Cảm giác đau đớn tột cùng khi người ta lôi sinh linh bé nhỏ khỏi bụng chị lại hiện về nguyên vẹn. Có đêm chị còn mơ thấy một bé gái xanh xao, mặt mũi tái mét cứ đứng ở cửa nhìn chị đầy trách móc. Chị giục nó đi, nó lại bám lấy chị khóc thật to. Những cơn ác mộng hiện về khiến cảm giác tội lỗi, xót xa ngày càng dâng ngập. Chị gầy úa, héo hon, không còn tâm trí để làm gì.
Cũng như nhiều người đàn ông Việt, chồng chị Tâm luôn mong ước có một đứa con trai. Hai đứa con gái chăm ngoan, học giỏi không làm anh nguôi ngoai khát khao ấy. Anh nằng nặc ép vợ sinh đứa thứ 3. Khuyên can, nài nỉ chồng không được, chị Tâm đành nhắm mắt nghe theo.
Trước khi có bầu lần thứ 3, vợ chồng chị Tâm đã dành thời gian nghiên cứu và áp dụng đủ các phương pháp sinh con trai theo những đồn đoán âm dương, đông tây kim cổ: Đi cầu quý tử ở đền chùa, lên tận Bắc Giang cắt “thuốc đẻ con trai”, ăn mặn thời gian dài, siêu âm canh trứng,…
Hình minh họa
Lần thứ 3 mang thai, cảm xúc của chị Tâm cũng khác nhiều. Đêm đêm, chị đặt tay lên bụng mà trong lòng lo lắng không yên. Thực lòng, chị không dám chắc các “chiêu bài sinh con trai” có thể thành công trong khi chồng chị đã giao hẹn: “Chỉ con trai mới đẻ”.
Chị những tưởng chỉ cần chờ đến khi thai được 12 – 13 tuần sẽ biết giới tính rõ ràng nhưng ai dè đến tận tuần thứ 16 bác sĩ vẫn nói: “Chưa rõ trai hay gái”. Những tuần tiếp theo, chỗ thì bác sĩ nói thai nhi là con gái, chỗ lại nói: “Thai nhi nằm ở tư thế khó xem giới tính. Bác sĩ không dám chắc gái hay trai”. Chị rối trí còn chồng chị lại tràn trề hy vọng: “Thai còn ít tuần nên bác sĩ chưa nhìn rõ thôi. Anh nghĩ chắc là con trai rồi. Hôm trước mẹ đi xem bói, thầy đã phán chắc như đinh đóng cột”.
Nhưng đến tuần thứ 22, khi bụng chị Tâm đã khá to, 3 bác sĩ siêu âm đều quả quyết: “Thai nhi là con gái”. Nghe bác sĩ nói, nước mắt chị trào dâng còn chồng chị lặng thinh đưa vợ về nhà.
Về tới nhà, vừa xuống xe, anh nói luôn với chị: “Mai bỏ thai đi em. Lần sau vợ chồng mình làm lại”. Chị sợ hãi nài nỉ chồng: “Thai được 5 tháng rồi anh, vừa đi siêu âm em thấy con đã đầy đủ hình hài. Con đã biết đạp bụng mẹ rồi, giờ bỏ đi em thấy thất đức lắm”. Nhưng chị nói gì anh cũng không nghe. Anh là người quyết đoán, xưa nay vẫn vậy. Trong suy nghĩ của anh, “con gái là con người ta”, nuôi 2 đứa đã là quá đủ. Với lại, anh vẫn muốn có con trai. Vợ anh đã 38 tuổi, giờ để chị đẻ đứa con gái thứ 3 thì bao giờ mới sinh tiếp được? Kinh tế gia đình lại không mấy dư giả, đẻ tiếp đứa thứ 4 thì sao anh gồng gánh được đây? Bằng mọi giá, anh không cho chị sinh con gái nữa.
Thế là 2 ngày sau, vợ chồng chị Tâm đi “giải quyết” cái thai. Chị giao hẹn với anh, sau khi làm thủ thuật, anh phải mang con về chôn cất. Nằm trên bàn đẻ non, chị Tâm đau đớn tột cùng – một nỗi đau cào xé về cả tinh thần lẫn thể xác. Còn chồng chị cũng run tay, nước mắt anh đã rơi khi nhân viên y tế đưa cho anh đứa con xấu số, bị tước đoạt quyền sống khi chưa kịp chào đời.
3 tháng nay, không khí trong gia đình chị Tâm vô cùng u uất. Chị suy nhược, buồn phiền khiến 2 đứa con gái cũng nháo nhác buồn theo. Chị không cho chồng đụng vào người vì từ hôm anh ép chị phá thai, chị thấy anh vô cùng đáng sợ. Nghe lời một người bạn, chị tập ăn chay, ngồi thiền để cố tìm chút thảnh thơi.
3 tháng nay, chồng chị Tâm cũng không nhắc đến chuyện sinh con trai nữa. Có lẽ bây giờ anh chỉ mong gia đình lại được yên ấm như xưa. Anh thấy mình không đủ can đảm để ép vợ mang thai lần nữa.
Tác giả bài viết: Phương Ngọc (ghi)
Nguồn tin: