Du lịch

Những đặc sản được ví như “thần dược” chốn phòng the ở Việt Nam

Không chỉ là những món ăn quý hiếm với giá thành đắt đỏ, những đặc sản này còn được ví như “thần dược” trong chốn phòng the.

Cá chạch – đặc sản "cứu tinh" của quý ông

Cá chạch sinh sống ở cả hai môi trường nước ngọt và nước lợ. Tuy nhiên, chúng tập trung với mật độ dày đặc ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp. Vào mùa nước nổi, cá chạch sống trên đồng ruộng, khi nước cạn thì rút xuống các bàu, ao, vũng hoặc theo kinh rạch ra sông.

Cá chạch có thân hình mập mạp, đầu nhọn, dài tầm một gang tay. Toàn thân chúng có nhiều tuyến nhờn nên da rất trơn, nhớt. Tuy không phải sơn hào hải vị quá đắt đỏ, nhưng với người dân Nam Bộ, cá chạch cho dù chế biến thành món nào cũng chất lượng và có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Cá chạch, đặc sản trứ danh được ví như thần dược chốn phòng the. Ảnh: Người Lao Động

Giới sành ăn cho rằng, nếu được thưởng thức con cá chạch chứa đầy trứng mới thực sự là thỏa mãn. Khi ấy, vị trứng hòa vào thịt cá sẽ tăng vị bùi, béo ngậy và dậy hương thơm rất ấn tượng.

Cá chạch có thể chế biến thành nhiều món. Con nhỏ cỡ ngón út thì chiên lăn bột, con lớn hơn thì chiên vàng hoặc cắt làm hai, làm ba ướp gia vị, kho tiêu trong nồi đất. Khi có khách quý đến thăm nhà, trên mâm cơm đãi khách phải có món cá kho nghệ mới đúng điệu.

Cá chạch thịt thơm ngon, dai ngọt nên có thể chế biến được nhiều món ăn.

Trong nếp ăn của người Nam Bộ, cá chạch là món đặc sản khiến cho bữa cơm thêm tròn vị và đặc biệt được nam giới săn lùng vì là “thần dược” trong chốn phòng the.

Theo Đông y, cá có tác dụng bồi bổ khí huyết, chống lão hóa, tráng dương, cường lực, thanh nhiệt, cần thiết cho người già. Còn theo Tây y, thịt cá có nhiều chất đạm, chất béo, và các axit amin cần thiết khác cho cơ thể. Ngoài ra, theo dân gian, nhớt cá chạch cũng có tác dụng kháng viêm, tiêu độc, kháng khuẩn...

Sá sùng “thần dược” phòng the có một không hai

Sá sùng là một loại hải sản thân mềm, có nhiều ở các vùng biển Việt Nam. Tùy theo vùng miền mà sá sùng mang tên gọi khác nhau như sâu đất, bi bi, con cạp đất...

Sá sùng có da trơn nhẵn, thay đổi theo màu sắc môi trường. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10 cm, cá biệt có con dài đến 15–40 cm.

Sá sùng được xem là đặc sản hiếm có, khó tìm nên giá bán trên thị trường khá cao.

Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi. Hình dạng sá sùng gợi khá nhiều "liên tưởng" nên chúng thường được săn lùng để làm thần dược phòng kín cho cánh mày râu.

Hiện nay, 1kg sá sùng tươi có giá 200 nghìn đồng, loại khô 4 triệu đồng/kg.

Sá sùng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, phổ biến hơn cả là sá sùng hầm thuốc bắc, xào đỗ... Sá sùng phơi khô có thể dùng làm ngọt nước phở hoặc nướng lên cũng rất giòn và thơm. Đây là một đặc sản hiếm nên giá thành khá cao. Hiện nay, 1kg sá sùng tươi có giá 200 nghìn đồng, loại khô 4 triệu đồng/kg.

Sùng đất “thần dược phòng the” ở miền Tây đất Quảng

Thông thường, sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 (âm lịch). Cứ mỗi độ đến mùa sùng đất, người dân Quảng Nam lại tranh thủ "hái lộc" từ con vật trời cho này. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi...

Sùng đất không chỉ là đặc sản mà còn là món ăn đặc biệt chỉ dành riêng cho khách quý của người dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam)

Theo nhiều già làng Cơ Tu, sùng đất có thể là ấu trùng của bọ hung. Một con sùng đất trưởng thành to bằng ngón tay út người lớn, có màu trắng ngà, trắng xanh hoặc vàng. Phần đầu, chân và càng của chúng có màu nâu đậm hơn, giống như cánh gián. Các đốt trên cơ thể sùng đất đều có lông tơ dạng móc câu.

Lúc trước, sùng đất nhiều vô kể nhưng người dân chỉ đào về cho gà ăn. Nhưng từ khi thông tin về công dụng trong chốn phòng the của sùng đất được lan truyền rộng rãi, nhiều nhà hàng, quán ăn, hoặc các tay sành nhậu… lại xuống tận nơi để thu mua với giá cao.

Từ xa xưa, các thầy thuốc đã biết đến công dụng của sùng đất và liệt chúng vào danh sách dược liệu quý hiếm trong Đông y. Ngoài ba kích, người Cơ Tu xem sùng đất là loại "xuân dược" nghìn năm tráng kiện, là vị thuốc mà đàn ông Cơ Tu tin dùng để duy trì khả năng phòng the của mình.

Sùng đất không chỉ là đặc sản mà còn là món ăn đặc biệt chỉ dành riêng cho khách quý. Nếu được chủ nhà thực lòng quý mến, bạn sẽ có may mắn được thưởng thức các món ăn chế biến từ con sùng đất thơm ngon, béo ngậy.

Cá ngựa khô ở Phú Quốc

Cá ngựa hay còn gọi là hải mã, là một loại cá sống ở vùng biển nhiệt đới có ở nhiều vùng biển cả nước như Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Phan Thiết), Đầm Môn (Khánh Hòa), Sông Cầu (Phú Yên), nhưng Phú Quốc (Kiên Giang) mới là nơi tập trung nhiều cá ngựa tự nhiên nhất.

Cá được phơi khô, đóng gói 500gr hoặc 1kg với giá khoảng 9 triệu đồng/kg.

Từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm là mùa sinh sản của cá ngựa khi chúng tìm về những hang đá, rạn san hô chết… để giao phối. Vì thế, đây cũng thời gian ngư dân Phú Quốc bắt được nhiều cá ngựa nhất và bày bán tấp nập trong các khu chợ ở trên đảo.

Hiện tại, trên thị trường loài cá ngựa được ví như “thần dược phòng the” này có giá không hề rẻ, khoảng 100.000 đồng/con. Cá được phơi khô, đóng gói 500gr hoặc 1kg với giá khoảng 9 triệu đồng/kg. Mùa cá ngựa bắt đầu từ tháng 1 – tháng 4 hàng năm, khi chúng bơi vào các rạn san hô ven bờ để giao phối.

Tác giả: Hiệp Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: đặc sản

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok