Giáo dục

Nỗi lo thiếu giáo viên đầu năm học mới

Mỗi năm có hàng chục giáo viên xin về dạy hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, tuy nhiên do không có chỉ tiêu nên nhiều trường ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) mặc dù thiếu giáo viên trầm trọng nhưng cũng đành từ chối những hồ sơ này.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là học sinh tỉnh Đắk Nông bước vào năm học mới 2017-2018. Bên cạnh nỗi lo cơ sở vật chất trường lớp thì ngành giáo dục huyện biên giới Tuy Đức còn phải trăn trở trước tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp ở các bậc học. Tình trạng kéo dài gần 5 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết khiến học sinh phải học dồn lớp, học một buổi còn giáo viên phải dạy tăng tiết, tăng giờ.

Thiếu giáo viên, một cô phải trông 100 cháu

Trường mầm non Hoa Mai (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) có 6 điểm trường, trong đó điểm xa nhất cách điểm trường chính gần 20km. Cả trường chỉ có 15 giáo viên cùng 1 nhân viên y tế, được chia đều cho 6 điểm trường nên nhiều năm liền luôn trong tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cả lớp học.

Theo tính toán, huyện biên giới Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) thiếu gần 50 giáo viên đứng lớp, nhất là bậc mầm non.

Năm học 2016-2017, trường mầm non này được bổ sung thêm 2 giáo viên biên chế, nhưng vẫn không đáp ứng đủ số giáo viên/lớp theo quy định, nên cả hiệu trưởng và hiệu phó của trường phải thay nhau đứng lớp.

Cô Phùng Thị Ngọc Vân, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Mai cho biết, năm học 2016-2017, trường dự kiến có 500 học sinh theo học ở 17 lớp (tương đương với số trẻ năm học trước). Tuy nhiên, do trường hoạt động trên địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc phía Bắc, tình trạng di dân tự do cao nên có thể số trẻ nhập học sắp tới sẽ cao hơn rất nhiều.

Nữ hiệu trưởng này tâm sự: “Chỉ với 15 giáo viên thì chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu lớp học hiện có. Theo quy định thì trường còn thiếu 10-12 giáo viên, nên năm học vừa rồi đã có trường hợp một cô phải quản 70-100 cháu. Chưa kể đến chuyện không có cán bộ phụ trách dinh dưỡng cho các cháu nên chúng tôi buộc phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau”.

Ngoài thiếu giáo viên, nhiều trường còn thiếu cơ sở vật chất nên một lớp có 2-3 nhóm tuổi

Tương tự, Trường mần non Hoa Pơ Lang (xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức), mặc dù nằm ngay trung tâm huyện nhưng trong năm 2017-2018, trường này tính toán sẽ thiếu tới 5 giáo viên mầm non.

Cô Trần Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Pơ Lang than thở: “Hầu như năm nào trường cũng thiếu giáo viên, đến năm nay là thiếu ít nhất. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sĩ số của mỗi lớp học chỉ từ 25-35 cháu (tùy theo độ tuổi), tuy nhiên nhiều lớp trong trường buộc phải nâng sĩ số vì thiếu giáo viên đứng lớp”.

Ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tuy Đức cho biết, theo Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT thì toàn huyện còn thiếu khoảng 50 giáo viên, trong đó phần lớn là giáo viên mầm non. Nhưng để giảm xuống con số này cũng đã là nỗ lực lớn của ngành giáo dục địa phương, bởi có năm cả huyện này thiếu cả gần 100 giáo viên các cấp. “Việc thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học khiến cả cô và trò chịu nhiều thiệt thòi”, ông Đan khẳng định.

Nản vì dạy kê, dạy gác

Trưởng phòng Giáo dục huyện Tuy Đức cho biết thêm, khi mới thành lập, toàn huyện chỉ có trên 6.000 học sinh, nhưng đến nay đã tăng lên gần 14.000. Nguyên nhân là tình trạng gia tăng dân số tự nhiên cao và số lượng người thuộc diện di dân tự do, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc lớn. Trong khi đó, số lượng giáo viên biên chế, giáo viên hợp đồng được phân bổ về rất hạn chế, nên không đáp ứng kịp nhu cầu dạy học.

Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng nhất xảy ra ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trong ảnh: Cô giáo trường mầm non Hoa Mai đang trên đường vào điểm trường để dọn dẹp, chuẩn bị năm học mới.

Việc các trường học trên địa bàn huyện thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm liền, buộc các trường phải khắc phục tình trạng bằng cách bố trí giáo viên “dạy kê, dạy gác” (tăng tiết) nhằm bảo đảm cho hoạt động dạy và học. Đây là thực tế không tránh khỏi trong giáo dục mầm non tại huyện này.

Cô Trịnh Thị Kim Huệ, giáo viên trường mầm non Hoa Mai trong năm vừa rồi đã phải quản lý lớp học 100 học sinh. Nữ giáo viên này tâm sự: “Một mình quản lý số lượng học sinh lớn đã vất vả mà phải làm việc liên tục 10 tiếng/ ngày nên nhiều hôm tôi phải ở luôn trong bản chứ không về nhà được. Bên cạnh đó, phần lớn học sinh là người đồng bào Mông, hạn chế về tiếng Việt nên giáo viên rất cực. Chỉ có 1 giáo viên/lớp nên gần như không có thời gian để giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Đào (xã Đắk Ngo) cũng cho biết, trường này không đủ cán bộ, giáo viên nên phân bổ cho 4 điểm trường nên hôm nào một cô đi họp hay tập huấn thì cô còn lại phải trông chừng gần 100 cháu của hai lớp khiến các cô rất “nản”.

“Nhiều cô giáo được phân công vào bản xa làm việc, đường đi lại khó khăn, đời sống ăn ở sinh hoạt thiếu thốn, lại phải dạy kê, dạy gác nên phải bỏ việc giữa chừng hoặc không quay lại làm việc đầu năm học mới nên chúng tôi rất lo lắng”, cô Mùi bộc bạch.

Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất khiến nhiều trường mầm non phải dồn học sinh khác độ tuổi chung một lớp.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Văn Đại, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng thiếu giáo viên tại huyện Tuy Đức đã diễn ra nhiều năm nay. Trước tình hình này, Sở SG-ĐT tỉnh đã phối hợp với các sở liên quan làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh, xem xét để ký hợp đồng với 385 giáo viên để đáp ứng nhu cầu của các trường.

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok