Người dân không khỏi bàng hoàng, lo sợ về vụ việc rắn hổ mang chúa cắn chết người ở Nghệ An.
Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn chết, sau khi, cố bắt con rắn đang bò trong chuồng gà, là ông Lê Xuân Hòa (60 tuổi, trú xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, Nghệ An).
Ai cũng biết rắn hổ mang chúa là rắn độc, nọc độc của nó có thể giết người rất nhanh. Nhưng, chính xác thì rắn hổ mang chúa nguy hiểm thế nào? Nọc độc của nó giết người trong bao lâu?
Con người đang tìm cách lấy nọc độc của rắn hổ mang chúa. |
Rắn hổ mang chúa loài rắn thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ), phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới, trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là 7m.
Rắn hổ mang chúa được đánh giá là loài nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng, mặc dù, loài rắn này thường không chủ động tấn công con người.
Hiện nay, rắn hổ mang chúa được tôn sùng trong nhiều tín ngưỡng văn hóa khác nhau.
Giết người bằng một vết cắn
Theo các chuyên gia, rắn hổ mang chúa có khả năng giết chết nạn nhân, thông qua một vết cắn có chứa từ 200 – 500mg nọc độc.
Một số trường hợp, nó có thể phun ra tới 7 ml nọc độc. Đây là lượng nọc độc có thể giết chết một con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành thiệt mạng.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu thuộc nhóm neurotoxin (độc tố thần kinh), như haditoxin và một vài hợp chất khác.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa có thể giết người trong 30 phút sau khi bị rắn cắn. |
Theo các bác sĩ, sở dĩ nọc độc rắn hổ mang chúa đáng sợ vì trong đó chứa một hợp chất gồm các độc tố thần kinh và cytotoxin. Đó đều là là những chất có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa khi vào cơ thể, sẽ tấn công thẳng tới hệ thần kinh trung ương, gây mờ mắt, đau nhức, buồn ngủ, chóng mặt và tê liệt thần kinh.
Nghiêm trọng hơn, nọc độc của nó còn có thể gây hôn mê và thiệt mạng rất nhanh chóng.
Thông thường, vết cắn của rắn hổ mang chúa có thể giết chết người chỉ sau 30 phút.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, để tránh nguy cơ thiệt mạng do rắn hổ mang chúa cắn, người dân cần hiểu rõ về cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn.
Giải độc rắn hổ mang chúa thế nào?
Sau khi xác định bị rắn độc cắn, người bị nạn cần nằm im, dùng cố định chân tay, vùng bị cắn... để hạn chế việc xâm nhập của nọc độc vào cơ thể, hoặc làm cho việc thâm nhập chậm đi và ít hơn.
Người bị rắn cắn cũng không nên tự tiện đi lại, trích, rạch, châm, chọc vùng rắn cắn nhằm loại bớt chất độc ra khỏi cơ thể. Hành động này sẽ vô tình làm chất độc di chuyển nhanh hơn trong cơ thể, giảm bớt thời gian cứu sống.
Ngoài ra, bệnh nhân bị rắn cắn cần tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và không bôi các loại hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.
Nọc độc rắn hổ mang chúa đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ thiệt mạng cao. Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, người dân phải nhanh chóng tới bệnh viện để được điều trị, cấp cứu kịp thời.
Tác giả: PHẠM QUÝ
Nguồn tin: Báo VTC NEWS