Du lịch

Nô nức về An Giang xem hội đua bò Bảy Núi

Hội đua bò Bảy Núi là lễ hội truyền thống mang nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer tại An Giang.

Về An Giang những ngày này bạn sẽ được chứng kiến không khí nô nức, náo nhiệt chuẩn bị cho lễ hội đua bò của người dân. Hội đua bò Bảy Núi (Tịnh Biên, An Giang) là lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer tổ chức vào dịp lễ Dolta – lễ hội truyền thống để cầu phước cho ông bà tổ tiên và người thân đã mất.
Các cặp bò chuẩn bị bước vào cuộc đua. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo

Khu ruộng là "trường đấu" năm nay. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo
Ruộng được xới nhuyễn mịn để chuẩn bị cho giải đua đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo
Trên khu ruộng, các cặp bò xếp hàng chờ vào "cuộc chiến". Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo
Khung cảnh bao quát cả "trường đua". Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo

Xuất phát từ việc giúp nhau làm ruộng cấy đổi công giữa các phum sóc và rủ nhau đến cày bừa miễn phí giúp nhà chùa, người dân đã nảy ra ý định cho các đôi bò thi đấu với nhau. Từ đó trò chơi đua bò dần trở thành môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi.
Người dân háo hức tham gia lễ hội độc đáo tại Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo

Họ không ngại đứng phơi mình dưới nắng để tận mắt chứng kiến lễ hội đặc biệt này. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo

Trước mỗi cuộc đua, các tay nài đều bỏ nhiều công sức để chăm sóc và huấn luyện đôi bò của mình. Tùy theo kinh nghiệm, họ cho bò ăn cháo đậu xanh, thốt nốt hoặc cỏ tươi trộn trứng gà, mật ong, xoa bóp bằng những bài thuốc gia truyền để đôi bò có bắp thịt săn chắc. Họ yêu quý, vuốt lưng, sờ đầu, thầm thì và hiểu tính bò như chính những đứa con yêu quý.

Tận mắt chứng kiến những chủ bò kiên trì, tỉ mẩn huấn luyện kĩ thuật cho bò trong vòng hô, vòng thả rồi huấn luyện tinh thần để bò dạn dĩ, không hoảng sợ trước sự hò reo của khán giả ta mới thấy hết tâm huyết của người dân tộc Khmer dành cho lễ hội độc đáo.

Cuộc đua mang lại hào hứng cho người xem. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu

Cuộc đua luôn đem lại sự hào hứng và sức hút đặc biệt cho cả người trực tiếp tham gia lẫn những người ngoài cuộc đứng xem. Có người mang cả nồi niêu, mắm muối nấu ăn tại chỗ để được xem trọn vẹn, có nhiều chủ bò vượt qua cả chục cây số để đến với cuộc thi.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, người điều khiển bò cầm khúc gỗ tròn có tra đinh nhọn chích mạnh vào mông bò khiến chúng lao về phía trước. Điểm đặc biệt ở lễ hội đua bò này là mỗi tay đua phải điều khiển một cặp bò, vì vậy đòi hỏi sự khéo léo của tài xế để có thể điều khiển đôi bò phối hợp nhịp nhàng với nhau.


Đua bò đòi hỏi sự khéo léo của người nài để có thể điều khiển đôi bò phối hợp nhịp nhàng với nhau. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Người nài bò hăng say điều khiển đôi bò của mình trong cuộc đua. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu

Trên một mảnh ruộng bằng phẳng dài 200m, rộng khoảng 100m được trục xới nhuyễn mịn, những chàng trai dân tộc bình tĩnh, khỏe mạnh, khôn khéo điều khiển đôi bò vượt qua những vòng đua đầy cam go, thử thách dưới tiếng kèn trống rộn ràng tạo nên bức tranh sôi động, tràn đầy sức sống của những người dân lao động trên vùng đất Nam Bộ này.

Cuộc thi không mang nặng giá trị vật chất mà thiên về giá trị tinh thần, những tay đua có đôi bò thắng giải sẽ mang về niềm tự hào cho phum sóc của mình, tăng thêm tình đoàn kết giữa các phum sóc cũng như giữa các cộng đồng dân tộc đã cùng chung sống với nhau hơn 300 năm.

Những cặp bò rượt đuổi nhau quyết liệt, gay cấn dưới làn nước bùn bắn tung tóe cùng sự phấn khích cuồng nhiệt của khán giả và tiếng chiêng trống inh ỏi làm cả phum sóc thêm rộn ràng. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu

Lễ hội đua bò không chỉ để cầu phước cho vụ mùa mới bội thu mà còn để nhắc nhở con người chăm sóc bò thật tốt bởi không chỉ tham gia cuộc đua, những con bò còn giúp việc đồng áng và sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây.

Hội đua bò Bảy Núi là lễ hội diễn ra tại Tịnh Biên, An Giang từ cuối tháng 8 tới đầu tháng 9 (âm lịch). Lễ hội năm nay bắt đầu từ ngày 18/9 và ngày chung kết dự kiến diễn ra vào 30/9 (dương lịch) tại sân chùa Rô.

2016 là lần thứ 24 lễ hội được tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Trong lễ hội, khoảng 60 đôi bò từ các chùa Phật giáo Nam tông Khmer của An Giang và hai tỉnh liền kề Sóc Trăng, Kiên Giang sẽ tham gia tranh tài.

Tác giả bài viết: Trịnh Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok