Hồ Mậu Lâm cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến gần 500 ha đất nông nghiệp |
Ngày 03/02/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định chấp thuận phương án đầu tư, cải tạo đường cứu hộ tràn, gia cố bờ vai tả tràn xả lũ và nạo vét hồ Mậu Lâm, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh. Dự án do Công ty TNHH xây dựng Trường Minh (Công ty Trường Minh) làm chủ đầu tư, tự bỏ vốn thực hiện và được thu hồi phế liệu đất, cát để làm vật liệu san lấp. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm.
Mục tiêu và nhiệm vụ của Dự án để tăng khả năng trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; nạo vét khe suối Ông Ai, khe Trắng để khơi thông dòng chảy, tăng khả năng tiêu thoát khi có mưa lũ, giảm bồi lắng, xói lở, ngập úng đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân hai bên bờ khe; cải tạo đường cứu hộ để ứng phó với mưa lũ và gia cố một số hạng mục phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn…
Máy móc, phương tiện phục vụ công tác nạo vét nằm phơi nắng cạnh hồ Mậu Lâm |
Trong khi tỉnh Thanh Hóa đang đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài, thiếu nước sản xuất nông nghiệp… và Dự án đã thực hiện 3 năm. Thế nhưng thực tế cho thấy, khu vực nạo vét từ khe Ông Ai đến hồ Mậu Lâm dài gần 5km vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang, nham nhở, chưa biết đến khi nào hoàn thành vì Công ty Trường Minh chỉ tập trung khai thác cát… khiến người dân xã Mậu Lâm búc xúc, lo lắng.
Người dân xã Mậu Lâm bức xúc vì một lượng lớn cát đã được Công ty Trường Minh khai thác để lại sự nham nhở dọc khe suối Ông Ai |
Chỉ đích danh Công ty Trường Minh, ông Lưu Văn Thái, sống ở thôn Cầu Hồ bức xúc cho biết: Công ty chỉ lợi dụng vào Dự án để khai thác cát, mỗi ngày có vài chục lượt xe ra vào chở cát. Dọc khe suối Ông Ai chỗ nào có cát là họ khai thác, khiến dòng suối bị nham nhở nào được khơi thông. Không những thế, họ còn tập kết cát gây ách tắc dòng chảy, khiến hồ Mậu Lâm không tích trữ được nước, trong khi đó hàng trăm ha đất nông nghiệp đang khô cằn, rất cần nước để gieo cấy.
“Từ khi có Dự án nạo vét hồ Mậu Lâm, ngày nào xe chở đất, cát cũng chạy nườm nượp, bụi bẩn cứ thế rơi vãi gây bụi, anh thấy đấy con đường dân sinh giờ hư hỏng, phủ đầy đất. Chúng tôi rất băn khoăn không hiểu vì sao đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng phía Công ty vẫn không múc một gầu đất nào tại hồ Mậu Lâm, như vậy thì Dự án khi nào mới hoàn thành”. Nhiều người dân xã Mậu Lâm tỏ ra lo lắng.
Xe tải nối đuôi nhau vào chở cát, còn việc nạo vét thì bỏ ngỏ |
Có mặt tại khu vực thực hiện Dự án, PV nhận thấy, từ Khe suối Ông Ai đến hồ Mậu Lâm dài chừng 5km vẫn còn một lượng lớn đất, cát chưa được nạo vét, nhiều đoạn hiện rõ sự nham nhở. Thay vào đó, một số vị trí có lượng cát dồi dào được Công ty Trường Minh cho lắp đặt hệ thống sàng, máy bơm phục vụ cho hoạt động khai thác cát. Chỉ trong vòng 30 phút đồng hồ, hàng chục lượt xe tải lớn nhỏ “đua” nhau vào chở cát, tung bụi mù mịt. Tại lòng hồ Mậu Lâm, do hạn hán kéo dài cộng với việc Công ty chưa thực hiện nạo vét đã gây nên tình trạng hồ trơ đáy, cạn nước và đây cũng nguyên nhân khiến hàng trăm ha đất nông nghiệp khó canh tác.
Theo Cán bộ địa chính xã Mậu Lâm, việc hồ Mậu Lâm cạn nước đã gây ảnh hưởng đến khoảng 500 ha đất trồng lúa trên địa bàn 2 xã Mậu Lâm và Phú Nhuận. Trong các buổi làm việc với Công ty Trường Minh, UBND xã đã yêu cầu đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ dự án nạo vét hồ Mậu Lâm. Tình trạng xe chở đất, cát gây ô nhiễm môi trường xã có nhận được phản ánh của người dân và đã nhắc nhở Công ty.
Con đường thôn Cầu Hồ bị phủ kín bởi đất, cát gây ô nhiễm môi trường |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Như Thanh cho biết: Đúng là Dự án nạo vét hồ Mậu Lâm do Công ty Trường Minh thi công đang chậm tiến độ. Theo báo cáo của Công ty, hiện tại mới chỉ thực hiện được 7% khối lượng công việc, chưa thực hiện nạo vét hồ Mậu Lâm. Để đảm bảo tiến độ của dự án, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Công ty và yêu cầu họ phải ưu tiên nạo vét lòng hồ Mậu Lâm, phải xong trước ngày 30/8. Nếu Công ty không thực hiện đúng thời hạn yêu cầu, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh.
Theo ông Tuấn, trong quyêt định chấp thuận phương án của UBND tỉnh không nêu rõ phân kỳ đầu tư theo năm mà chỉ ghi chung thời hạn là 5 năm, vì vậy đã gây khó khăn cho UBND huyện trong việc giám sát, theo dõi, xử lý đơn vị thi công.
Tác giả: Đức Duy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường