Tôi và Kate vừa kỉ niệm 10 năm kết hôn vào tháng 5 vừa rồi.
Năm tôi 22 tuổi còn cô ấy 24, chúng tôi đã về chung một nhà. Kate đang trong quá trình học lên thạc sĩ còn tôi thì đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Hai đứa sống trong một căn hộ nhỏ xíu, cùng làm thêm ở Jamba Juice (kể cả bây giờ, có gì nam tính hơn việc biết pha một ly Strawberries Wild không?), dùng chung một chiếc xe và cùng gánh chung một khoản nợ sinh viên.
Và tôi sẽ không bao giờ hối tiếc vì điều đó, bởi tôi đã có 10 năm thật tuyệt vời và khó tin.
Thế nhưng việc kết hôn khi tuổi đời còn khá trẻ đã mang đến cho tôi một khoảng thời gian khá "dị thường". Tôi còn nhớ lúc biết tin tôi lấy vợ khi còn chưa tốt nghiệp, mẹ của một đứa trong đám bạn thân của tôi đã nhìn tôi bằng một vẻ mình khá kinh dị và hỏi, "Sao lại thế hả con?".
Dường như trong thời hiện đại này, người ta tin rằng bạn cần gạt chuyện kết hôn sang một bên để có thể tập trung cho việc học hành và công việc được tốt nhất. Và kết quả là, độ tuổi kết hôn trung bình của cả nam và nữ đã tăng đáng kể trong suốt 50 năm qua. Năm 1960, độ tuổi trung bình cho lần kết hôn đầu tiên là 23 tuổi với nam giới và 20 tuổi với nữ giới; còn bây giờ, con số là 29 tuổi và 27 tuổi. Theo nghiên cứu từ Dự án hôn nhân quốc gia tại Đại học Virginia, "Về phương diện văn hóa, người trẻ càng ngày càng coi hôn nhân như "đá tảng" chứ không phải là "nền tảng" nữa, bởi vậy họ chỉ nghĩ đến việc kết hôn khi mọi phương diện khác đã ổn định, chứ không muốn tiếp nhận vai trò một người trưởng thành hay làm cha làm mẹ quá sớm."
Tuy nhiên, trì hoãn cưới xin liệu có phải con đường tốt nhất? Bởi dù không phải ai muốn cưới sớm là cũng cưới được thì việc cưới sớm vẫn có những ảnh hưởng tích cực khá rõ ràng và hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chúng.
Trước đó, hãy nói về luận điểm đầu tiên mà nhiều người dùng để phản đối việc cưới sớm nhé: Yêu nhanh, cưới gấp, ly hôn sớm.
Liệu có phải cưới sớm đồng nghĩa với việc gia tăng tỉ lệ ly hôn sớm?
Mối băn khoăn về việc cưới sớm thời nay và ý kiến cho rằng nên trì hoãn việc cưới xin không phải xuất hiện một cách vô cớ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những cặp đôi kết hôn trước năm 25 tuổi có xu hướng ly hôn nhiều gấp hai lần những cặp đôi kết hôn sau độ tuổi ấy.
Có một vài nguyên nhân cho việc này. Đầu tiên, những người kết hôn trước năm 25 tuổi thường cưới mà không có dự định gì lâu dài cho tương lai. Hãy nhớ rằng cụm từ "trước năm 25 tuổi" không chỉ nói về những ai ở độ tuổi 20, mà còn cả những người vẫn ở trong độ tuổi thanh thiếu niên, những người phải làm đám cưới vội hoặc vì họ thích thế, hoặc vì "bác sĩ bảo cưới". Trên thực tế, một khi bạn 25 tuổi, tỷ lệ ly hôn sẽ giảm gần 50%.
Kinh tế là một nguyên nhân lớn khác. Những người trẻ vừa mới bước chân vào xã hội thường gặp phải những khó khăn về tài chính, chính điều này cũng gây ra áp lực không nhỏ lên cuộc hôn nhân còn non trẻ.
Cuối cùng, những cặp đôi cưới sớm thường có con ngay sau khi cưới, chính đứa trẻ cũng trở thành nguồn cơn cho những áp lực không hồi kết, chẳng kém gì vấn đề tiền nong.
|
Nói tóm lại, đúng là những cặp đôi cưới sớm có khả năng ly hôn cao hơn, bởi lý do nhận thức chưa đầy đủ, suy nghĩ chưa trưởng thành, áp lực kinh tế và trách nhiệm nuôi dạy con cái. Tuy nhiên những nguyên nhân này không phải là cố hữu hay không thể vượt qua. Bạn hoàn toàn có thể cưới sớm mà vẫn lên kế hoạch đầy đủ, bạn có thể không có em bé ngay và những vấn đề kinh tế cũng hoàn toàn có thể giải quyết dần dần, dù rằng bạn sẽ mất một vài năm tích góp, tiết kiệm.
Vậy nên, hãy cứ cưới liền tay vì cưới sớm có nhiều điểm tích cực hơn bạn tưởng rất nhiều.
Những mặt tích cực của việc kết hôn khi còn trẻ
Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cũng theo nghiên cứu, bạn nên kết hôn vào độ tuổi từ 22 đến 25 tuổi. Tất nhiên, đây chỉ là con số trung bình, bởi những điểm tích cực được liệt kê dưới đây chủ yếu được phác thảo tập trung vào thế hệ "trẻ" từ khoảng đầu đến giữa lứa tuổi 20.
Bạn (và bạn đời) sẽ mang theo ít gánh nặng và ám ảnh về chuyện tình cảm trong quá khứ hơn
Gần đây, tôi có nói chuyện với một anh bạn 30 tuổi còn độc thân của mình, người suốt ngày than phiền về chuyện hẹn hò vào tầm tuổi này. Anh ấy nói, "Cậu biết đấy, nếu cậu là một người bình thường, chắc hẳn cậu đã từng có một mối quan hệ nghiêm túc, hoặc ít nhất là một vài mối quan hệ lúc cậu còn trẻ. Vậy là khi cậu 30 tuổi, cậu đã mang theo lịch sử tình trường dài cả thập niên với vô số lần chia tay, một đống cảm xúc lưu luyến dành cho người cũ, rất nhiều lần thất vọng và mất niềm tin. Và những người cậu hẹn hò cũng như vậy đấy."
|
Khi bạn cưới sớm, bạn và nửa kia của bạn sẽ không có quá nhiều câu chuyện về người yêu cũ, không có sự so sánh thiệt hơn hay ghen tuông với một ai đó trong quá khứ. Các bạn có thể bắt đầu một cuộc sống mới với những mới mẻ chân thật, điều sẽ thêm lửa cho hôn nhân cũng như gia tăng sự lãng mạn cho mối quan hệ giữa cả hai.
|
Bạn có nhiều cơ hội hơn để cưới một người thực sự phù hợp với bạn
Có nhiều người đã nói "không" với việc kết hôn chỉ vì muốn có nhiều thời gian hơn để suy xét, họ cho rằng nếu gặp gỡ nhiều người hơn, cơ hội để tìm được một nửa đích thực dành cho mình sẽ cao hơn.
Thế nhưng nghiên cứu lại cho rằng bạn thường tìm kiếm được một người có nhiều điểm chung với bạn chỉ khi bạn cưới vào những năm 20 tuổi. Nghe có lý đấy chứ. Những cặp vợ chồng kết hôn ở độ tuổi 20 thường gặp nhau khi còn đi học, quãng thời gian mà xung quanh bạn là vô số những con người có cùng độ tuổi, xuất thân và sở thích giống nhau. Việc tìm một người phù hợp với bạn khi ấy cũng thật dễ dàng, trong lớp học, các câu lạc bộ hay các hoạt động ngoại khóa, chứ không như hiện tại phải tìm kiếm qua những ứng dụng hẹn hò hay qua mạng xã hội.
Vì vậy, bạn càng kết hôn muộn thì những đối tượng tiềm năng sẽ càng hiếm. Theo Tiến sĩ Meg Jay, tác giả cuốn The Defining Decade (Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời), "Mặc dù việc tìm kiếm có thể giúp bạn tìm được một đối tượng tốt hơn, nhưng một đối tượng độc thân có điều kiện tốt thực sự sẽ khan hiếm dần theo thời gian."
|
Cuộc hôn nhân của bạn thường hạnh phúc hơn
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy những cặp đôi kết hôn ở độ tuổi từ 22 đến 25 tuổi thường đánh giá cuộc hôn nhân của mình "hạnh phúc" nhiều hơn những cặp đôi kết hôn muộn. Các nhà nghiên cứu suy đoán lý do khiến sự hài lòng về cuộc hôn nhân tụt giảm sau tuổi 25 là do những cặp đôi cưới muộn thường cảm thấy như họ chỉ đang cố gắng "định cư" tạm bợ với người bạn đời không-mấy-lý-tưởng.
Theo lý thuyết của bản thân, tôi nghĩ rằng nó có thể liên quan đến trạng thái não bộ của bạn trong những năm đầu tuổi hai mươi. Vỏ não trước trán – phần hoàn thiện, có kỉ luật, chuyên dùng để lập kế hoạch tương lai – phần lớn được hình thành, vì vậy mà bạn không còn là một đứa trẻ bốc đồng như hồi còn tuổi thanh thiếu niên nữa. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thực sự được gọi là hoàn thiện (nó chỉ có thể hoàn thiện khi bạn bước đến tuổi 26), vì vậy nó vẫn có thể cảm nhận được những đam mê mãnh liệt, sự phấn khởi, thư giãn cùng với những rủi ro, và nó liên kết mạnh mẽ với các bộ phận khác của não bộ rất mạnh mẽ, những thứ ghi dấu tuổi trẻ của mỗi người. Nó có thể là sự kết hợp hoàn hảo của vật chất và cảm xúc cho phép não bộ ở tuổi 20 trải nghiệm tình yêu theo một cách chân thành và sâu sắc hơn, và các cặp vợ chồng trẻ sẽ có một mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ đối với người bạn đời hơn so với khi họ đã về già.
Vào cuối những năm tuổi 20, bộ não đã thực sự hoàn thiện và trung tâm điều hành não bộ sẽ nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc những xúc cảm yêu thương cũng được kiểm soát ở mức độ cao hơn. Suy nghĩ của bạn ổn định hơn, vững vàng hơn nhưng bạn cũng kém hứng thú với mọi thứ xung quanh hơn, kể cả là những mối quan hệ.
Với người đồng hành ở cạnh, bạn sẽ có một quãng thời gian 20 tuổi dễ dàng hơn, có thể thành công hơn trong việc đạt được những mục tiêu
Những năm tháng tuổi 20 của bạn sẽ là một quãng thời gian rất khó khăn. Bạn phải cân bằng giữa học tập và công việc, cố gắng để có mức tài chính ổn định, có khả năng giải quyết những trách nhiệm như một người trưởng thành, và tìm ra hướng đi cho sự nghiệp sau này. Khi có nửa kia ở bên cạnh cùng sẻ chia, rất có thể mọi việc đối với bạn sẽ bớt đi một phần gánh nặng và dễ dàng hơn.
|
Đầu tiên, người kia có thể trở thành nguồn động viên và hỗ trơ quan trọng giúp cho bạn hoàn thành việc học tập và bắt đầu định hướng sự nghiệp. Trong những năm tháng đại học, Kate đã biên tập lại các bài luận của tôi và giúp tôi chuẩn bị cho kì thi LSAT. Hồi tôi theo học Luật, cô ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi khi chương trình thực tập mùa hè không được mở rộng, hoặc khi tôi không đạt được kết quả cao trong kì thi cuối khóa. Còn thay vào đó, tôi đóng vai trò như một bảng phát âm cho Kate khi cô ấy làm luận văn thạc sĩ, giúp cô ấy tổ chức và lên kế hoạch cho công việc giảng dạy đầu tiên, và luôn giúp đỡ khi cô ấy mệt mỏi chán nản khi theo đuổi những mục tiêu của mình. Liệu chúng ta có thể tự mình vượt qua được những năm tháng tuổi 20 khó khăn ấy? Chắc chắn rồi. Nhưng khi chúng ta dựa vào nhau, cùng nhau cố gắng, thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Hôn nhân còn giúp bạn đạt được mục tiêu học tập và sự nghiệp của mình bằng cách mang đến cho bạn sự tập trung liên tục và phát triển. Quan hệ xã hội và hẹn hò đòi hỏi rất nhiều tiền bạc, thời gian và băng thông cảm xúc. Khi bạn thật sự tìm được người bạn đời, bạn có thể tiết kiệm tiền và quản lý nguồn năng lượng của mình hướng tới những mục đích sống khác. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy những người đàn ông kết hôn ở tuổi 20 thường uống ít hơn và làm việc chăm chỉ hơn so với những người đồng trang lứa khác.
Không thể cho rằng quãng thời gian vui vẻ của bạn sẽ chấm dứt khi bạn kết hôn. Có một câu chuyện thần thoại kể về việc hôn nhân sớm sẽ khiến con người ta không thể làm những điều thú vị trước khi bước sang tuổi 30, như đi du lịch vòng quanh thế giới hay bắt đầu công việc kinh doanh. Ngược lại, có thêm nửa kia chẳng phải sẽ giúp cho những công việc này của bạn thêm phần thú vị và dễ dàng hơn hay sao? Tôi đã đi du lịch ở những nơi xa hơn sau khi kết hôn, mà trước đó khi còn trẻ tôi chưa từng đi xa đến vậy. Và thử nghĩ xem người kia của bạn cùng giúp bạn điều hành và quản lý công việc của hai người chẳng phải sẽ đơn giản hơn rất nhiều sao?
Vấn đề tài chính của bạn cũng có thể được cải thiện hơn
Rất nhiều người trì hoãn hôn nhân cho đến khi túi tiền của họ lên tiếng. Như chúng ta đã thấy ở trên, các vấn đề về tài chính có thể là căng thẳng trong các cuộc hôn nhân sớm. Tuy nhiên những khó khăn thách thức như vậy sẽ dần được cải thiện khi con người ta dần trưởng thành. Kết hôn sớm sẽ có những khó khăn nhất định trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ giúp bạn hướng đến những lợi ích lâu dài của mình.
Nghiên cứu đã cho thấy rằng kết hôn có thể giúp bạn cải thiện tình hình tài chính một cách đáng kể. Theo Alex Roberts tại Dự án Hôn nhân Quốc gia của UVA, những người đã kết hôn thấy thu nhập của họ tăng từ 50-100%, và sự giàu có tăng lên khoảng 400-600%.
|
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, những người đàn ông đã lập gia đình chi tiêu nhiều hơn 18.000 đô la một năm so với những người bạn độc thân đồng trang lứa với họ. Tại sao hôn nhân lại có ảnh hưởng như vậy? Vâng, như đã đề cập, những người đàn ông đã kết hôn làm việc chăm chỉ hơn. Hôn nhân cũng cho phép vợ / chồng kết hợp các nguồn lực kinh tế của họ với nhau. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, cuộc hôn nhân tạo ra cho bạn trách nhiệm cao hơn trong những vấn đề tài chính – những ưu tiên hàng đầu không phải chỉ dành cho riêng bạn. Roberts nói :"Điều mà mọi người bỏ lỡ, đó là hôn nhân tạo ra một tổ chức xây dựng tài sản to lớn." Sự thật này đã tạo ra một điều rất phổ biến trong văn hóa của chúng ta: Người ta đang đợi kết hôn cho đến khi tài chính của họ được cải thiện. Nhưng chính kết hôn mới có thể cải thiện được tài chính của chúng ta.
Bạn sẽ có khoảng thời gian để thuận lợi sinh con và chăm sóc chúng khỏe mạnh
Trong khi các tiến bộ khoa học hiện đại cho phép bạn có con muộn, nhưng thực tế là cả nam giới và phụ nữ đều có đồng hồ sinh học của họ, và việc sinh con vẫn sẽ trở nên khó khăn hơn khi phải chờ đợi. Nghiên cứu cho thấy con cái của những ông bố lớn tuổi thường có nguy cơ mắc một số chứng bệnh về rối loạn về cả thể chất lẫn tinh thần cao hơn.
Bên cạnh việc sẽ dễ dàng thụ thai khi cả hai còn trẻ thì chất lượng thụ thai cũng được cải thiện hơn. Trước khi tôi có con, mọi người luôn nói với tôi rằng rất mệt mỏi, nhưng tôi không thực sự cho là như vậy, tôi đã nghĩ rằng bản thân mình là một ngoại lệ. Nhưng tôi sẽ thực sự phát điên nếu như những đứa trẻ sơ sinh hay trẻ mới biết đi làm cho tôi mệt mỏi đến vậy. Tôi cảm thấy thật may mắn khi có con ở tuổi hai mươi, khi cơ thể tôi vẫn còn nhiều năng lượng. Tôi cũng sẽ rất vui vì đến tuổi 70, tôi đã có thể có cháu.
Bạn không nhất thiết phải theo đuổi hôn nhân, sự nghiệp và con cái trong vòng 1 vài năm ngắn ngủi
Nhiều người đã trì hoãn hôn nhân và con cái để tập trung cho sự nghiệp và học tập. Chỉ vì muốn gánh vác tất cả những trách nhiệm này cùng một lúc, rất nhiều người đã phải đối mặt với những căng thẳng ở tuổi 30.
|
Nếu bạn kết hôn ở tuổi 30, và bạn muốn có con, bạn sẽ ít linh hoạt và có ít sự lựa chọn hơn. Bạn sẽ phải sinh con ngay sau khi kết hôn, điều này sẽ làm cho bạn và vợ mất đi nhiều năm sống riêng tư hơn - quãng thời gian được cho là ngọt ngào và thú vị nhất của hôn nhân. Và cùng lúc bạn vừa phải ổn định hôn nhân và sự ngiệp, vừa phải thích nghi với việc làm cha mẹ. Không có gì đáng ngạc nhiên, nghiên cứu đã cho thấy rằng những người trì hoãn hôn nhân và sinh nở cuối cùng sẽ gặp phải căng thẳng nhiều hơn. Theo đuổi hôn nhân, con cái và sự nghiệp trong các giai đoạn tiếp nối sẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống một cách viên mãn nhất.
Kết
Độ tuổi kết hôn là một trong những chủ đề vẫn luôn khiến người ta bàn tán ồn ào và nhiều khi phải tranh cãi. Vì bất cứ lý do gì, thảo luận về việc lựa chọn lối sống sẽ làm nảy sinh những phản ứng phụ, bởi suy cho cùng, lựa chọn là quyền lợi của mỗi của cá nhân.
Vì vậy hãy để tôi làm rõ điều này trước khi chúng ta kết thúc: Mặc dù cưới sớm có nhiều ảnh hưởng tích cực như đã nêu trên nhưng không có nghĩa là lúc nào cưới sớm cũng tốt hơn cưới muộn. Tôi cũng không nói rằng nếu bạn còn trẻ và độc thân, bạn cần gấp gáp kiếm lấy một ai đó để bước vào lễ đường.
Giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, luôn có mặt ưu điểm và khuyết điểm tùy vào cách bạn tiếp cận hay hoàn cảnh của bạn mà thay đổi. Nhân tố quan trọng nhất để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc không phải là tuổi tác, mà là chọn đúng người. Có đôi khi, người ấy sẽ xuất hiện sớm thôi, và cũng có đôi khi, bạn cần nhiều thời gian hơn để tìm ra người ấy. Và những ai đang tìm kiếm một nửa thuộc về mình hãy cứ tiếp tục đi, hãy tin rằng hạnh phúc đang chờ bạn phía trước. Mọi nghiên cứu chỉ dựa trên các thống kê khái quát và luôn có những ngoại lệ phủ nhận quy tắc được đặt ra. Chẳng hạn như Winston Churchill và Jimmy Stewart, một người kết hôn năm 34 tuổi và một người kết hôn năm 41 tuổi, cho đến nay, họ vẫn luôn hài lòng với hai cuộc hôn nhân được cho là hạnh phúc và dài lâu nhất trong đền thờ của những người đàn cuộc ưu tú.
|
Không phải tôi đang cố chứng tỏ sự ưu việt của việc cưới sớm, với bài viết này, mục đích của tôi chỉ đơn giản là muốn trấn an những bạn trẻ đang ở trong độ tuổi đôi mươi, những người đã gặp được đúng người và cảm thấy mình đã sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân, nhưng vẫn chần chừ vì những câu rỉ tai "Cứ cưới sớm đi, kiểu gì mày cũng hối hận cho xem!". Sự thật là, đừng sợ hãi, vì một nghiên cứu phân tích tuổi kết hôn và hạnh phúc đã kết luận: "Chỉ trì hoãn việc cưới xin những năm 20 tuổi cũng không thể mang đến thành công cho bạn đâu."
Nói cách khác, nếu bạn đã gặp được một người mà bạn nghĩ rằng bạn không thể sống thiếu, hãy tự tin mà quyết định dành trọn phần đời còn lại bên cạnh người ấy và sẵn sàng sánh vai bên nhau để vượt qua cuộc phiêu lưu lớn nhất cuộc đời này.
|
Tác giả: T.A - Design: Tom
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ