Du lịch

Nhớ mùa hoa sở nắng đong đưa

“Nhớ mùa hoa sở nắng đong đưa/ Trắng đến lòng ta cũng thẫn thờ/ Mắt biếc áo hoa vui trẩy hội/ Sáo đàn réo rắt tới Hoành Mô”.

Tôi viết câu thơ ấy trong một chiều nhung nhớ. Nỗi nhớ nhung về miền biên cương mà tôi đã gắn bó suốt một thời tuổi trẻ. Trong ký ức của tôi, của anh lính binh nhất tuổi mười chín hai mươi cái ngày cách đây hơn bốn mươi hai năm, là những hình ảnh không sao quên được. Bữa đó là sáng một ngày của tháng 12 năm 1976, gió đông bắc thổi căm căm, chặng đường xe xóc nẩy người bỗng bất chợt hiện dọc hai bên con đường cấp phối dài mười sáu ki lô mét từ phố huyện Bình Liêu dẫn tới cửa khẩu Hoàng Mô, trước mắt tôi là bạt ngàn màu trắng tinh khôi của hoa Sở. Những cánh hoa trắng ngỡ như ngàn vạn con bướm trắng xinh xòe cánh rung rinh múa lượn.

Rồi mười năm qua trôi, tôi đã đón đủ mười mùa hoa sở nở. Những lúc đông về, gió thổi tím tái thịt da, tôi nhắm mắt nghĩ suy rồi sẽ có một ngày tôi được chiêm ngắm thứ hoa ấy đủ đầy chứ không phải nhìn hoa giữa cái buốt tê người. Nghĩa là tôi mường tượng ra câu chuyện cổ tích mang tên “nàng Sở”. Nàng Sở trẻ trung, trắng trong, xinh đẹp, dịu hiền nhưng rất đơn côi bởi nàng sinh ra nơi núi rừng thâm thâm xa vắng. Trong cảnh lâm li đông giá ấy bỗng có một chàng hoàng tử từ xa phi ngựa tiến lại gần, chàng mến nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chàng rung động trước vẻ thánh thiện của nàng Sở mà quỳ xuống và dâng cho nàng Sở tình yêu say đắm của mình. Họ đã có thời gian yêu nhau tha thiết nhưng rồi thân phận không cho họ được ở mãi bên nhau. Chàng hoàng tử phải quay về kinh thành để thực hiện sứ mệnh hoàng tộc. Nàng Sở đau buồn và vì quá nhớ nhung mà hóa thành thứ hoa trắng tinh. Thứ hoa cứ đến ngày đông ly biệt là nở bừng thể hiện lòng chung thủy của mình.

Sâu đậm là thế vậy mà cũng phải đợi tới ba mươi hai năm tôi mới có dịp quay lại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Thế mới biết thời gian chẳng chịu đợi chờ ai. Thế mới hiểu thời gian guồng quay không ngơi nghỉ. Chuyến trở lại hay nói như tôi mong mỏi là “ra đi là để trở về” của tôi cũng bất ngờ, nó nằm ngoài dự định và chỉ được hình thành nhờ một lời “rủ rê” của mấy người bạn đồng nghiệp. “Anh có đi du lịch bụi cùng bọn em không?”, người bạn đồng nghiệp hỏi. Tôi hỏi lại “đi đâu?”. Trả lời “Đi Bình Liêu. Nghe nói nơi ấy đầy mới lạ nhưng cảnh và tình chẳng thua kiếm Sa Pa là mấy. Mà có khi còn hay hơn nữa kia”. Tôi mừng hơn bắt được của. Thế là lên đường không nấn ná. Thế là đi ngay bụng dạ dạt dào khấp khởi. Không biết sau ngần bấy năm xa cách Bình Liêu của tôi hôm nay thế nào?

Vừa ra khỏi thị trấn Tiên Yên, xe rẽ theo đường 18C. Qua Yên Than, Phong Dụ (hai xã của huyện Tiên Yên) lướt một vòng cua nhẹ là tới xã Vô Ngại, nghĩa là đã “chạm” đất Bình Liêu, tôi cứ ngỡ tim mình đang bật lên vô vàn tiếng trống. Ký ức hiện về như một cuốn phim đang được quay chậm lại. Dòng hồi tưởng cứ thúc thúc khiến sống mũi tôi chợt thấy cay cay. Đường 18C dài 42 ki lô mét nối thị trấn Tiên Yên với thị trấn Bình Liêu và tới tận cửa khẩu Hoàng Mô kể từ khi được nắn cua, hạ dốc và được thảm bê tông nhựa từ năm 2013 đã thực sự làm thay đổi diện mạo vùng núi biên cương này một cách cơ bản. Hai bên đường chốc chốc lại xuất hiện những làng bản sung túc với những căn nhà đổ bê tông mái bằng một hoặc hai ba tầng. Đã xa rồi những làng bản buồn tênh với những ngôi nhà lẻ loi, tường chình đất, lợp ngói âm dương và xám xịt màu khói bếp.

Tôi nhướn mắt nhìn qua ô cửa xe, phía gần tay với là sông Tiên Yên hiền lành và bình thản từ Hoàng Mô xuôi về. Vài cây số lại có một cây cầu vĩnh cửu bắc ngang. Con sông hồi trước lởm chởm ghềnh đá, muốn qua sông hoặc nhờ thuyền của dân hoặc bơi qua. Có lần mải tắm giữa dòng, chợt lũ ống đổ về giữa cái nắng chói chang. Lũ chúng tôi chạy đứt cả hơi mới thoát nạn nhưng bộ quần áo bộ đội giặt phơi trên đá bị lũ cuốn mất tiêu. Bây giờ sông Tiên Yên “nằm đó” yên ả dưới nắng xuân, yên ả phơi bày hàng triệu, hàng vạn tảng đá mồ côi tròn trùng trục, lô xô to nhỏ thực sự là một bãi đá khổng lồ.

Nhoáng một cái đã tới thị trấn Bình Liêu, tôi chẳng thể nào nhận ra được dãy phố lèo tèo với những ngôi nhà lợp ngói âm dương xám xịt khói bếp khi xưa nữa. Sau hơn ba mươi năm tôi trở lại với nhiều cảm xúc đến khó tin trước diện mạo hôm nay. Giờ “phố” Bình Liêu đã khang trang rộng rãi lên rất nhiều. Đường thênh thang. Các tòa nhà trụ sở cơ quan công quyền bề thế ngự giữa trung tâm. Hàng cờ phướn cùng biểu ngữ như tô thêm vẻ huy hoàng. Thị trấn Bình Liêu được chia thành bảy khu và mỗi khu đều có tên gọi bắt đầu từ chữ “Bình”. Đó là các khu phố Bình Đẳng, Bình Công 1 và 2, Bình Quyền, Bình Dân, Bình An, Bình Quân nghe rất ấn tượng. Phải chăng khi đặt lên những cái tên đó bà con các dân tộc nơi đây đã gửi vào đó niềm mong muốn của mình?

Tôi đứng giữa phố loay hoay tìm vị trí để chụp ảnh núi Cao Xiêm, ngọn núi cao 1429 mét này được ví như là “nóc nhà’ của tỉnh Quảng Ninh. Dưới nắng chiều từ phía tây rọi tới, đỉnh Cao Xiêm nhìn nổi bật trên nền trời xanh ngát tựa như một bức tường thành. Vẻ hùng vĩ ấy mãi tới hôm nay tôi mới cảm nhận được.

***

“Trong tổng diện tích tự nhiên 47.510,5ha, diện tích đất nông nghiệp của huyện Bình Liêu chỉ có, khoảng 7.000ha, chiếm 15,6% tổng diện tích đất đai toàn huyện (trong đó, hơn 4.000ha là đồi cỏ có thể chăn thả đại gia súc, đất trồng lúa và hoa màu hơn 164ha chủ yếu là ruộng bậc thang trải dài theo các thung lũng, sườn dồi, bãi bồi ven sông); diện tích đất lâm nghiệp của Bình Liêu khoảng 34.683,78ha, chiếm 73% (trong đó, hơn 2.616,65ha là rừng tự nhiên, nhưng lâm sản nghèo kiệt do khai thác quá mức) phù hợp với trồng một số loại cây đặc sản như: hồi, quế, trẩu, sở; các loài cây lấy gỗ như: Sa mộc, thông, keo và một số cây ăn quả”.

Với sự đầu tư theo một tư duy biện chứng là “Hạ tầng đi trước. Phát triển theo sau” nên huyện Bình Liêu hiện nay đúng là có một hệ thống giao thông “như trong mơ”. Tỉnh lộ 341 dài 80km, chạy dọc đường biên giới nối cửa khẩu Hoàng Mô với Thành phố Móng Cái, đã chính thức được mang tên là đường 18C và nó đã kéo dài đường quốc lộ này lên tới hơn 121km. Giúp huyện miền núi Bình Liêu “vươn tay” tới thành phố Móng Cái, trung tâm kinh tế cửa khẩu lớn vào loại nhất nhì nước ta, được thuận tiện hơn và cũng nhanh hơn. Còn trong toàn huyện thì đường trải nhựa đã tới từng xã. Đường bê tông xi măng rộng 1 mét nối từng thôn bản với nhau. Hệ thống giao thông đó còn kết nối với đường tuần tra biên giới đổ bê tông xi măng rộng 3 mét, thuận lợi cho việc đi lại tới mọi thôn bản. Về Bình Liêu hôm nay không khó nhận thấy những cặp vợ chồng người Dao, người Sán Dìu đèo nhau bằng xe máy chạy vù vù.

“Bình Liêu là huyện đa dân tộc (khoảng trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 5 dân tộc chính (dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chay chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%) tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc riêng. Huyện không có nhiều đền chùa, di tích lịch sử, chỉ có duy nhất di tích lịch sử cấp tỉnh là Đình Lục Nà thuộc xã Lục Hồn vừa được phục dựng lại Lễ hội vào năm 2005. Vào ngày 16/3 âm lịch chợ có lễ hội tháng 3 (người ta quen gọi là Chợ tình giao duyên) của người Sán Chỉ. Đây là một lễ hội văn hoá rất đặc sắc, đang được địa phương phục dựng và phát triển”.

Tuổi trẻ qua đi nhưng kỷ niệm chưa bao giờ xa khuất. Một Bình Liêu của tôi đã và đang vươn mình sánh bước cùng bao miền quê khác. Một Bình Liêu vững vàng. Một Bình Liêu hứa hẹn bởi những tiềm năng du lịch, tiềm năng văn hóa, tiềm năng con người. Một Bình Liêu của tôi, trong tôi và trong mọi người.
Từ cột mốc 1327 - một địa điểm du lịch mới - đã và đang cùng với những địa danh như đỉnh Cao Xiêm, bãi đá cổ Cao Ba Lanh, ruộng bậc thang Đồng Văn... tạo nên những địa điểm tham quan du lịch của Bình Liêu, tôi quay nhìn về phía Tổ quốc. Đẹp đến vô ngần.

Như từ đâu đó những cánh hoa sở trắng muốt lũ lượt hiện về. Rợp trắng một khoảng trời biên viễn.

Tác giả: Nguyễn Trọng Văn

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Ruộng bậc thang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok