Mưa bão đã làm nhiều thôn, bản khu vực miền núi bị cô lập, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị chết, nhiều hộ dân phải sơ tán, nhà cửa bị sập, đường giao thông bị hỏng.
Sạt lở đất đá trên tuyến đường, đoạn qua xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Tại huyện miền Bá Thước, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3, trên địa bàn đã xuất hiện mưa to, lượng mưa trung bình từ 100-150 mm, kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về nên lượng nước trên sông Mã dâng cao.
Để ứng phó với mưa lũ, UBND huyện Bá Thước, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã ban hành 6 công điện chỉ huy công tác phòng mưa bão. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài nên huyện Bá Thước chịu nhiều thiệt hại: 464 ha lúa bị hỏng, 66 ha hoa, rau màu bị ngập úng, cây mía bị thiệt hại 399 ha; tổng số gia súc, gia cầm bị thiệt hại do lũ là 941 con; diện tích nuôi ao hồ bị thiệt hại khoảng 10.104 ha.
Về giao thông, do sạt lở đất, đá làm ách tắc trên tuyến đường 521B (tại km số 18 thuộc địa phận xã Lũng Cao), khối lượng sạt lở khoảng 30 m3. Nước lũ dâng cao trên tuyến đường 521B đoạn qua thôn La Hán (xã Ban Công), chia cắt các xã trong khu vực Quốc Thành với bên ngoài.
Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước cho biết, mưa lũ đã làm 22 ngôi nhà bị sạt lở, 20 hộ dân phải sơ tán. Hiện bản La Hán, xã Ban Công bị cô lập do mưa lũ. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Bá Thước đang tập trung chỉ đạo UBND các xã trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ, sạt lở theo dõi diễn biến thời tiết, nếu có tình huống xấu phải khẩn trương di dân đến nơi an toàn.
Tại huyện miền núi Quan Hóa, mưa lũ kéo dài, Nhà máy thủy điện Trung Sơn lại xả nước lũ khiến lượng nước các sông ngày một cao lên, nhiều khu vực đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Quan Hóa đã huy động lực lượng, phối hợp với chính quyền các xã cử người canh gác tại các điểm nhằm hỗ trợ người dân, không cho bà con đi lại giữa dòng nước, đặc biệt là bằng bè mảng.
Chủ tịch UBND xã Phú Lệ, ông Hà Minh Bội cho biết, mưa lớn nhiều ngày đã làm nhiều ha lúa, ngô bị chết, đường giao thông không thể đi lại; có 2 bản với 200 hộ dân bị cô lập. Hiện cán bộ xã và dân phòng đang có mặt tại 2 bản để cùng người dân ứng phó với mọi tình huống do mưa bão gây ra.
Bà Hà Thị Nga, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Hóa cho biết, huyện có 3 bản gồm bản Gốc (xã Hồi Xuân), bản Đuốm và bản Hang (xã Phú Lệ) bị cô lập do mưa lũ. 50 ha lúa bị ngập úng, một số đường giao thông bị sạt lở, tổng thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng
Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, mưa lũ khiến gần 100 ha lúa bị ngập nước, nhiều diện tích ngô, rau màu bị chết. Nhiều nhà cửa ngập nước, một số tuyến đường giao thông bị sạt lở taluy. Hiện có thôn Bẹt, xã Cẩm Thạch bị nước lũ cô lập.
Theo bà Mai Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, 50 hộ dân sống tại các xã Cẩm Thành, Cẩm Lương, Cẩm Phong phải di dời. Cán bộ các phòng, ban đã xuống kiểm tra các điểm xung yếu để cảnh báo người dân tại các điểm nguy hiểm, đồng thời di dời đến nơi an toàn.
Không chỉ các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Cẩm Thủy, tại huyện miền núi Lang Chánh, mưa bão làm nhiều làng, bản, tuyến đường giao thông bị chia cắt. Nước sông Âm, sông Cảy, sông Sạo dâng cao làm ảnh hưởng đến các hộ dân, đã có 45 hộ dân với 185 nhân khẩu phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Thiệt hại gồm cầu tràn bản Bôn bị cuốn trôi, trường mầm non Tam Văn bị sập mái, nhiều phòng học bị hỏng, 37 ha lúa bị vùi lấp, 17 ha ngô bị ngập nước, tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Về người, mưa bão đã làm 2 người chết, 2 người mất tích, 3 người bị thương tại bản Hắc, xã Trí Nang.
Ngoài ra, tại huyện Quan Sơn đang có 7 bản bị cô lập do mưa lũ, huyện Mường Lạt bị sạt lở nhiều tuyến đường, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện đang tập trung khắc phục sự cố. Với thời tiết xấu như hiện nay, người dân cần đề phòng lũ quét, lũ ống vào ban đêm, những hộ dân sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cần nhanh chóng di dời người và tài sản để tránh tình huống xấu xảy ra.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp và trong khu vực có khả năng xuất hiện 2 áp thấp nhiệt đới song song, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện số 143/PCTT&TKCN về ứng phó với lũ quét và sạt lở đất.
Cầu tràn Cửa Dụ trên tỉnh lộ 15C bị lũ nhấn chìm, cô lập xã Luận Khê, huyện miền núi Thường Xuân. Ảnh: TTXVN/phát |
Theo đó, để chủ động phòng chống lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy phong chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện tiếp tục theo dõi thông tin, cảnh báo mưa lũ, lũ quét, thông tin kịp thời đến các thôn, bản để người dân, chính quyền biết.
Ngoài ra, các huyện cần rà soát khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét đang có người dân sinh sống để di dân đến nơi an toàn. Cấp huyện phải tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại các ngầm, tràn, bến đò ngang, dọc, khu vực đường giao thông bị cô lập nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Dự báo trong 3-6 giờ tới các huyện miền núi Thanh Hóacó nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: Báo Tin tức