện cũng thực hiện chính sách hỗ trợ cho chuyên viên giống như huyện Thạch Thành, Thọ Xuân là hỗ trợ 25% như phụ cấp công chức; có huyện biệt phái chuyên viên xuống các trường để họ được hưởng lương và các chế độ chính sách tại trường. Tuy nhiên, dù áp dụng chính sách hỗ trợ nào vẫn sai quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Thành – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: Theo quy định những người làm việc tại Phòng GD&ĐT phải là công chức.
Tại Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định: “Phòng GD&ĐT có trưởng phòng và 3 phó phòng và các công chức thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ; biên chế công chức của Phòng GD&ĐT do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định nằm trong tổng biên chế công chức của huyện”.
Tuy nhiên do chưa quy định rõ ràng số lượng công chức làm việc tại Phòng GD&ĐT dẫn đến các huyện chỉ dành cho Phòng GD&ĐT từ 1 đến 4 công chức (chủ yếu là lãnh đạo phòng) còn lại chuyên viên không thuộc mã ngạch nào.
Cũng từ việc chưa có chính sách rõ ràng cho các chuyên viên làm việc tại Phòng GD&ĐT nên mỗi huyện áp dụng một chính sách hỗ trợ khác nhau.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại