Số hóa

Nỗi lo AI bị 'vũ khí hóa' để chống lại con người

Đã có nghiên cứu cho thấy tin tặc có thể lợi dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT để tạo ra mã độc từ các yêu cầu đơn lẻ nhằm né trách các quy tắc an toàn về bảo mật.

Tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện Không quân Mỹ vào đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Biden cảnh báo về sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI), dự đoán công nghệ này có thể "vượt qua suy nghĩ của con người" trong một tương lai không xa. "Sẽ không dễ dàng gì. Đây là cơ hội đáng kinh ngạc, nhưng chúng ta có rất nhiều việc phải giải quyết", ông Biden phát biểu.

Trong buổi phỏng vấn mới đây nhất, Chủ tịch Microsoft - Brad Smith cho rằng nếu không có sự can thiệp của con người, AI có thể bị biến thành vũ khí đe dọa sự sống: "Mọi công nghệ ra đời đều có thể trở thành công cụ giúp ích cho con người, nhưng cũng là vũ khí. Chúng ta cần đảm bảo AI chịu sự kiểm soát của con người để có thể làm chậm hoặc tắt mọi thứ khi cần".

Microsoft hiện là một trong những công ty dẫn đầu về phát triển trí tuệ nhân tạo và đầu tư sớm vào OpenAI, "cha đẻ" của ChatGPT. Hãng đã chi hàng tỷ USD để nghiên cứu ứng dụng AI, tích hợp công nghệ tiên tiến này vào các sản phẩm của mình, trong đó có Bing - công cụ tìm kiếm tương tự Google Search. Dù tích cực thúc đẩy lợi ích của AI, ông Smith khẳng định Microsoft nhận thức được rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng AI, đồng thời vận động các công ty khác "làm điều đúng đắn".

AI xấu hay tốt tùy phục vào cách con người kiểm soát công nghệ này.

Không chỉ ứng dụng vào tiện ích hàng ngày, trí tuệ nhân tạo nổi lên như một công cụ mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh mạng. Sự xuất hiện của ChatGPT vào tháng 11/2022 trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận về AI, cho thấy những tác động hữu hình của công nghệ Neural Network và tiết lộ AI có khả năng phá hủy các ngành công nghiệp trên toàn cầu.

Một trong những cuộc thảo luận xung quanh ChatGPT là cách tội phạm mạng khai thác công nghệ này để tăng các cuộc tấn công lừa đảo và phần mềm độc hại. Thực tế đã có nghiên cứu cho thấy tin tặc có thể lợi dụng công cụ này để tạo ra mã độc từ các yêu cầu đơn lẻ nhằm né trách các quy tắc an toàn.

Tại Tuần lễ An ninh mạng thường niên diễn ra mới đây ở Indonesia, hãng bảo mật Kaspersky đưa ra khái niệm Cyber Immunity, một cách phát triển hệ thống CNTT với khả năng bảo vệ bẩm sinh.

Ông Eugene Kaspersky, Giám đốc điều hành của Kaspersky cho biết: "Cyber Immunity là công nghệ đại diện cho hệ thống bảo mật được thiết kế an toàn, có khả năng tạo ra giải pháp hầu như không thể bị xâm phạm, giảm thiểu tối đa số lượng lỗ hổng tiềm ẩn. An ninh mạng truyền thống không còn đủ khả năng bảo vệ nữa. Chúng ta cần cách mạng hóa hệ thống phòng thủ để đảm bảo tạo ra một thế giới kỹ thuật số an toàn hơn".

Hiện khu vực APAC (châu Á - Thái Bình Dương) đi đầu trong cuộc cách mạng AI. Một nghiên cứu gần đây của IDC tiết lộ chi tiêu cho AI tại khu vực này sẽ tăng gấp đôi sau 3 năm, từ 9,8 tỷ USD vào năm 2023 lên 18,6 tỷ USD vào năm 2026. Để nâng cao hiệu quả và giảm phụ thuộc vào kỹ thuật, phần lớn doanh nghiệp địa phương đặt mục tiêu đưa AI vào các danh mục công nghệ kinh doanh trong 3 năm. Hiện tại, quy mô thị trường AI tại khu vực APAC ở mức 22,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng gần gấp 4 lần vào năm 2028, đạt 87,6 tỷ USD.

Báo cáo của IDC nhấn mạnh rằng Trung Quốc, Australia và Ấn Độ là 3 quốc gia dẫn đầu về chi tiêu cho AI trên toàn khu vực và nhiều quốc gia khác sẽ đi theo. "Điều này khiến chúng tôi phải vạch ra lộ trình an toàn ngay bây giờ, đảm bảo khai thác lợi thế của công nghệ này mà không ảnh hưởng đến an ninh", Adrian Hia - Giám đốc điều hành khu vực APAC của Kaspersky cho biết thêm.

Tác giả: KHÁNH LINH

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok