Trong nước

Nhiều nước đặt mua kit thử SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất

Tính đến hôm nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã đặt mua kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết mỗi ngày có thể sản xuất tối đa 30.000 bộ kit thử phát hiện SARS-CoV-2 - Ảnh: MẠNH HƯNG

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Phạm Công Tạc chia sẻ tại buổi làm việc sáng 17-3 với các nhà khoa học, chuyên gia nhằm thảo luận các giải pháp khoa học phục vụ phòng chống COVID-19.

Đánh giá bộ kit thử phát hiện SARS-CoV-2 là một thành tựu của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam, ông Tạc cho biết trước đó Hà Nội cũng đặt mua 200.000 bộ kit phát hiện SARS-CoV-2.

Theo ông Tạc, ngay sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ kit real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện, Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Khoa học - công nghệ đã thông báo đến Bộ Khoa học - công nghệ các nước ASEAN.

Tính đến nay, theo báo cáo của đơn vị sản xuất, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua bộ kit do Việt Nam sản xuất.

Năng lực sản xuất của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Như vậy, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều thế giới.

Bộ kit sẽ hỗ trợ công tác sàng lọc các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 với thời gian xét nghiệm, từ khi lấy mẫu, xử lý mẫu và chạy máy mất khoảng 2 giờ. Giá sản phẩm 500.000 đồng/bộ kit.

Ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc và Việt Nam xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên, Bộ Khoa học - công nghệ đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch bệnh này.

Trong đó có nhiệm vụ "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)" do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện - ông Tạc thông tin.

Sau một tháng, hai đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kit. Bộ Y tế sau đó có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chuẩn đoán invitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết có được thành tựu này là do Việt Nam có sự chuẩn bị trong thời gian dài. Học viện Quân y từng có nghiên cứu về virus corona, ebola và quan hệ hợp tác quốc tế với các nước phát triển như Đức, Pháp.

Cần kit di động để sàng lọc nhanh tại sân bay, nhà ga

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - chuyên gia của Bộ Y tế - do bộ kit được đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế nên ngay các bệnh viện cấp tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng địa phương cũng có thể xét nghiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay, bên cạnh bộ kit phát hiện tại các phòng thí nghiệm, giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, cần sản xuất các loại kit di động để tiến hành sàng lọc nhanh tại các khu vực như sân bay, nhà ga.

Đây là cách Hàn Quốc đã áp dụng nhằm sàng lọc trên diện rộng.

Theo GS Kính, đây là giải pháp rất cần thiết trong bối cảnh nguy cơ dịch có thể bùng phát và phải kiểm soát diện rộng.

Tác giả: T.Hà

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok