Với học sinh trung học cơ sở và cả trung học phổ thông, một buổi học trên lớp, buổi còn lại hoặc buổi tối các em thường đi học thêm. Việc đưa đón con đi học trở thành nỗi lo của nhiều phụ huynh. Vào đầu năm học mới, việc sắm cho con em mình chiếc xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe máy- nhất là ở bậc trung học phổ thông để các em chủ động việc đến trường, đến lớp đang được nhiều phụ huynh ưu tiên. Tuy nhiên, vấn đề an toàn giao thông với đối tượng học sinh này cũng là điều đáng quan tâm.
Nhiều phụ huynh vẫn chở con đi ngược chiều. |
Ngày khai giảng, cổng trường THPT Hòn Gai (thành phố Hạ Long) vào cuối giờ tấp nập học sinh và người nhà đi đón con. Khá đông cô cậu học trò, nhất là năm đầu cấp được cha mẹ sắm cho xe đạp điện, xe máy điện tỏ ra phấn khích lắm. Từng tốp, từng tốp phóng xe rồi vù ga luồn lách trên đường phố về nhà...
Trước và sau giờ học, trên các trục đường chính thành phố Hạ Long, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh điều khiển xe điện và cả xe máy trên 50 phân khối không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định hay thường xuyên di chuyển với tốc độ cao….
Nhiều vị phụ huynh không tiếc khi sắm cho con em mình chiếc xe như vậy một phần để chủ động việc đi học, phần quan trọng là cha mẹ đỡ phải đưa đón nhưng không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề tai nạn có thể xảy ra bởi phần lớn các em ở độ tuổi mới lớn, khó kiểm soát được tình huống khi tham gia giao thông. Chưa kể, bất chấp biển cấm, nhiều người tuy chở theo con nhỏ nhưng vẫn đi ngược chiều, gây mất an toàn giao thông.
Chị Đinh Phương Huyền, trú tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long cho biết: “Thường ngày tôi vẫn đưa con đi học, với những người chạy ẩu khi đưa đón con, tôi cảm thấy tắc trách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ý thức của các con, mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính họ và những người tham gia giao thông khác".
Gần đây, số vụ tai nạn giao thông xảy ra khá nhiều và đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh. Việc tuyên truyền luật giao thông tới phụ huynh và học sinh đã được các ngành chức năng quan tâm và thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố Hạ Long, cũng như ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, tình trạng các bậc phụ huynh và học sinh vi phạm luật giao thông vẫn xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Ban ATGT tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tuyên truyền ngày từ nhà trường, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó là vấn đề xử phạt nghiêm tất cả các vi phạm, đặc biệt là đối với phụ huynh thì phải có những chuyên đề để mà xử phạt nặng, hết mức phạt đối với các phụ huynh mà vi phạm an toàn giao thông".
Nhiều học sinh vẫn đi xe máy tới trường. |
Thực hiện Công điện số 989 ngày 14/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ “Về bảo đảm trật tự, ATGT trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2019-2020”, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai "Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9", chỉ đạo các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Trong năm học này ngoài việc tổ chức ký cam kết việc thực hiện ATGT đối với học sinh, các nhà trường còn tổ chức cho chính các phụ huynh ký cam kết để đảm bảo ATGT, đặc biệt là không giao xe máy khi các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép: "Trong năm học tới chúng tôi tiếp tục trang bị các phương tiện dạy học, đặc biệt là giáo dục ATGT cho học sinh. Năm nay chúng tôi cũng phối hợp với để trang bị cho 100% các trường THPT trên toàn tỉnh giá để mũ bảo hiểm và một số mũ bảo hiểm hỗ trợ cho các học sinh khó khăn. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh để tăng cường quản lý các phương tiện xe ô tô đưa đón các em học sinh tới trường".
Chủ trương đã có nhưng việc giám sát của nhà trường, nhất là sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh mới là điều quyết định để chủ trương mang lại hiệu quả.
Theo thống kê từ Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Con số này khó có thể kéo giảm nếu như các bậc phụ huynh vẫn chưa nhận thức đúng đắn, chưa tự giác thực hiện văn hóa giao thông. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước cũng cần nâng cao ý thức thực hiện văn hóa giao thông, chấp hành nghiêm chỉnh các luật về an toàn giao thông để giảm thiểu tai nạn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và toàn xã hội./.
Tác giả: Duy Thái
Nguồn tin: Báo VOV