Ảnh có tính chất minh họa |
Theo phản ánh của nhóm cổ đông nắm giữ khoảng 40% cổ phần của Công ty Phát hành sách Thanh Hóa (trước thời điểm tăng vốn), doanh nghiệp này đang bị đảo lộn tỷ lệ sở hữu cổ phần sau một đợt chào bán cổ phần đầy khuất tất được thực hiện bởi HĐQT Công ty.
Theo đó, ngày 2/4/2017, trong phiên họp nhiệm kỳ 2017-2022 của Đại hội đồng cổ đông Công ty, doanh nghiệp này đã quyết định tăng vốn điều lệ từ hơn 1,3 tỷ đồng lên hơn 8,8 tỷ đồng theo hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Việc tăng vốn sẽ được thực hiện trong lộ trình là hết năm 2018.
Sau hơn một năm Đại hội đồng cổ đông ra nghị quyết về tăng vốn, việc tăng vốn của doanh nghiệp này vẫn được “án binh bất động” và cho đến tháng 8/2018 thì mọi thứ bỗng thay đổi một cách chóng mặt.
Cụ thể, ngày 2/8/2018, cổ đông của Công ty là bà Đoàn Hải Yến đã chuyển nhượng cổ phần của mình cho nhóm 5 nhà đầu tư mới. Ngay sau khi việc chuyển nhượng cổ phần này giữa bà Yến và các nhà đầu tư mới được hoàn thành thì ngày 16/8/2018, HĐQT Công ty đã họp và ra thực hiện việc chào bán 750 nghìn cổ phần, tương ứng 7,5 tỷ đồng cho các cổ đông.
Theo biên bản họp HĐQT ngày 20/9/2018 thì 5 cổ đông mới đã mua cổ phần của bà Đoàn Hải Yến là những người đăng ký mua số cổ phần tăng thêm này và đã thanh toán đủ tiền vào ngày 20/9/2018, trong cùng ngày họp HĐQT. Sau phiên họp thông qua kết quả bán cổ phần tăng thêm này, HĐQT Công ty đã thực hiện việc đăng ký tăng vốn điều lệ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, với vốn điều lệ mới là hơn 8,8 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ đông mới đã nắm giữ đến trên 85% vốn điều lệ của Công ty.
Vụ việc tăng vốn như trên đã thay đổi cán cân quyền lực trong Công ty Phát hành sách Thanh Hóa, khi nhóm cổ đông nhỏ trước đây nắm giữ 40% cổ phần có thể có tiếng nói nhất định trong các quyết định của Công ty. Sau khi tăng vốn, nhóm cổ đông này chỉ còn 15% cổ phần và không còn tiếng nói gì. Nói cách khác, họ mất luôn tiếng nói trong Đại hội đồng cổ đông và HĐQT.
Theo đơn khiếu nại gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, nhóm cổ đông này khẳng định, việc tăng vốn của HĐQT có nhiều bất thường. Điều quan trọng nhất là việc gửi thông báo chào bán cổ phần tăng thêm cho các cổ đông hiện hữu đã không được thực hiện. Nói cách khác, các cổ đông hiện hữu được chào mua cổ phần dẫn đến việc họ không biết và không được thực hiện quyền mua cổ phần mà Công ty chào bán theo quy định.
Theo Luật sư Lê Văn Kiên, việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được thực hiện một cách nghiêm ngặt để đảm bảo không có tranh chấp. Trong đó, thông báo chào bán cổ phần và việc đăng ký mua phải được HĐQT gửi đến địa chỉ cư trú của các cổ đông được đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông. HĐQT phải đảm bảo thông báo phát hành đến các cổ đông bằng các chứng từ có giá trị pháp luật.
Ý kiến về việc không mua cổ phần tăng thêm cũng phải được nêu rõ ràng trong văn bản hoặc trong quy chế chào bán gửi kèm. Như vậy, khi các cổ đông hiện hữu không đăng ký mua thì HĐQT mới có quyền chào bán cho các cổ đông khác số cổ phần còn dư.
Việc HĐQT bán toàn bộ số cổ phần tăng thêm mà không có tài liệu chứng minh HĐQT đã chào báo cho cổ đông hiện hữu và họ đã không đăng ký mua đã cho thấy, việc chào bán 750 cổ phần cho nhóm 5 cổ đông mới là một việc làm trái pháp luật. Điều này làm lộ rõ ý đồ thâu tóm Công ty bằng việc chào bán cổ phần trái pháp luật.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã nhận được đơn đề nghị hủy bỏ đăng ký kinh doanh cấp mới cho Công ty Phát hành sách Thanh Hóa. Cơ quan này sẽ giải quyết như thế nào? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam