Từ trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vượt qua quãng đường rừng gần 20 cây số, leo qua mấy quả đồi dốc trơn trượt giữa mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi mới có mặt tại thôn Ea Rớt để gặp cô gái người Mông - Lò Thị V., (17 tuổi, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Cư Pui) vừa được Công an tỉnh Đắk Lắk giải cứu từ Trung Quốc trở về.
Trong căn nhà lá xập xệ nằm chót vót trên đỉnh đồi chẳng có gì ngoài chiếc phản gỗ đơn chiếc để cả gia đình ngủ, ông Lò Seo Sình (57 tuổi) bố của em V., nhớ lại, vào thời điểm nhận được tin Vân bị lừa bán sang Trung Quốc, gia đình báo chính quyền, Công an xã nhưng không có kết quả. Trong nhà, không khí lúc nào cũng u ám vì thương con.
Qua lời kể của ông Sình, chúng tôi tự chắp ghép câu chuyện của gia đình thời điểm cách đây gần 1 năm về trước. Đó là một buổi chiều giữa tháng 10-2017, vợ chồng ông Sình ngồi trong nhà nôn nóng đợi mãi nhưng không thấy cô con gái của mình đi học về. Nghĩ có chuyện chẳng lành, ông tìm đến trường thì nghe bạn bè V., kể lại, buổi chiều hôm đó, có 2 thanh niên lạ mặt đến rủ đi chơi thác rồi mất tích. Vài hôm sau, gia đình ông nhận cuộc gọi của con gái bảo đang ở Lào Cai, sắp bị bán sang Trung Quốc.
Chuyện ông Sình kể bị cắt ngang khi người vợ từ rẫy lặng lẽ về nhà. Người đàn bà khắc khổ vội lùa đàn con vào trong, đóng sầm cửa, đuổi khách!. Có lẽ cái cảm giác bị mất con trước đó là nỗi ám ảnh quá lớn đã khiến tâm trạng của bà đâm ra tiêu cực với khách lạ.
Sau một hồi thuyết phục, V., cũng bằng lòng kể lại cho chúng tôi câu chuyện em bị lừa bán như thế nào. Theo lời V., thông qua mạng xã hội, V., kết bạn với một người tên P., và sau một thời gian nhắn tin yêu đương qua lại, P., ngỏ lời yêu và muốn cưới V., làm vợ. “P., có hứa với em sẽ lo cho em cuộc sống sung sướng, giàu sang sau khi kết hôn nên giữa tháng 10-2017, P., hẹn gặp em nói để trao nhẫn cưới.
|
Những đối tượng trong các đường dây buôn bán người tại cơ quan Công an. |
Tuy nhiên, khi gặp em, P có đi cùng với một người bạn và rủ em đi Lào Cai chơi. Vì quá tin vào lời P., em đã nhận lời. Khi vừa ra đến Lào Cai, cả hai đã tìm cách vượt biên, bán em vào một động mại dâm tại Trung Quốc”, V., nhớ lại.
Sau khi lưu lạc vào một nhà thổ, V., được một người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Không đồng ý, V., bị chủ nhà thổ bỏ đói, sử dụng gậy gộc đánh đập tàn nhẫn. Sau một thời gian bị bắt tiếp khách, trong một lần V., bị bọn buôn người đưa về nhà một người đàn ông để làm vợ thì cả bọn bị lực lượng Công an Trung Quốc kiểm tra và giải cứu.
V., chỉ là một trong số hàng chục trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng lừa bán sang Trung Quốc ở cái thôn nhỏ bé này trong vài năm trở lại đây. Ông Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt cho hay, thời gian gần đây, tình trạng các em nữ đang độ tuổi đi học trong thôn “bỗng nhiên mất tích” xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù địa phương đã có nhiều lần tuyên truyền, thông báo cho bà con về các thủ đoạn của bọn buôn người nhưng hiệu quả chưa cao.
“Phần lớn người dân trong bản là đồng bào phía Bắc di cư vào sinh sống, vì cuộc sống khó khăn nên hằng ngày, người dân thường lên nương rẫy làm việc, để con ở nhà hoặc tự đến trường. Từ đây, nhiều em gái bị dụ dỗ theo những đối tượng lạ rồi bị đưa sang Trung Quốc bán”, ông Vàng Seo Măng nói.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đối tượng buôn người không từ bất cứ một thủ đoạn nào để dụ dỗ, đưa người bán sang Trung Quốc để lấy những đồng tiền dơ bẩn. Sau khi chúng móc nối đường dây buôn bán người tại Trung Quốc, các đối tượng về Việt Nam, lân la đến các thôn, buôn vùng sâu, sử dụng mạng xã hội tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn lấy làm vợ hoặc tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”. Khi nạn nhân mắc bẫy, chúng bán họ vào động mại dâm, sang tay cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ.
Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ đưa ra nước ngoài để làm vợ bất hợp pháp và cung cấp cho các đường dây hoạt động mại dâm ở nước ngoài diễn biến phức tạp.
“Chỉ tính riêng từ giữa năm 2017 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 14 cô gái bị bán sang Trung Quốc, trong đó đã đấu tranh làm rõ 5 vụ với 8 đối tượng. Hiện còn nhiều cô gái xấu số vẫn đang phải sống cảnh khổ cực, lưu lạc nơi đất khách quê người… Một số cô gái khi được giải cứu về Việt Nam cũng không hiểu vì sao mình lại nhẹ dạ, cả tin đến như vậy”, Đại tá Phạm Minh Thắng nói.
“Trước thực trạng này, thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động, kịp thời phát hiện, phòng ngừa loại tội phạm này. Cạnh đó, Công an cũng tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, có kế hoạch hỗ trợ cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Tạo công ăn việc làm cho những nạn nhân của các vụ mua bán người nhằm giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cuộc sống”, Đại tá Phạm Minh Thắng thông tin.
Tác giả: Văn Thành
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân