Giáo dục

Giáo viên khóc ròng vì mô hình VNEN đang 'biến tướng' ở các địa phương

Có lẽ, nếu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhất là giáo dục tiểu học, các thầy cô sẽ không còn thấy lạ lẫm với cụm từ “mô hình trường học mới (VNEN)”.

Nhất là thời gian qua, mô hình trường học mới này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của phụ huynh học sinh.

Nhiều phụ huynh đã làm đơn xin chuyển lớp cho con để “né” mô hình VNEN. Có những phụ huynh sẵn sàng cho con “ở lại lớp” để “trốn” VNEN.

Trước những phản đối từ phía dư luận, tháng 8/2016, đánh giá về mô hình VNEN, Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận những bất cập vẫn còn tồn tại trong quá trình triển khai. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các trường triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của nó để đổi mới phương pháp.

Điều đáng nói, Bộ GD&ĐT không hướng dẫn cụ thể các địa phương quy trình, biện pháp thực hiện nguyên tắc “triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện”. Do đó, các địa phương không tổ chức lấy ý kiến phụ huynh, học sinh, tiếp tục triển khai VNEN trong sự chán nản của phụ huynh và cả giáo viên.

Một giáo viên tại Hải Dương cho biết: “ Dự giờ mô hình trường học mới, giáo viên chúng tôi ai cũng than thở nhưng chỉ dám nói với nhau ở ngoài hành lang.

Khi các án bộ Phòng, Sở kết luận: “Đó là mô hình rất hay, chúng ta cần phát huy” thì bao nhiêu ý kiến định đóng góp bỗng tan thành mây khói vì biết có nói cũng không có tác dụng gì mà còn bị “trù dập”.

Không hiểu tại sao Bộ GD&ĐT đã thừa nhận những bất cập của mô hình mà lại không “xuống lệnh” bỏ nó ngay cho giáo viên và học sinh chúng tôi được nhờ. Bộ GD&ĐT nói bất cập nhưng lại không hướng dẫn cụ thể thế nào thì trường nào dám bỏ?

Thành ra, nhiều khi dạy trên lớp, bản thân tôi cũng phải áp dụng các phương pháp khác nhau để giảng, kể cả phương pháp truyền thống. Tôi cứ cho học sinh ngồi hướng lên bảng chứ không ngồi theo mâm như mô hình VNEN. Phương châm của tôi là miễn sau học sinh dễ hiểu nhất là được. Các em còn quá nhỏ, tại sao người lớn chúng ta cứ phức tạp hóa vấn đề?”.

Chị Nguyễn Hà Phương - phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện Đông Hưng - Thái bình cho hay: “Tôi cũng có cháu đang theo học mô hình này. Thấy mẹ nó than thở, tối nào cũng kiểm tra kỹ năng làm bài của con chỉ thấy con ngậm bút và nhăn nhó. Ra những câu hỏi tương tự con cũng bó tay luôn. Tối nào hai mẹ con cũng đánh vật với nhau.

Năm vừa rồi trường con gái tôi cũng bắt đầu học VNEN, thực sự là tôi rất lo lắng, hỏi gì con cũng “vắt đầu vắt cổ” mới nói được. Nhiều tỉnh khác đã bỏ mô hình này vì chỉ dạy thí điểm, tại sao trên cả nước không bỏ đi cho đồng bộ?

Với mô hình này, nếu cha mẹ không có thời gian mà phó mặc cho con tự học thì mất gốc ngay. Tôi thấy, hạn chế nhất của mô hình này là khi học theo nhóm, chỉ cần 1 bạn trong nhóm làm được là các bạn kia nhìn bài luôn mà chẳng cần suy nghĩ.

Thế là nhiều học sinh sẽ có xu hướng “há miệng chờ sung”, còn giáo viên thì không có thời gian mà kiểm tra từng em nên bản thân giáo viên cũng không biết được các con nắm được kiến thức hay chưa”. Tôi nghĩ, thí điểm mô hình này đã là một sai lầm, đã sai thì chúng ta nên dũng cảm đối mặt và bỏ ngay nó đi trước khi những thế hệ trẻ “lụi tàn” vì nó”.

Lớp học theo mô hình VNEN

Một giáo viên tại TP. Vinh cũng chia sẻ: “Thật không thể nào hiểu nổi, một mô hình được nhiều chuyên gia đánh giá là hay được áp dụng thí điểm. Khi thí điểm, ai cũng nhận ra hạn chế của nó, thế mà cho đến giờ nó vẫn được triển khai khắp nơi và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo tôi được biết, mô hình này ở Colombia người ta dạy rất hiệu quả. Nhưng khi về Việt Nam tất cả đều bị “xén bớt” nhất là khâu tập huấn cho giáo viên. Giờ đây, chương trình trình sắp phá sản, đã biến tướng xin hỏi rồi mai đây ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng các học sinh đã từng bị lôi ra “thí điểm”?

Được biết, để dạy được VNEN, giáo viên chỉ được tham dự một số buổi tập huấn theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” rồi về tự mày mò. Ông Ninh Viết Tăng, Hiệu trưởng THCS Hưng Dũng (TP Vinh) cho biết toàn bộ giáo viên của trường chỉ được tập huấn 2 ngày để dạy chương trình VNEN.

Đó là chưa kể, nhiều giáo viên cận kề tuổi hưu cũng được giao dạy VNEN. Điều này dẫn tới cú “sốc” đối với đông đảo giáo viên.

Về mặt khoa học giáo dục, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên như trên là hết sức bất cập, tất yếu sẽ dẫn đến phản ứng, chán nản, dạy theo kiểu đối phó, hình thức. Muốn dạy VNEN, giáo viên phải được đào tạo bài bản về phương pháp, mô hình này; chứ không phải dự mấy buổi tập huấn qua loa, “huấn” nhiều hơn “tập”.

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: mô hình VNEN , giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok