Ông Tập Cận Bình tuyên thệ sau khi tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Là lãnh đạo của quốc gia đông dân nhất thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có rất nhiều mối bận tâm. Một cuốn sách dày 272 trang vừa được xuất bản hé lộ những điều có thể khiến ông Tập trăn trở mỗi đêm, theo NYTimes.
Cuốn sách có tựa đề "Tổng hợp khái niệm an ninh quốc gia toàn diện" do Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn học Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc biên soạn, tập hợp những quan điểm từng được Chủ tịch Tập đưa ra về an ninh quốc gia trong "thời đại xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc". Sau đây là những điểm nổi bật được ông Tập đề ra nhằm đảm bảo an ninh cho Trung Quốc trong thời kỳ mới.
Chiến thắng trong cuộc đua công nghệ
Những tranh chấp thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Bắc Kinh nhận ra tầm quan trọng của việc tự lực tự cường về công nghệ. Cuốn sách cho thấy ông Tập đã rất quyết tâm trong việc giúp Trung Quốc sản xuất được microchip, xây dựng các hệ điều hành riêng cùng những công nghệ chủ chốt khác trước khi nổ ra tranh chấp thương mại với Mỹ.
Trong hai bài phát biểu vào tháng 7 và tháng 8/2013, ông Tập chỉ ra rằng phương Tây có được vị thế lấn át như hiện nay là nhờ vào công nghệ. "Công nghệ tiên tiến là vũ khí sắc bén của nhà nước hiện đại. Bạn không thể mua được những công nghệ thực sự cốt lõi, bởi có câu rằng 'vũ khí lợi hại nhất của quốc gia không thể đem ra bán'", ông nhấn mạnh.
Ông cũng thừa nhận rằng công nghệ Trung Quốc hiện nay nhìn chung lạc hậu hơn so với các quốc gia phát triển, bởi vậy nước này cần có chiến lược để đón đầu và vượt lên về công nghệ. "Với những lĩnh vực mà chúng ta không thể bắt kịp vào năm 2050, chúng ta phải có những bước đi tắt. Trên trường quốc tế, nếu không có công nghệ cốt lõi tiên tiến, bạn sẽ không có vị thế chính trị", Chủ tịch Trung Quốc nói. "Chúng ta phải nỗ lực lớn trong các lĩnh vực chủ chốt hay những chỗ còn bế tắc. Điều tương tự cần được thực hiện với quân đội".
Trung Quốc được cho là đang có những bước tiến vượt bậc về công nghệ quân sự kể từ khi ông Tập lên nắm quyền. Nước này đã nghiên cứu, sản xuất một loạt phương tiện quân sự được cho là có thể cạnh tranh ngang ngửa với phương Tây, chẳng hạn như tiêm kích tàng hình J-20. Bắc Kinh cũng vừa cho tàu sân bay thứ hai ra biển thử nghiệm lần đầu tiên. Khi biên chế tàu sân bay này, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia sở hữu số hàng không mẫu hạm lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.
Kiểm soát Internet
Ông Tập phát biểu tại một hội thảo ở Bắc Kinh năm 2014. Ảnh: Chinanews. |
Kể từ khi Internet ra đời, các lãnh đạo Trung Quốc đã rất lo lắng về nguy cơ nó bị biến thành công cụ để do thám và phục vụ mục đích xấu. Bài phát biểu của ông Tập vào tháng 8/2013 cho thấy ông rất cảnh giác trước khả năng do thám của Mỹ, đặc biệt là sau vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị Edward Snowden phanh phui.
"Internet đã trở thành chiến trường chính trong cuộc chiến giành ảnh hưởng dư luận. Nhiều thế lực phương Tây liên tục lợi dụng Internet để chống lại Trung Quốc, thậm chí một số chính trị gia còn cho rằng những nước như Trung Quốc sẽ tự rơi vào vòng tay phương Tây bắt đầu từ Internet", ông Tập nói.
Từ các chương trình do thám trên Internet như Prism hay Xkeyscore của Mỹ, ông Tập cho rằng năng lực và quy mô của các hoạt động Internet đã vượt xa tưởng tượng của mọi người. "Chúng ta có thể trụ vững và giành thắng lợi trong cuộc chiến Internet hay không có tác động trực tiếp đến an ninh chính trị và ý thức hệ của Trung Quốc", ông khẳng định.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng bị coi là quốc gia có các hoạt động tấn công mạng hàng đầu thế giới. Mỹ từng cáo buộc các tin tặc được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã đột nhập những dữ liệu tối mật của quân đội và nhà thầu quốc phòng nước này, đánh cắp các thông tin nhạy cảm để phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí nội địa.
Đua tranh về ưu thế quân sự
Từ khi ông Tập lên nắm quyền, Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng và mạnh tay đầu tư hiện đại hóa quân đội. Từ năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ bị bỏ xa trong cuộc cách mạng toàn cầu về lĩnh vực quân sự với những cạnh tranh ngày càng gay gắt.
"Mỹ đang giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc cách mạng quân sự này và cũng đang giữ những ưu thế mới trong công nghệ quân sự. Họ tích cực phát triển năng lực tấn công nhanh trên toàn cầu, một số vũ khí hiện đại đã phá vỡ giới hạn không thời gian", ông nói. "Khi được triển khai trong thực chiến, chúng sẽ thay đổi về bản chất tấn công và phòng thủ truyền thống".
Các quan chức quân sự và chính quyền cấp cao ở Washington gần đây thừa nhận Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp về khoảng cách công nghệ quân sự với Mỹ. Quân đội Mỹ đang phải tích cực thúc đẩy chương trình vũ khí siêu vượt âm để đối phó với những tiến bộ đến từ Trung Quốc và Nga, trong khi nhiều quan chức hải quân lo ngại hạm đội tàu sân bay Mỹ có thể trở nên lạc hậu trước các tên lửa chống hạm ngày càng uy lực của quân đội Trung Quốc.
Nguy cơ tiềm ẩn về tài chính
Các quan chức Trung Quốc gần đây ngày càng đề cập nhiều hơn tới yêu cầu giải quyết những rủi ro tài chính từ các khoản nợ ngày càng tăng, và những tuyên bố được ông Tập đưa ra từ tháng 12/2016 đã giải thích điều này.
"Hiện nay, rủi ro tài chính chuyển biến bất thường và liên tục. Dù các nguy cơ tài chính mang tính hệ thống nhìn chung đã được kiểm soát, các rủi ro về tính thanh khoản, ngân hàng ma, bong bóng bất động sản... đang gia tăng, khiến các thị trường tài chính trở nên hỗn loạn", ông cảnh báo.
Ông Tập thừa nhận một số rủi ro tài chính "ăn sâu bám rễ" sau thời gian dài có thể bất ngờ bùng nổ. "Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ giai đoạn 2007-2009 bùng lên chỉ sau một đêm. Nếu chúng ta gặp rắc rối lớn trong tương lai, đó có thể là trong lĩnh vực này, nên nó cần sự cảnh giác cao độ", ông nói.
Trong bài viết đăng trên Capital Economics hôm qua, hai chuyên gia kinh tế Mark Williams và Julian Evans-Pritchard cho rằng cách kiểm soát và can thiệp của chính phủ Trung Quốc hiện nay vào nền kinh tế có thể gây ra "tình trạng phân bổ không đều các nguồn lực" và ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, ngay cả khi nước này tránh được một cuộc khủng hoảng tín dụng.
"Thật không may là có rất ít dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình muốn giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Thay vào đó, ông ấy dường như kết luận rằng việc duy trì sự kiểm soát này có vai trò quan trọng đối với khả năng lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản Trung Quốc", họ viết.
Bất an về ô nhiễm môi trường
Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang vì tình trạng khói mù năm 2017. Ảnh: AP. |
Ông Tập đã thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế khói mù, ô nhiễm đất đai và các loại hình ô nhiễm khác vốn đã đến ngưỡng báo động ở nước này.
Tháng 5/2013, khi Trung Quốc trải qua cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí tồi tệ, ông Tập đã thể hiện nỗi lo lắng về nguy cơ nỗi giận dữ của người dân về tình trạng khói mù có thể biến thành những "biến cố lớn".
"Dư luận rất quan ngại về vấn đề môi trường. Khi kinh tế xã hội phát triển và mức sống người dân tăng lên, vấn đề này càng có nguy cơ châm ngòi cho sự bất mãn tập thể", ông phát biểu. "Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng bất bình này có thể biến thành những sự cố quy mô lớn".
Trung Quốc gần đây tiến hành các chiến dịch quyết liệt để cải thiện chất lượng môi trường. Giới chức nước này ban hành nhiều quy định nhằm kiểm soát lượng phương tiện cá nhân lưu thông ở thủ đô Bắc Kinh, cũng như nghiêm cấm tình trạng đốt than đá gây ô nhiễm ở các tỉnh miền bắc.
Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3 chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch trong hiến pháp, mở đường để ông Tập có thể nắm quyền trong thời gian dài. Đây được coi là động thái cần thiết để ông Tập tiếp tục chương trình nghị sự dài hạn của mình, nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc về kinh tế, quân sự vào giữa thế kỷ 21.
Tác giả: Bình An
Nguồn tin: Báo VnExpress