Vài năm trở lại đây, quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nghệ An trở thành “điểm nóng” về vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT). Việc người dân, doanh nghiệp chiếm dụng hành lang đường bộ để sản xuất, kinh doanh diễn ra công khai, bất chấp quy định pháp luật.
“Trẩy hội” lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ
Theo tìm hiểu, quốc lộ 1A đoạn từ Km368+400 đến Km402+330 (thuộc dự án BOT do Công ty TNHH 2 thành viên BOT quốc lộ 1A Cienco4-TCT319 làm chủ đầu tư) được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015. Đoạn đường này đi qua địa phận huyện Tĩnh Gia (qua các xã Nguyên Bình, Xuân Lâm, Trúc Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường, Trường Lâm), thị xã Hoàng Mai (phường Mai Hùng, Quỳnh Thiện, Quỳnh Xuân) và huyện Quỳnh Lưu (xã Quỳnh Văn, Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu).
Với tiêu chí tuyến đường xanh - sạch - đẹp - an toàn - êm thuận, chủ đầu tư phải bố trí công tác duy tu và bảo dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, hiện tại trên tuyến đường này còn tồn tại rất nhiều hoạt động vi phạm hành lang ATGT, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình giao thông đường bộ, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Xe tải mang theo bùn đất từ mỏ khai thác đất sét, gây bẩn quốc lộ 1A |
Ông Nguyễn Hữu Hoài – Hạt phó Hạt quản lý duy tu Công ty TNHH 2 thành viên BOT quốc lộ 1A Cienco4-TCT319 - cho biết quốc lộ 1A đoạn nói trên giáp nối với nhiều tuyến đường vào hàng chục mỏ đá, mỏ đất (đặc biệt tại địa bàn xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia có 10 mỏ đá, đất) và bãi tập kết kinh doanh cát nên mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở vật liệu từ các mỏ khai thác đi trên tuyến.
Do xe chở quá tải, không che chắn phủ bạt kỹ nên thường xuyên làm rơi vãi vật liệu trên mặt đường, ảnh hưởng lớn đến công tác vệ sinh mặt đường. Công nhân thường xuyên quét dọn nhưng không xuể, có lúc vừa quét xong thì xe tải tiếp tục “rải” vật liệu xuống đường. Các phương tiên chở vật liệu chạy từ các mỏ ra đường quốc lộ thường mang theo bùn đất gây bẩn mất vệ sinh, đặc biệt là sau khi trời mưa.
Hành lang ATGT bị chiếm dụng để tập kết gỗ, xe ra vào chở hàng khiến tấm đan gãy sập nhiều vị trí |
Tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Nghệ An đoạn nói trên có hơn 50 hộ kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất gạch táp-lô thường chiếm dụng lòng lề đường để tập kết cát đá để sản xuất, tập kết gạch. Các phương tiện vào ra đổ vật liệu, chở gạch qua lại trên hệ thống mương rãnh dọc kín gây sập gãy rất nhiều tấm đan bê tông.
Tại địa bàn đi qua Nghệ An, ven quốc lộ 1A có 13 xưởng chế biến và kinh doanh gỗ thường xuyên chiếm dụng đất đường bộ, xếp gỗ lên mương rãnh dọc hai bên tuyến gây hư hỏng gãy sập nắp thành rãnh. Xe cẩu và chở gỗ hay đứng ở lề đường để cẩu bốc gỗ gây mất an toàn giao thông.
Người dân ngang nhiên đặt biến cảnh báo chắn ngang quốc lộ 1A, dùng diện tích mặt đường làm nơi bốc xếp hàng hóa |
Ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết, dọc tuyến đường này cũng có hàng loạt hộ gia đình có kinh doanh hoạt động rửa xe hai bên tuyến. Các loại xe máy, ô tô khi đến rửa đã làm hư hỏng, gãy sập hàng loạt tấm đan rãnh thoát nước. Các hộ dân phần lớn không xây các bể lắng bùn đất trước khi xả nước ra hệ thống rãnh dọc, đất bùn khi xả ra thường xuyên làm tắc rãnh dọc gây ngập khi mưa lớn.
“Vấn đề vệ sinh môi trường dọc tuyến quốc lộ 1A cũng trở nên đáng báo động khi tại địa bàn một số xã đóng dọc hai bên tuyến có nhiều vị trí tập kết rác tự phát, rác được đổ tập kết tràn ra cả lòng lề đường và làn xe thô sơ, thậm chí vứt rác xuống các đầu cống, rãnh dọc trên tuyến gây mất ATGT cũng như vệ sinh môi trường cảnh quan”, ông Hoài cho biết.
Đường quốc lộ 1A bị biến thành bãi rác |
Được biết, dọc theo đoạn đường nói trên cũng có rất nhiều hộ dân kinh doanh thường bày hàng hóa và đặt các biển quảng cáo lên thành cả rãnh dọc, hoặc lề đường. Nhiều vị trí mở quán ăn nhà hàng, đắp đất tạo mặt bằng nằm trong phạm vi đất đường bộ, các phương tiện ra vào nhà hành thường xuyên mang theo đất làm bẩn mặt đường, xe ra vào thường xuyên va quệt làm hỏng rất nhiều lần các tấm giải phân cách và hàng rào chống chói, biển báo làm đổ lật và hư hỏng.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình và tổ chức ven đường không tuân thủ qui định đối với công trình xây dựng hai bên công trình đường bộ, xây dựng không đúng theo thiết kế đã được các cấp thẩm định phê duyệt, mặt bằng công trình đắp cao hơn cao độ mặt đường, không xây dựng hệ thống rãnh thoát nước dọc cho nên nước trực tiếp chảy tràn ra mặt đường gây hư hỏng mặt đường.
Tại các vị trí hành lang ATGT bị chiếm dụng kinh doanh vật liệu xây dựng, tấm đan thường xuyên bị gãy sập khiến nước bị ứ đọng |
Xử lý vi phạm hành lang ATGT như “bắt cóc bỏ đĩa”
Theo Hạt quản lý duy tu Công ty TNHH 2 thành viên BOT quốc lộ 1A Cienco4-TCT319, thời gian qua tình trạng vi phạm hành lang ATGT trên tuyến đường do đơn vị này quản lý diễn ra rất phổ biến và có chiều hướng ngày càng gia tăng.
“Điều đáng nói, trong khi chủ đầu tư nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm thì không hề nhận được sự hợp tác. Ngược lại, các đối tượng vi phạm còn phớt lờ, chống đối và coi thường các quy định pháp luật khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, Hạt phó Hạt quản lý duy tu Công ty TNHH 2 thành viên BOT quốc lộ 1A Cienco4-TCT319 bức xúc cho biết.
Ông Hoài cho hay, thời gian qua hạt duy tu đường bộ đã liên tục tiến hành lập hàng trăm biên bản vi phạm, yêu cầu những người vi phạm phải chấp hành quy định về hành lang ATGT đường bộ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Hạt chỉ như “nước đổ lá khoai”, các cá nhân và tổ chức vi phạm vẫn phớt lờ, thậm chí coi thường và có hành vi gây khó dễ cho cán bộ, công nhân duy tu đường bộ.
Danh sách các mỏ khai thác đá, đất thường xuyên có xe vận chuyển gây rơi vãi trên quốc lộ 1A tại xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) |
Ông Nguyễn Hữu Hoài bức xúc nói: “Thời gian qua Hạt đã liên tục làm việc với chính quyền địa phương nơi quốc lộ 1A đi qua, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để tuyên truyền, xử lý nhằm hạn chế hình vi vi phạm hành lang ATGT. Chúng tôi đã gửi đi rất nhiều văn bản đến cấp sở, nghành và huyện, xã đề nghị có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nhưng cũng không mấy hiệu quả. Quyền hạn của chúng tôi rất hạn chế, chính quyền địa phương còn thờ ơ trong khi đối tượng vi phạm ngày càng gia tăng, được nước lấn tới”.
Theo thống kê của Công ty TNHH 2 thành viên BOT quốc lộ 1A Cienco4-TCT319, kể từ khi đưa vào khai thác sử dụng đoạn đường nói trên, đến nay chủ đầu tư ghi nhận có hơn 240 tấm đan rãnh thoát nước dọc tuyến bị gãy, hư hỏng (ước tính 210 triệu đồng); 14 tấm chống lóa bị mất (16 triệu đồng); 44 tấm chống lóa bị đâm quyệt, tháo dở hư hỏng (khắc phục hết 15 triệu đồng); 6m hộ lan mềm bị thoát dỡ và lấy mất (7 triệu đồng).
Người dân ngang nhiên chiếm dụng hành lang ATGT để tập kết vật liệu, sản xuất và kinh doanh gạch táp-lô |
Ngoài ra, một số hạng mục công trình do địa phương đầu tư xây dựng (đường điện, đèn chiếu sáng...) thi công vi phạm lấn chiếm vào phạm vi hàng lang an toàn giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến kết cấu công trình QL1. Một số hộ hai bên tuyến tự lắp đặt các ống cống cỡ nhỏ vào lòng rãnh hở, tự thay đổi kết cấu mương rãnh hai bên tuyến làm lối vào nhà làm tắc dòng chảy. Các hộ dân tự ý tháo dỡ tôn hộ lan mềm để xây dựng và tạo lối vào gây mất an toàn giao thông, tổn thất tài sản công trình đường bộ.
Người đại hiện Hạt quản lý duy tu Công ty TNHH 2 thành viên BOT quốc lộ 1A Cienco4-TCT319 cho hay, chủ đầu tư đã phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để thuê xe, máy, thiết bị phục vụ cho việc nạo vét khơi thông cống rãnh, dọn dẹp vệ sinh, di dời vật liệu lấn chiếm, thay thế lắp đặt tấm đan.
Với nhiều người dân ven quốc lộ 1A, hành lang ATGT bỗng trở thành "đất nhà" để xây dựng, sản xuất và kinh doanh |
Ngoài nhân công đã thực hiện theo khối lượng duy tu đã được duyệt, trung bình mỗi tháng chủ đầu tư phải bỏ kinh phí thuê thêm nhân công (mỗi tháng 30 công) để tăng cường cho công tác vệ sinh quét dọn trên tuyến. Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, chủ đầu tư đã phải bỏ thêm gần 70 triệu đồng để thuê nhân công dọn vệ sinh trên toàn tuyến.
“Con số thống kê nói trên chưa nói hết được những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt. Phần lớn người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đều phớt lờ quy định pháp luật về hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trong khi Nhà nước đã ban hành các quy định nêu rõ trách nhiệm là của cả người dân, các tổ chức và chính quyền thì gần như chúng tôi chỉ ‘đơn thương độc mã’ trong việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông”, ông Hoài nói.
Tác giả: Trọng Hùng
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam