Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT), thông tin việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình mới. VIỆT CƯỜNG |
Giải bài toán thừa - thiếu giáo viên
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cũng chia sẻ kỳ vọng khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ được học đi đôi với hành, trả lời được câu hỏi học xong để làm gì. “Tuy nhiên, chương trình có hay, hiện đại đến mấy mà không có các điều kiện đồng bộ thì cũng khó thành công”, ông Tường nói.
Ông Tường cho biết Phú Thọ đã tiến hành rà soát và đánh giá tổng thể về thực trạng thừa - thiếu giáo viên (GV) và tham mưu với UBND tỉnh. Hiện toàn tỉnh còn thiếu hơn 1.000 GV phổ thông, riêng tiểu học thiếu hơn 800 GV các môn văn hóa, trong đó thiếu hơn 400 GV môn tiếng Anh, tin học - là những môn từ tự chọn, hiện nay chuyển sang bắt buộc với cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới. Do vậy, thời gian tới Phú Thọ sẽ ưu tiên đầu tư cho GV lớp 1. Tổng kinh phí Phú Thọ dự kiến đầu tư cho đổi mới giai đoạn 2018 - 2024 khoảng hơn 8.000 tỉ đồng. “Chính phủ cần sớm có hướng dẫn, chỉ đạo để các địa phương có giải pháp khắc phục tình trạng thừa - thiếu GV khi dạy chương trình mới”, ông Tường đề nghị.
Giám đốc các Sở GD-ĐT khác như Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Điện Biên… cũng đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng thừa thiếu GV như hiện nay cho phù hợp.
Một số đại biểu lo ngại việc dạy học tích hợp ở một số môn cấp THCS cũng như tăng cường tự chọn ở THPT sẽ tiếp tục gây ra tình trạng thừa, thiếu GV so với đội ngũ hiện có.
Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, khẳng định: chương trình mới không có môn nào bỏ so với chương trình hiện hành nên không có GV đang dạy bị thừa một cách cơ học. Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, khẳng định với các môn dạy học tích hợp như thiết kế trong chương trình mới sẽ không gây bất cứ xáo trộn nào về đội ngũ GV hiện nay.
Quyền chủ động của nhà trường đến đâu?
Nhiều địa phương quan tâm tới việc chương trình mới lần này xây dựng theo hướng mở, vậy các địa phương, các nhà trường được quyền chủ động ra sao?
Chương trình được xây dựng theo hướng mở cho địa phương, nhà trường, GV và từng học sinh. Địa phương có quyền và trách nhiệm xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Chương trình mới không làm thay ban giám hiệu các nhà trường trong việc xây dựng thời khóa biểu cho từng tuần học… GS Nguyễn Minh Thuyết Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới |
Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, cho rằng chương trình mới có nội dung giáo dục địa phương rất hay nhưng rất khó. Bộ cần chỉ đạo kỹ để các địa phương thực hiện. Giám đốc các sở GD-ĐT Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hưng Yên thì đề nghị Bộ cần có những hướng dẫn cụ thể khi trao quyền chủ động về kế hoạch giáo dục cho các nhà trường.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình mới, giải thích: Chương trình được xây dựng theo hướng mở cho địa phương, nhà trường, GV và từng học sinh. Địa phương có quyền và trách nhiệm xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, chương trình mới không làm thay ban giám hiệu các nhà trường trong việc xây dựng thời khóa biểu cho từng tuần học, số tiết/tuần mà chỉ quy định tổng thời lượng theo năm học và giao quyền chủ động cho các trường trong xây dựng thời khóa biểu, các hoạt động dạy học tự chọn, nội dung giáo dục trải nghiệm phù hợp…
Giải pháp cho sĩ số học sinh quá cao
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị Bộ nên sớm công bố bộ sách giáo khoa mẫu để GV và các trường chủ động tự nghiên cứu, hình dung cụ thể về chương trình mới, giảm những ý kiến băn khoăn, thắc mắc. Bên cạnh đó, ông Dũng bày tỏ mong muốn Bộ cần sớm ban hành các quy định tối thiểu về cơ sở vật chất trường học, các phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học… để UBND các tỉnh, thành phố có thời gian nhất định để chuẩn bị, triển khai có hiệu quả.
Là một địa phương chịu nhiều áp lực về sĩ số học sinh lớn nhất cả nước, do vậy ông Chử Xuân Dũng bày tỏ mong muốn những địa phương như Hà Nội nhận được sự chia sẻ của Bộ GD-ĐT về các biện pháp, giải pháp để làm sao những thành phố lớn có đông học sinh trong khi cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn có phương án thực hiện.
Xung quanh đề xuất này, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: Với những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có số học sinh quá đông thì Bộ đang phối hợp với Bộ Xây dựng để điều chỉnh chuẩn quy định nhà trường cho phù hợp và khả thi. Tuy nhiên, địa phương vẫn phải chủ động vì với tốc độ nhà cao tầng ngày càng nhiều thì giải pháp cũng không thể phù hợp nếu không có quy hoạch trường lớp đồng bộ.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, khẳng định sắp tới Bộ sẽ xây dựng và ban hành một loạt hướng dẫn về việc tổ chức dạy học tự chọn, cho học sinh chọn môn ra sao ở cấp THPT; hướng dẫn về việc thực hiện giáo dục địa phương; hướng dẫn chọn sách giáo khoa thế nào trong điều kiện có nhiều sách giáo khoa...
Học sinh hạnh phúc khi đi học Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc triển khai chương trình lần này hướng tới mục tiêu rất lớn và cũng rất nhiều thách thức, đó là học sinh đi học phải được hạnh phúc. Ông Nhạ cho rằng có 2 yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến thành bại của chương trình, đó là GV và cơ sở vật chất trường lớp. Chương trình tốt đến mấy cũng không thể phát huy được nếu các đơn vị thực hiện chưa sẵn sàng. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, chỉ đạo phối hợp nhịp nhàng của các địa phương. |
Tuyển giáo viên, Bộ Nội vụ nói địa phương đừng “đẩy” lên Bộ Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định đội ngũ ngành GD-ĐT là vấn đề rất nóng thời gian vừa qua, được quan tâm rất nhiều… |
Tác giả: Tuệ Nguyễn
Nguồn tin: Báo Thanh Niên