Trong nước

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023

Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) từ 1/3, cơ quan này triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, theo Tri thức trực tuyến.

Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip

Theo Bộ Công an, hộ chiếu gắn chip có chứa thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp. Đây là bước cải tiến mới tạo thuận lợi cho công dân, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh.

Ngoài chứa các thông tin được viết trên giấy như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch... của công dân, thì mẫu hộ chiếu mới còn lưu trữ những thông tin sinh trắc học của con người (vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu...).

Hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Về hình thức của hộ chiếu gắn chip, Bộ Công an cho hay mẫu này cơ bản giống với hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Cụ thể, 2 loại hộ chiếu đều có bìa màu xanh tím than, gần 50 trang trong hộ chiếu là những cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Cơ quan công an khẳng định hộ chiếu không gắn chíp và hộ chiếu gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ, mọi công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp loại hộ chiếu gắn chip hoặc không gắn chip.

Những ai đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử từ ngày 1/7/2022, thì tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản

Thông tư số 37/2022 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ 1/3, quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP).

Thông tư quy định hàng hóa được coi là có xuất xứ của một nước thành viên nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó; đáp ứng các quy định trong trường hợp sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ; được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên.

Bên cạnh đó, Thông tư 37/2022 cũng nêu rõ quy định hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Theo đó, có 11 trường hợp cụ thể hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên.

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động

Thông tư 24/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3.

Theo đó mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1 là 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại phụ lục I của Thông tư và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau: Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng toàn bộ định suất bồi dưỡng. Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.

Theo đó, Thông tư yêu cầu mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đồ lễ bày lộn xộn, tiền lẻ đặt tràn lan. Ảnh: TTXVN.

Người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và chủ sở hữu di tích tư nhân sẽ tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

Thông tư 01/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 17/3.

Thông tư quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 3 năm đến 5 năm, không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.

Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.

10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý ngành ngân hàng

Thông tư 21/2022/TT-NHNN hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3 tới, theo TTXVN.

Thông tư nêu rõ vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực ngân hàng được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.

Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.

Thông tư nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý; Thành viên Hội đồng quản lý; Tổng giám đốc; Phó Tổng giám đốc; Trưởng phòng và tương đương; Phó Trưởng phòng và tương đương; Giám đốc chi nhánh; Phó giám đốc chi nhánh; Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh; Phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nội dung của các bản mô tả công việc bao gồm mục tiêu vị trí việc làm; các công việc và tiêu chí đánh giá; các mối quan hệ công việc; phạm vi quyền hạn; yêu cầu về trình độ, năng lực...

Không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên

Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2023, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên ngành Thi hành án Quân đội đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.

Cụ thể, chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN.

Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị-hành chính hoặc cử nhân chính trị, hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính

Thông tư số 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3 tới.

Theo Thông tư, cơ cấu Hội đồng quản lý gồm đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.

Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 5 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.

Chủ tịch Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 5 năm. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Tác giả: Linh Chi (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok