Trưởng bản Sùng A Thái kể chuyện “bão” ma túy ở Tà Cóm. |
“Nghèo bền vững” do ma túy
Lối đi dễ nhất đến bản Tà Cóm là đi qua xã Mường Lý, rồi lên đò vượt sông Mã, đoạn qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn rồi đi thêm chừng vài km đường đất. Cư trú ngay cửa ngõ của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nhưng Tà Cóm dường như không được tận dụng giá trị cũng như những lợi thế của khu bảo tồn này để phát triển kinh tế, xã hội.
Đất đai ở đây bạc màu và cằn cỗi, nước sản xuất cũng như sinh hoạt đều thiếu. Mỗi năm, người dân chỉ có thể trồng ngô hoặc lúa một vụ với năng suất thấp. Lối canh tác lạc hậu phát, trỉa, đốt nương làm rẫy khiến cho đất đai ở Tà Cóm nghèo nàn chất dinh dưỡng. Khi mảnh nương cũ bạc màu, người dân chuyển sang phát nương mới, vài năm sau mới quay lại canh tác trên mảnh nương cũ.
Trong cái vòng luẩn quẩn đó, từ nhiều năm nay, Tà Cóm vẫn luôn giữ vững được “danh hiệu” “nghèo bền vững”. Điều dễ nhận thấy nhất ở Tà Cóm là những mảnh nương phơi mình dưới nắng bạc phếch, cây cối xác xơ. Những ngôi nhà ở đây thường được xây dựng rộng rãi nhưng bên trong trống rỗng, hầu như không có tài sản gì đáng giá.
Chúng tôi ngồi trò chuyện với ông Sùng A Thái - Trưởng bản Tà Cóm dưới tán cây già trước cửa ngôi nhà ọp ẹp của Tổ công tác liên ngành phụ trách khu vực này. Ông Thái cho biết: “Tà Cóm có 89 hộ với 537 khẩu, đều là người dân tộc Mông. Bà con chủ yếu trồng sắn và lúa, mỗi năm chỉ làm được một vụ do thiếu nước. Thời tiết năm nay nắng quá, nhà tôi trồng 2ha lúa nhưng chỉ thu được 7 bao thóc.
100% số hộ trong bản Tà Cóm thuộc diện hộ nghèo. Năng suất mùa vụ năm nay rất thấp, dự kiến sẽ có nhiều hộ rơi vào cảnh đói lúc giáp hạt”. Khi chúng tôi hỏi đói nghèo do đâu, ông Thái trầm ngâm một lúc rồi nói: “Thiên nhiên và khí hậu ở đây khắc nghiệt khiến cho việc trồng nương, chăn nuôi đều khó khăn, năng suất rất thấp. Đường đi lại khó khăn nên giao thương không thuận lợi. Một trong những nguyên nhân nữa có lẽ là do bản có quá nhiều người nghiện ma túy. Những người mắc nghiện thường tiêu tán hết tài sản. Sức khỏe của họ cũng bị giảm sút, lười làm nương, làm rẫy nên lúc nào cũng nghèo đói”.
Tà Cóm hiện có trên 50 người nghiện ma túy, chiếm khoảng 10% dân số, người trẻ nhất sinh năm 1996. Điều đáng buồn là có gia đình cả hai vợ chồng cùng nghiện, có gia đình cả bố, con hoặc cả 3 anh em đều dính vào ma túy.
“Thằng Hờ A Su B nghiện trước. Sau đó, vợ nó là Thào Thị Chu cũng nghiện theo. Hai vợ chồng nó vật vờ đi làm thuê, được đồng nào mua thuốc đốt hết. Đứa con hai tuổi của nó cứ lang thang chơi một mình, bữa đói, bữa no. Thằng Sùng A Dơ (40 tuổi), cùng vợ Thào Thị Dợ cũng mắc nghiện từ mấy năm nay rồi, dù đã có 3 mặt con. Rồi Phàng An Chỉnh và vợ Hạng Thị Xua đều nghiện ma túy. Nhà Sùng A Nênh thì cả 3 bố con đều nghiện ma túy” - anh Sùng A Sự, Công an viên của bản Tà Cóm, điểm danh một loạt người nghiện ở bản nghèo này.
Còn nữa, Giàng A Thái sau khi đến với “nàng tiên heroin” đã dẫn đường cho em ruột là Giàng A Dơ nghiện theo. Nhà họ Sùng, cả 3 anh em Sùng A Thanh (SN 1971), Sùng A Su (SN 1973), Sùng A Xê (SN 1976) đều rủ nhau chơi heroin. Nhà họ Thào cũng vậy, cả 3 anh em trai Thào A Tính, Thào A Thái, Thào A Danh đều dính vào ma túy. Đến thời điểm này, bản Tà Cóm đã có 8 người đi tù vì liên quan đến ma túy, 9 người nghiện được đưa đi cai nghiện tập trung. Đáng buồn là cả 9 người đều tái nghiện sau khi hòa nhập cộng đồng.
Mong muốn có nước để canh tác, trường học và điện lưới
Ma túy là một trong những nguyên nhân sâu xa làm cho Tà Cóm ngày càng tiêu điều, xác xơ. “Tệ nạn nghiện hút làm suy kiệt kinh tế gia đình. Hầu hết người nghiện ma túy đều bán dần tài sản, đất đai để mua ma túy về dùng. Khi không còn gì để bán, họ xin đi làm thuê, làm mướn, được đồng nào cũng nướng hết vào ma túy. Có người ứng tiền làm thuê trước, mua ma túy hút xong mới làm việc trả nợ” - ông Thái cho hay.
Thực tế, tệ nạn ma túy khiến không ít gia đình ở Tà Cóm lụn bại, tan nát, cha, mẹ, con cái phải chia lìa, ly tán. Bản thân ông Thái cũng đang phải bao bọc một người con nuôi do mẹ cháu bị nghiện, bố bị đi tù do dính đến ma túy rồi chết trong tù. 4 anh chị em của cháu bé này được những người anh em trong họ nhận nuôi dưỡng.
Nhắc tới chuyện tàn lụi vì ma túy, anh Sự cho biết thêm: “Thằng Sùng A Vư ban đầu là người giàu có trong bản. Nhà nó có 5 con trâu. Từ khi vướng vào ma túy, Vư bán mất 3 con trâu. Còn Sùng A Lử B trước kia có “tài sản” gồm 6 con bò và 1 con trâu. Cũng chỉ một thời gian sau, cả 7 con trâu bò này theo làn khói trắng “bay” mất. Vợ nó phải dắt 5 con về ở với bố mẹ đẻ”.
Tệ nạn nghiện hút ma túy cũng làm phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, làm xáo trộn cuộc sống của người dân. “Trong bản liên tục xảy ra các vụ mất trộm vật nuôi, xoong nồi, thậm chí cả dây điện, đường ống nước. Tình trạng này ngày càng gia tăng khiến cho người dân lo lắng, bất an” - anh Sự nói.
Tiếp lời anh Sự, Trung úy Hoàng Văn Khánh - cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phụ trách cụm bản Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm, người chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện “dở khóc, dở cười” tại Tà Cóm có liên quan đến ma túy bảo rằng: “Không ít con nghiện khi túng thiếu quá tháo cả ván nhà ra bán lấy tiền mua thuốc. Có người thì lấy trộm gà, xúc trộm gạo của gia đình đổi lấy ma túy”.
Để ngăn chặn hiểm họa do ma túy mang lại, Đồn BP Trung Lý đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Bên cạnh đó, Đồn BP Trung Lý cũng xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Có điều, dù đã bóc gỡ nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng mua bán ma túy nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tệ nạn ma túy tại Tà Cóm cũng như ở các thôn, bản khác ở xã Trung Lý.
Quay trở lại câu chuyện ở Tà Cóm, tôi hỏi ông Thái: “Điều người dân cần nhất bây giờ là gì?”. Gương mặt ông Thái đầy ưu tư: “Chúng tôi cần nhiều thứ, nhưng điều mong mỏi nhất là không còn tệ nạn ma túy. Bà con mong muốn có nước để canh tác, có trường cho các cháu học và điện lưới”.
Tác giả: Bích Nguyên
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam