Du lịch

Những ngôi chùa cổ ở Sài Gòn cho chuyến hành hương đầu xuân

Chùa Pháp Hoa hay Phước Hải gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định.

Chùa Phước Hải (73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1)

Chùa Phước Hải hay còn gọi là Ngọc Hoàng được xây dựng từ năm 1892 đến năm 1900 trên diện tích hơn 2.000 m2. Chùa sở hữu khuôn viên rộng, nhiều cây cổ thụ. Trước cửa chính là hai hồ nước thả rùa và cá. Tháng 5/2016, chùa Phước Hải là một trong những điểm dừng chân của Tổng thống Mỹ Obama khi đến thăm Việt Nam.

Dịp năm mới, chùa đón một lượng lớn Phật tử, du khách từ khắp mọi miền. Nơi đây nổi tiếng cho việc cầu công ăn việc làm thuận lợi, bình an, sức khỏe; nhiều người cũng tìm đến đây để cầu tự. Khách có thể viếng chùa vào sáng sớm, gửi xe máy bên trong khuôn viên.

Tổ đình Giác Lâm (565 Lạc Long Quân, quận Tân Bình)

Tổ đình Giác Lâm hay chùa Phước Lâm còn có các tên gọi khác như: Cẩm Sơn tự, Sơn Can tự hay Cẩm Đệm tự, được cư sĩ Lý Thụy Long xây dựng vào năm 1744. Đây là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam, với kiến trúc chữ Tam gồm 3 dãy nhà ngang nối liền nhau: chính điện, giảng đường và trai đường. Chùa được công nhận là Di tích Văn hóa Quốc gia năm 1988.

Chùa có tuổi đời là 274 năm, được xem là một trong những ngôi cổ tự lâu năm nhất ở đất Sài thành, hiện còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được chạm trổ tinh xảo. Đến nay, chùa đã trải qua 3 đợt trùng tu. Dù không nằm ở trung tâm, ngôi chùa vẫn được một số công ty du lịch đưa vào lịch trình khám phá dành cho du khách nước ngoài khi đến Sài Gòn. Khách tự túc đến đây có thể gửi xe trong bãi đỗ rộng thoáng phía trước, không mất tiền.

Chùa Bửu Long (81 Nguyễn Xiển, Long Bình, quận 9)

Chùa có kiến trúc Ấn Độ với tháp cao dát vàng và được xây dựng từ năm 1942. Đây cũng là một trong những ngôi chùa phái Nam tông đẹp nhất miền Nam. Tổng diện tích của chùa rộng hơn 8 ha, nằm ở một ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai, trong Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc.

Đến chùa, ngoài việc chiêm bái, lễ Phật, khách hành hương có thể đi dạo bên trong khuôn viên với nhiều cây xanh, thoáng mát hoặc ngắm Sài Gòn và các tỉnh lân cận từ trên cao. Phật tử phương xa tìm đến chùa còn để tận mắt ngắm nhìn những viên Xá lợi Phật ngọc được đặt trên tầng tháp cao nhất. Chùa nằm khá xa trung tâm thành phố, tên của chùa cũng dễ nhầm lẫn với một khu du lịch ở Biên Hòa (Đồng Nai), bạn nên tìm hiểu kỹ đường đi trước khi khởi hành.

Chùa Pháp Hoa (229/24B, đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận)

Chùa Pháp Hoa theo hệ phái Phật giáo Bắc tông được xây dựng từ năm 1928 với kiến trúc giản dị là mái lợp tranh. Đợt trùng tu lớn vào năm 1993 đã thay đổi quy mô chùa như hiện tại. Không gian chùa rộng thoáng được chia làm nhiều gian như chánh điện, trai đường, tháp Đa Bảo, phòng khám bệnh cùng nhiều tượng Phật... Công trình được công nhận di tích lịch sử tại TP HCM vào năm 2015. Ảnh: Quỳnh Trần.

Năm 2007, nơi đây được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa có nhiều bình gốm nhất với khoảng 10.000 bình. Sư trụ trì là người sưu tập, lưu giữ các loại bình có nhiều kiểu dáng, màu sắc, chất men, nguồn gốc khác nhau. Bên cạnh đó, chùa Pháp Hoa còn sở hữu kỷ lục với bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa gần 70.000 chữ Việt ngữ được khắc trên đá đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần.

Chùa Trường Thạnh (97, đường Yersin, quận 1)

Chùa Trường Thạnh được Hòa thượng Thích Thiện Tòng thành lập vào năm 1916. Hiện chùa do Thượng tọa Thích Thiện Hạnh trụ trì. Chùa có không gian khiêm tốn tọa lạc trên con phố do người Pháp quy hoạch từ cuối thế kỷ 19.

Ngôi chùa hệ phái Bắc tông được xây dựng theo lối chùa cổ miền Bắc với một tầng trệt, một tầng lầu. Công trình trùng tu một lần vào năm 1968. Hiện nay, chùa được trang trí nhiều màu sắc nổi bật.

Tác giả: Phong Vinh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok