Cá trích thối (Thụy Điển)
Là một trong những món ăn truyền thống ở miền Bắc Thụy Điển. Cá trích sau khi được bắt về thì bỏ đầu, đuôi rửa sạch và ướp muối trong khoảng một ngày để cá thấm đều gia vị.
Tiếp đó, người dân đem ướp cá vào thùng, rồi đem ra phơi nắng trong khoảng 24 giờ, để cá bắt đầu lên men. Cuối cùng cá được đem vào phòng lạnh, đóng hộp và đưa ra thị trường. Món cá trích lên men đậy trong hộp kín, khiến áp suất tăng, các hộp đựng cá thường bị phồng lên. Một số hãng bay đã cấm đem món này lên máy bay vì lo sợ chúng có thể gây mất an toàn.
Món cá này có mùi vị rất khó chịu, không phải ai cũng có thể thưởng thức. Ảnh: Hamishandandy.com.
Người Thụy Điển ăn cá trích thối với bánh mì cứng mỏng, khoai tây luộc, hành, cà chua, bơ và sốt.
Món cá trích thối quả thật là một thách thức ngay cả với những người can đảm nhất, bởi chỉ cần thoáng ngửi thấy mùi cũng đủ khiến du khách phải chảy nước mắt, choáng váng và thậm chí là nôn ngay lập tức.
Cá đuối lên men bốc mùi thối (Hàn Quốc)
Món cá đuối lên men có tên là hongeo của Hàn Quốc có mùi cực kỳ khó ngửi, đến nỗi nhiều người còn ví cái mùi đó giống như mùi của….toilet.
Món cá đuối lên men có tên là hongeo của Hàn Quốc có mùi cực kỳ khó ngửi.
Món ăn này được làm từ loại cá đuối không có bàng quang hay thận. Chất thải qua quá trình tiêu hóa của chúng chỉ đơn giản được tống ra ngoài qua da, dưới dạng axit uric.
Người ta thường ăn cá đuối tươi sống. Nhưng người Hàn Quốc thì chẳng ăn theo điệu vậy. Họ xếp hàng chục con cá đuối chồng lên nhau, để trong tủ lạnh, và để tới một tháng cho đến khi cá bốc mùi hôi thối. Khi đã đủ thối, họ sẽ lấy cá ra, thái lát mỏng và…ăn sống.
Dù được mệnh danh là món cá "bốc mùi nhất thế giới" nhưng với người Hàn Quốc, đây được xem là đặc sản. Ảnh: Seoulfoodyy
Khi làm thịt cá đuối lên men, axit uric trong da của nó sẽ chuyển hóa thành amoniac. Và nếu những ai đã từng tiếp xúc trực tiếp với amoniac, thì đều biết mùi hôi thối của nó như thế nào.
Sau khi ăn, mùi thối còn “vương vấn” hàng giờ trên quần áo, da và tóc của thực khách. Đối với nhiều người Hàn Quốc, cá đuối càng thối thì càng thơm ngon. Miếng cá bốc mùi, màu hồng đậm là một món ăn đặc sản.
Cá mập thối (Iceland)
Món cá này có mùi khai của ammoniac. Thịt của loại cá này rất độc nên người dân thường nên phải đun sôi nhiều lượt nước, sấy khô hoặc lên men trong khoảng 6 đến 12 tuần. Và người Iceland thường chọn cách chế biến thứ 3, tức là… chôn xuống dưới đất cho chất độc phân giải thành amoniac. Sau thời gian tiêu chuẩn, họ đào lên rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời thêm vài tuần nữa rồi mới ăn.
Món cá này có mùi khai đặc trưng của ammoniac Ảnh: Matadornetwork.
Cách chế biến khác cũng đáng chú ý là… treo trong kho cho thịt rữa ra. Người ta cắt thành từng tảng, treo trong nhà, thịt rữa ra sẽ thải các axit uric độc hại có trong da. Cách chế biến này phải tránh ánh nắng mặt trời và có thời hạn từ 2 đến 4 tháng.
Đối với người Iceland đây là món ăn truyền thống và quen thuộc, nhưng với các thực khách, nhiều người đều chung nhận định, món cá mập thối là món ăn kinh khủng, bốc mùi nhất mà họ được ăn.
Canh thịt thối có giòi (Sơn La – Việt Nam)
Thịt thối còn có tên là Kính Coong, là món ăn không thể thiếu trong các dịp quan trọng của dân tộc Khơ Mú (Sơn La).
Kính Coong theo cách hiểu của ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là canh thịt thối. Ảnh: Sưu tầm
Để tạo ra thịt thối, họ treo thịt lên gác bếp hàng tuần, rồi hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến đậu vào làm tổ, mang theo cả vi sinh vật.
Thịt không được tẩm ướp muối, gia vị mà treo chờ phân hủy đến khi bốc mùi thì mang ra chế biến, thịt càng thối càng đạt tiêu chuẩn và đặc biệt càng có nhiều giòi người chế biến càng thích, món ăn càng ngon. Họ chỉ treo những phần thịt dễ bị thối nhất như nội tạng, thịt bụng....
Để nấu được món Kính Coong, người ta phải đổ nước hầm nát nhừ, rồi cho các loại rau củ quả, gia vị thêm một ít bột gạo cho sóng sánh. Trong số gia vị đó có đầy đủ tiêu rừng, tỏi, gừng, lá cây rừng, ớt, sả… giúp người ăn chữa bệnh dạ dày, gan, mật ổn định.
Tác giả: Hiệp Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí