Kinh tế

Nợ thuế ngày càng “phình” lên

Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế của 63 tỉnh, thành đến 30/9 là 82.961 tỷ đồng, tăng 9.817 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong số trên, nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.019 tỷ đồng (tăng 15,1% so với 31/12/2017), nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 42% tổng số tiền thuế nợ (tăng 3.473 tỷ đồng so với thời điểm 1/12/2017)…

Hà Nội và TPHCM đứng đầu về nợ thuế

Trong thông báo danh sách doanh nghiệp nợ thuế vừa được Tổng cục Thuế thông báo cho thấy, trong 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương có hơn 77.000 doanh nghiệp nợ thuế trên 5 triệu đồng với số nợ là gần 34.000 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp có nợ trên 90 ngày là 70.000 doanh nghiệp. Hiện Hà Nội và TPHCM là hai địa phương dẫn đầu cả nước với số nợ thuế lần lượt là 13.530 tỷ đồng và 9.890 tỷ đồng.

Mới đây Cục Thuế Hà Nội đã đăng công khai 181 doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất với tổng số tiền là 1.084 tỷ đồng. Trong số đó có 8 doanh nghiệp nợ trên 749 tỷ đồng tiền sử dụng đất (tính đến 30/9) và 173 doanh nghiệp nợ thuế, phí, số tiền lên tới gần 335 tỷ đồng (số nợ tính đến thời điểm 31/8). Trước đó, Cục Thuế Hà Nội cũng đã đăng công khai 1.446 đơn vị nợ thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 5.266 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp nợ tiền thuế, phí và tiền thuê đất lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể như: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 nợ 342 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà nợ trên 158 tỷ đồng; Công ty CP Quốc tế CT Việt Nam nợ gần 122 tỷ đồng…

Còn tại TPHCM, cơ quan thuế nơi đây cũng đã đăng danh sách công khai 333 doanh nghiệp nợ thuế, tiền phạt và tiền nộp chậm lên tới gần 300 tỷ đồng. Trước đó Cục thuế TPHCM cũng đã công bố gần 2.000 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên tới trên 1.556 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân doanh nghiệp nợ thuế có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quy định của Luật thuế, tiền phạt chậm nộp dưới 90 ngày là 0,03%/ngày, nếu tính theo tháng thì số tiền phạt chậm nộp mỗi tháng chỉ ở mức 0,9% giá trị số thuế chậm nộp, tính ra chỉ 10,8%/năm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp cố tình “gối đầu” nợ thuế. Có nghĩa doanh nghiệp vẫn khai thuế theo quy định, tuy nhiên sau đó cố tình “chây ỳ” dưới 90 ngày để không bị cưỡng chế thuế và chấp nhận trả 0,03%/ngày tiền phạt chậm nộp.

“Nếu so sánh để doanh nghiệp đi vay ngân hàng kỳ hạn 3 tháng sẽ rơi vào khoảng 6,0%/năm, chưa kể việc vay phải làm thủ tục mất khá nhiều thời gian. Do vậy, doanh nghiệp sẽ chọn cách giữ lại tiền thuế đến hết hạn 3 tháng, Cục Thuế gửi công văn cưỡng chế thu thuế, thì họ mới nộp. Đương nhiên khoảng thời gian này doanh nghiệp sẽ lời hơn nhiều so với phải đi vay vốn của ngân hàng…” - TS Hiếu cho biết.

Cần chế tài mạnh

Nhằm giảm thiểu phát sinh nợ thuế, thời gian qua ngành thuế đã tổ chức rà soát, phân loại nợ, tuổi nợ; áp dụng các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin nợ thuế; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế để có biện pháp chấn chỉnh xử lý kịp thời.

Đặc biệt, năm 2018, ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong công tác chống thất thu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, so với thời điểm 31/12/2017, nợ thuế vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, số tiền nợ thuế, đặc biệt là nợ khó đòi tăng mạnh. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp cố tình chậm nộp thuế là do chế tài xử phạt vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần phải tăng hình thức xử phạt doanh nghiệp cố tình chây ỳ chậm, nợ thuế. Bởi ở các nước khác, lãi phạt thuế khá cao, do vậy các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc trong việc nợ thuế, hơn thế việc tuân thủ nộp thuế còn được đánh giá tín nhiệm nên doanh nghiệp không dám chậm hoặc nợ thuế như ở Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, cùng sự cạnh tranh khốc liệt, không ít doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại Việt Nam đang thực hiện nhiều hành vi trục lợi. Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý chậm nộp thuế theo hướng tăng nặng để kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa nợ đọng, thậm chí cố tình chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Không ít doanh nghiệp khi bị cưỡng chế nộp thuế đã nói thẳng rằng, họ để lại tiền thuế thay vì phải đi vay vốn và chu kỳ này sẽ được họ lặp đi lặp lại nhiều lần do pháp luật cho phép. Vì lãi tiền chậm nộp thuế thấp hơn tiền lãi vay ngân hàng, nên nhiều doanh nghiệp đã cố tình chậm nộp nhằm thu lời từ khoản chênh lệch này…

Luật Quản lý thuế hiện hành quy định người nộp thuế chậm so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày, kể cả người nộp thuế thực tế không còn đối tượng để thu, người nộp thuế đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan chức năng, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan quản lý đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Chính những quy định này dẫn đến tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu liên tục tăng theo hàng năm.

Tác giả: Nam Khánh

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok