Thế giới

Những người trực tiếp nghe ông Trump và ông Tập phát biểu ở Đà Nẵng

Việc trực tiếp nghe Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc lần lượt nêu chính sách với châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội có một không hai.

Tổng thống Mỹ phát biểu tại Hội nghị ở Đà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Trần.

"Tôi thích phần đầu bài phát biểu, thích cách Tổng thống Trump nhìn nhận nhiều thành tựu của châu Á, cách ông ấy nói về thực tế Mỹ là một cường quốc của châu Á - Thái Bình Dương và chúng tôi vẫn tiếp tục ở lại", ông Michael Michalak, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam trao đổi với VnExpress về bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ở Đà Nẵng tuần trước.

Xuất hiện trước khoảng 2.000 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới, Tổng thống Mỹ cho biết ông có vinh dự được chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi mà các quốc gia độc lập và chủ quyền, với những nền văn hóa đa dạng và nhiều giấc mơ khác nhau, tất cả có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong tự do và hòa bình.

Ông Trump nêu rõ Mỹ tự hào là một thành viên của cộng đồng các quốc gia tạo nên một mái nhà ở Thái Bình Dương. Mỹ là một thành viên tích cực của khu vực này kể từ khi giành độc lập.

"Chúng ta đã là bạn, là đối tác và đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong suốt một thời gian dài, và chúng ta sẽ là bạn, là đối tác và là đồng minh trong thời gian dài sắp tới", Tổng thống Mỹ nói.

Cựu đại sứ Michalak cũng ấn tượng với việc Tổng thống Mỹ nói về việc tôn trọng pháp quyền, tôn trọng các thoả thuận thương mại. Ông Trump cho biết sẽ thực hiện thương mại song phương với mọi nước ở châu Á. Tổng thống đã cố gắng thể hiện sự tích cực và ông Michalak cho rằng ông Trump đã thành công.

Theo ông Michalak, Tổng thống Mỹ đã có nghiên cứu về châu Á, là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể hợp tác.

Bà Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC), một người có nhiều đóng góp trong thúc đẩy quan hệ hai nước, đánh giá Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh tới một số vấn đề, trong đó có việc Mỹ tiếp tục coi châu Á - Thái Bình Dương là quan trọng với cả kinh tế Mỹ và ổn định - an ninh toàn cầu.

"Tôi ấn tượng nhất với phần ông Trump nói về tầm quan trọng của phát triển thương mại và kinh tế cho tất cả. Tất cả các nước đều đặc biệt và duy nhất, nhưng chúng ta nên tiếp tục làm việc với nhau để xây dựng tiêu chuẩn hợp tác bền vững", bà Foote nói.

Nhắc đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được 11 nước thông qua với tên gọi mới là CPTPP, bà Foote nói bà hy vọng Mỹ sẽ trở lại. Thêm nữa, thoả thuận mở cơ hội cho các nước khác châu Á khác xem xét tham gia, chẳng hạn như Hàn Quốc. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, còn lại 11 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Ông Robert Modarelli, Phó chủ tịch Trung tâm quốc gia APEC (NCA), Mỹ, cho biết Tổng thống Mỹ đã đưa ra tầm nhìn về việc nước này tiếp tục là đối tác với các thành viên APEC.

"Ông Trump tỏ ra hiểu biết rõ về lịch sử, tầm quan trọng và sự đa dạng của châu Á. Tổng thống cũng nói đến cam kết về việc Mỹ tiếp tục can dự hiệu quả ở châu Á. Đó là những điều tôi ấn tượng nhất", ông Modarelli nói.

Tổng thống Mỹ khi phát biểu đã nhắc đến một loạt quốc gia ở châu Á, thể hiện sự hiểu biết về từng nước, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đến Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Singapore.

"Hôm nay, tôi có mặt tại đây để đề nghị làm mới mối quan hệ đối tác với Mỹ, cùng nhau hành động nhằm tăng cường mối liên kết hữu nghị và thương mại giữa tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và cùng nhau, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của chúng ta", ông Trump nói.

Phó chủ tịch NCA cho rằng việc theo dõi TPP mới là điều thú vị, vì Tổng thống Trump nói rõ rằng Mỹ vẫn cam kết can dự ở châu Á, là một đối tác kinh tế của các nước ở khu vực.

"Có rất nhiều cơ hội trong tương lai", ông Modarelli nói.

Không giấu được niềm vui, bà Deborah Biber, Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh tế lưu vực Thái Bình Dương (PBC), cho biết bài phát biểu của Tổng thống Mỹ hay hơn rất nhiều so với trông đợi của bà.

"Ông Trump nói rõ về Nước Mỹ trên hết, nhưng cũng mong các nước khác coi nước họ trên hết. Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ muốn viết lại toàn bộ viễn cảnh thương mại của châu Á - Thái Bình Dương", bà Biber nói.

Trong phát biểu được coi là định hướng chính sách châu Á ở Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh từ hôm nay trở đi, "chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết".

Ông Trump cho biết sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có đi có lại.

Theo bà Biber, khi Tổng thống Mỹ nói rõ ông ưu tiên các thoả thuận song phương, không phải đa phương, bà Biber cho rằng các nước sẽ gặp khó, nhưng bà tin rằng ông Trump sẽ không "vứt bỏ" tất cả, theo như câu thành ngữ của người Anh là vẫn giữ lại phần quý giá trong một mớ hỗn độn.

Bà Biber đề cao cách Tổng thống Mỹ trình bày bài phát biểu, thể hiện sự lịch lãm, đặc biệt ông còn nhắc đến địa lý, lịch sử của Việt Nam.

Tổng thống Mỹ đã gây bất ngờ khi nhắc đến việc Hai Bà Trưng "đã đánh thức tinh thần cháy bỏng trong lòng người yêu nước vùng đất này". Nước chủ nhà Việt Nam không chỉ có tinh thần đó trong 200 năm mà là trong gần 2000 năm.

"Cùng với nhau, chúng ta có sức mạnh để nâng người dân và thế giới lên những tầm cao mới chưa từng có", ông Trump nói.

Dự đoán về TPP, Giám đốc điều hành PBC không cho rằng Mỹ sẽ quay trở lại, vì ông Trump nhắc đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mở ra các vấn đề khác ở khu vực.

Đa phương hay song phương?

Là người chứng kiến những tràng pháo tay rộ lên trong khán phòng, bà Foote nói những người có mặt ở đó lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc rất chăm chú, vì đó là những điều rất quan trọng với tất cả mọi người.

Cựu chủ tịch USVTC cho rằng điều khó khăn với hai nhà lãnh đạo là "lời nói dễ hơn hành động". Hai nước có hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau nhưng cả ông Trump và ông Tập đều thể hiện mình có nhiều tham vọng.

Chủ tịch Trung Quốc khi phát biểu cho biết sẽ nỗ lực xây dựng một thế giới thịnh vượng, văn minh, an toàn, sạch sẽ, đảm bảo sự hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ đảm bảo sự công bằng và hòa bình tạo ra khuôn khổ hợp tác quốc tế dựa trên bình đẳng, cùng có lợi, cũng như mong muốn xây dựng một nền chính trị và kinh tế thế giới ngày càng công bằng hơn.

Nhắc đến Sáng kiến Vành đai - Con đường trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, bà Foote nói nhìn chung các nước có nhiều ý tưởng về việc phát triển hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên Thái Bình Dương, nỗ lực thúc đẩy các cách khác nhau, đưa ra các ưu tiên khác nhau.

Chủ tịch Trung Quốc cho biết sáng kiến sẽ khiến kinh tế châu Á - Thái Bình Dương rộng mở hơn, tạo điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối, phối hợp kinh tế để gia tăng thịnh vượng chung cho cả châu Á, châu Âu và châu Phi.

"Tôi cho rằng các ý tưởng về hội nhập quốc tế, hoà bình và hài hoà, tôn trọng lẫn nhau vẫn là điều rất quan trọng", bà Foote nói.

Bà Deborah Biber cho rằng Chủ tịch Trung Quốc "muốn có vai trò chi phối" nên ông đưa mọi người vào tầm quan tâm của mình, trong khi Tổng thống Mỹ đặt nước Mỹ lên ưu tiên. Ông Trump nêu bật định hướng thay đổi hợp tác với các nước, tập trung vào song phương, còn ông Tập cho rằng châu Á - Thái Bình Dương phải hợp tác đa phương với nhau, thúc đẩy nền kinh tế mở để có một tương lai tươi sáng hơn.

"Trong vài thập kỷ qua, toàn cầu hóa kinh tế đã đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Trong thực tế, nó đã trở thành sự thay đổi lịch sử không thể đảo ngược. Để theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần để nó rộng mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, công bằng hơn và mang lại lợi ích cho tất cả", ông Tập nói.

Cựu đại sứ Michalak cho rằng Chủ tịch Trung Quốc về cơ bản hứa hẹn về sự phát triển toàn cầu dành cho mọi người. Điều ông ấn tượng nhất là câu nói khi "đưa ra cam kết, thì cần phải giữ lời" của ông Tập.

So sánh về bài phát biểu của hai nhà lãnh đạo, ông Michalak cho hay Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc có sự khác nhau về cách nhìn nhận thế giới. Ông Tập nói nhiều hơn về đa phương, còn ông Trump cho biết song phương là phương án tốt nhất.

Về phía mình, ông Michalak ủng hộ chủ nghĩa đa phương, nói vui "tiếc rằng ông lại không phải là tổng thống". Đa phương tốt hơn song phương nhưng các nước cũng có thể tìm kiếm phương cách khác.

"Hãy chờ xem ai là người đúng hơn", ông Michalak nói về quan điểm khác nhau của ông Tập và ông Trump.

Tác giả: Việt Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: ông Tập , ông Trump , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok