Tàu hàng quốc tế cập cảng biển Nghi Sơn. |
“Gà đẻ trứng vàng” thu ngân sách
Với lợi thế và tiềm năng đặc biệt, hệ thống cảng biển Nghi Sơn có sức hút với hàng hóa xuất - nhập khẩu đến tận các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hòa Bình... Chưa kể, khi hệ thống giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện, hàng hóa của Bắc Lào, Nam Thái Lan cũng thuận lợi vận chuyển đường bộ đến với cảng biển Nghi Sơn.
Thống kê từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện thủ tục xuất - nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn. Các chính sách thu hút doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, đã thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp đến với hệ thống cảng biển Nghi Sơn. Hãng tàu CMA-CGM đã thực hiện đều đặn trở lại tuyến vận tải container quốc tế đến Cảng Nghi Sơn với tần suất 1 chuyến/tuần. Hiện các đơn vị khai thác cảng cũng thu hút thành công một số doanh nghiệp tỉnh Nghệ An xuất khẩu hàng hóa qua cảng.
Trong những năm gần đây, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng biển Nghi Sơn hàng năm đạt trên 41 triệu tấn, bằng cả cảng biển của Nghệ An và Hà Tĩnh cộng lại. Số liệu 6 tháng đầu năm 2023 của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn cho thấy, tổng kim ngạch hàng hóa xuất - nhập khẩu làm thủ tục qua cảng biển Nghi Sơn đạt 4,244 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 779 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 3,5 tỷ USD.
Hàng hóa xuất khẩu qua cảng biển Nghi Sơn hiện chủ yếu là đá xây dựng các loại, clinker, dăm gỗ, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng các loại, hải sản, sản phẩm may mặc, chế phẩm lọc hóa dầu. Hàng hóa nhập khẩu qua cảng chủ yếu là dầu cọ tinh luyện, sản phẩm dầu thô, than đá, sắt thép phế liệu, giấy phế liệu, máy móc thiết bị, thạch cao, nguyên phụ liệu cho ngành may mặc và da giày...
Con số thu ngân sách nhờ thuế xuất - nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn trong những năm gần đây cũng tăng trưởng nhanh, bởi năm 2017 mới đạt 1.430 tỷ đồng, năm 2018 đã đạt 6.362 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 10.400 tỷ đồng và năm 2022 đã đạt tới gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng thu ngân sách của Hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Thống kê mới nhất từ Cục Hải quan Thanh Hóa, 7 tháng năm 2023 số tiền thuế xuất - nhập khẩu hàng hóa thu về cho ngân sách đạt hơn 9.637 tỷ đồng. Mỗi chuyến tàu hàng xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cảng có thể thu về ngân sách tỉnh hàng tỷ đồng. Đặc biệt, mỗi chuyến tàu chở dầu thô nhập khẩu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể mang về hàng chục tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu. Thời gian gần đây, nguồn thu thuế hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh hàng năm.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Nghi Sơn là cảng biển nước sâu, được che chắn bởi dãy Biện Sơn nên lặng gió, ít sóng và đặc biệt ít bị bồi lắng như nhiều cảng biển khác tại Việt Nam. Theo thiết kế, cảng biển Nghi Sơn có thể đón tàu có tải trọng từ 70.000 đến 100.000 DWT.
Hàng hóa tập kết để chờ hãng tàu vận chuyển xuất khẩu. |
Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam Nghiêm Minh Tiến đã ví von rằng: “Hệ thống cảng biển Nghi Sơn là món quà thiên nhiên ban tặng cho Thanh Hóa mà khó có địa phương nào có được”.
Đại diện cho ngành hàng có 90% sản lượng sản phẩm bột sắn xuất khẩu bằng đường biển này, ông Tiến đánh giá cao những chính sách khuyến khích, thu hút hãng tàu vận tải và doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn. Chỉ tính riêng tinh bột sắn, 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình đã có 5 nhà máy chế biến, đang duy trì xuất khẩu khoảng 50 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, số hàng hóa này xuất khẩu qua cảng biển Nghi Sơn còn ít, mà chủ yếu qua Cảng Hải Phòng. Trớ trêu thay, quãng đường từ 5 nhà máy này về Nghi Sơn chỉ từ 70 đến trên dưới 100 km, trong khi ra Cảng Hải Phòng phải vận chuyển quãng đường hơn 200 km (?!).
Đó là chưa kể, một số nhà máy sắn ở Lào do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, mỗi năm xuất khẩu 300.000 tấn bột sắn, đều vận chuyển bằng đường bộ qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), sau đó đi qua Nghi Sơn để ra Hải Phòng.
“Vừa qua, chúng tôi cũng mới tiếp xúc với tham tán thương mại Việt Nam tại Lào, nói về hàng hóa từ Lào về cảng biển Nghi Sơn thì họ còn khá “lơ mơ”, chỉ biết nhiều đến Hải Phòng. Có thể công tác quảng bá của Thanh Hóa chưa tốt, họ chưa thấy hết được những ưu điểm và các chính sách khuyến khích của tỉnh”, ông Tiến nói.
Giám đốc Cảng Quốc tế Nghi Sơn Phan Đào Vũ thông tin: Từ đầu năm 2023 đến nay lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container qua cảng chúng tôi đạt 10.000 TEU. Tuy nhiên qua khảo sát, số lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cùng thời điểm là khoảng 250.000 TEU. Đó là chưa tính hàng hóa của các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hòa Bình... hoàn toàn có thể về Nghi Sơn. Như vậy, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu qua cảng biển Nghi Sơn đang rất nhỏ so với tiềm năng.
Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn, thì hệ thống cảng biển Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến, trong đó có 10 bến container, 21 bến tổng hợp, còn lại là các bến và khu bến chuyên dụng. Đến tháng 8-2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện cảng biển Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, lượng hàng hóa trung chuyển qua cảng trong 6 tháng đầu năm 2023 mới đạt 22,8 triệu tấn. Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm qua lượng hàng hóa qua cảng mới chỉ đạt trên dưới 50% công suất bốc xếp.
Chỉ ra bất cập và hiến kế từ doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam Nghiêm Minh Tiến, phải mạnh dạn chỉ ra những tồn tại để tỉnh Thanh Hóa và các bên liên quan cùng chung tay đưa cảng biển Nghi Sơn phát triển. Không chỉ tinh bột sắn mà các sản phẩm từ lâm sản xuất khẩu cũng ít qua Cảng Nghi Sơn. Nguyên nhân là bởi nếu qua cảng biển Nghi Sơn phải chờ tàu hoặc vỏ container có khi mất 10 đến 15 ngày, đã đánh mất đi cơ hội và nhiều yêu cầu về thời gian từ phía đối tác nước ngoài - yếu tố rất quan trọng trong giao thương quốc tế. Khi đơn hàng bị kéo dài, chắc chắn có thêm nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán.
Nhiều doanh nghiệp có hàng hóa xuất - nhập khẩu còn quan tâm đến tính chuyên nghiệp trong các khâu dịch vụ liên quan qua cảng.
“Cũng hàng bột sắn đưa đến cảng, nhưng ở Nghi Sơn mỗi container chỉ đóng được trung bình 17,3 tấn, trong khi chúng tôi đưa đi Hải Phòng, họ đóng được 18 tấn trong mỗi container. Theo đó, chi phí cho cả lô hàng sẽ giảm đi. Điều đó cho thấy kỹ năng tổ chức quản trị dịch vụ cũng như tính chuyên nghiệp của các khâu liên quan ở Nghi Sơn cần phải cải thiện”, đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam so sánh.
Phải từng bước đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm dịch vụ liên quan nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn. Tỉnh Thanh Hóa cũng nên có chiến lược cụ thể để kích hoạt, kêu gọi hàng hóa xuất - nhập khẩu trong vùng ảnh hưởng về với Nghi Sơn. Ví như, tỉnh Nghệ An đang có tới 6 nhà máy sắn, thường xuyên xuất khẩu bột sắn với sản lượng khoảng 250.000 tấn mỗi năm, nếu kêu gọi tốt, họ sẽ xuất qua cảng biển Nghi Sơn bởi lợi thế vận chuyển gần hơn nhiều đi Hải Phòng.
Một điều đáng tiếc khác là trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa có cả trăm doanh nghiệp may mặc và giày da nên lượng hàng xuất khẩu lớn, nhưng đa phần lại chấp nhận chuyên chở đi xa hơn để ra Cảng Hải Phòng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn Lê Hồng Phong: “Chúng tôi đã tiếp cận và kêu gọi, đặc biệt là gặp gỡ Tập đoàn Hồng Phú có hàng chục nhà máy may tại Thanh Hóa, ban đầu họ cũng quan tâm, nhưng sau lại chuyển hẳn ra Hải Phòng. Nguyên nhân là từ Cảng Hải Phòng có rất nhiều hãng tàu chở hàng container đi nhiều cảng trên thế giới. Còn từ Nghi Sơn đi chỉ có hãng CMA - CGM chở hàng container đi một số cảng của châu Á nên không đáp ứng được yêu cầu của họ. Điều này đặt ra cho Nghi Sơn là phải thu hút thêm nhiều hãng tàu”.
Là khách hàng quen thuộc, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Đá Thanh Hóa Nguyễn Văn Thọ cũng thẳng thắn chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà xuất khẩu hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn. Đó là, giá mỗi container hàng có thời điểm còn cao hơn so với Cảng Hải Phòng từ 300 đến 500 USD. Nguyên nhân là do hãng tàu quốc tế về Nghi Sơn không có nhiều hàng nhập nên không đủ vỏ container để đóng hàng xuất. Các doanh nghiệp không những phải chờ mất thời gian mà còn mất thêm chi phí do hãng tàu thuê thêm một chuyến tàu chở vỏ container từ Hải Phòng hoặc các cảng khác về để đóng hàng. Hiện Thanh Hóa cũng chưa có doanh nghiệp chuyên vận tải container trên đất liền để vận chuyển hàng từ các nhà máy về cảng. Các công ty có hàng hóa xuất khẩu luôn bị động, chịu giá cao khi vận chuyển đến cảng, trong khi có lần lại phải thuê doanh nghiệp từ Hải Phòng về trung chuyển hàng hóa đi Nghi Sơn. Từ đó, ông Thọ cũng mong muốn tỉnh Thanh Hóa khuyến khích thu hút các công ty chuyên vận tải container trên đất liền để hạ giá thành và giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong vận chuyển hàng hóa đến với cảng biển Nghi Sơn.
Muốn có nhiều hãng tàu về với cảng biển Nghi Sơn thì phải có nhiều hàng hóa xuất - nhập khẩu qua đây theo quy luật có cầu ắt sẽ có cung. Do vậy, trong thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn nói riêng và cả tỉnh nói chung, về lâu dài tỉnh nên chú trọng và định hướng thu hút các nhà máy sản xuất ngành hàng có tỷ lệ xuất và nhập khẩu cao. Khi có nhiều hàng hóa xuất - nhập khẩu thì tình trạng mất cân đối giữa nguồn nhập và nguồn xuất, giữa hàng rời và hàng container sẽ được khắc phục, đồng thời sẽ dần giải quyết được bài toán thiếu vỏ container khiến doanh nghiệp phải mất thêm thời gian và chi phí thuê chở từ các cảng khác về như hiện nay.
Nếu sớm giải quyết được thách thức này, cũng chính là mở ra cơ hội cho cảng biển Nghi Sơn, bởi hiện nay nhiều cảng biển ở khu vực Đông Bắc Á như Thượng Hải, Thanh Đảo, Phòng Thành (Trung Quốc) hay nhiều cảng của Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển mạnh, có sự kết nối khắp thế giới. Hàng hóa xuất khẩu ở miền Bắc hiện chủ yếu trung chuyển qua các cảng này, theo đó cần kêu gọi thêm hãng tàu mở tuyến để kết nối Nghi Sơn với nhiều cảng ở châu Á này thì mới thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước đưa hàng hóa thông quan qua Nghi Sơn.
Với nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn và sẵn sàng nhìn thẳng những tồn tại để khắc phục, Thanh Hóa đang từng bước hoàn thiện hạ tầng và nâng cao năng lực của hệ thống cảng nước sâu đầy tiềm năng của mình. Những chính sách hỗ trợ để thu hút hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như vận tải hàng hóa đến với cảng biển Nghi Sơn đang phát huy tác dụng, mang theo kỳ vọng đưa cảng biển Nghi Sơn thành mắt xích quan trọng trong vận chuyển hàng hải quốc tế.
Tác giả: Lê Đồng
Nguồn tin: baothanhhoa.vn