Kinh tế

Nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Những bất cập hiện nay khiến nhiều cổ đông chiến lược không chỉ bất ngờ mà có thể còn mất niềm tin vào quá trình cổ phần hóa.

"Một nhà đầu tư nước ngoài cách đây vài năm định đầu tư vào một doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng khi bắt đầu cổ phần hóa, công ty này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh, nhà đầu tư không thể gặp được lãnh đạo, lộ trình đưa ra cũng không được rõ ràng nên sau đó họ đã bỏ ý định", ông Vương Tuấn Dương, Phó giám đốc điều hành VinaCapital kể như vậy tại Hội thảo về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ngày 12/6.

Không chỉ khó khăn trong vấn đề tiếp cận, theo đại diện VinaCapital, ngay cả sau khi cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng gặp không ít trở ngại.

"Đã có trường hợp hoạt động của Kiểm toán Nhà nước sau cổ phần hóa mới vào cuộc và kết luận làm giảm giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Động thái bất ngờ này là điều mà không nhà đầu tư nào mong muốn vì họ luôn nghĩ công việc kiểm toán đúng ra phải hoàn tất trước khi cổ phần hóa", ông Dương lấy ví dụ.

Giá trị doanh nghiệp, theo ông Dương, sẽ căn cứ vào báo cáo kiểm toán trước khi cổ phần hóa. Đây cũng là yêu cầu trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, việc sau khoảng 1-2 năm, Kiểm toán Nhà nước lại xuất hiện và đề xuất truy thu một số khoản như cổ tức, thuế..., theo ông Dương, sẽ khiến giá trị doanh nghiệp giảm so với số liệu trước đó.

"Điều này không chỉ gây bất ngờ mà còn lấy đi niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài", ông Dương nói.

Theo đại diện Quỹ đầu tư này, đó là những ví dụ cho thấy sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư khi chuẩn bị hoặc bắt tay tham gia cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước vì cách thức cổ phần hóa không giống ai.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước dù đã có tiến triển, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Phó giám đốc VinaCapital cũng đề cập tới trường hợp của nước Anh những năm 1980. Ông Dương cho rằng nhờ vào cổ phần hoá, nước này đã đánh thức "những gã khổng lồ đang ngủ". Ở Việt Nam, cổ phần hóa thực ra là "câu chuyện win-win" giữa hai bên tham gia, nhưng nhiều đơn vị đang tỏ ra không mặn mà.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Quang Trung, Giảng viên cấp cao của Đại học RMIT Việt Nam, động lực cổ phần hóa và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn thấp. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt hành chính, thay vì cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn. "Quá trình cổ phần hóa rõ ràng vẫn còn sự do dự, chần chừ từ một số người có ảnh hưởng lớn tới các nhà hoạch định chính sách", ông Trung nhận định.

Bản thân các quy định về thời gian và giá khởi điểm cũng gây nhiều khó khăn. Theo chuyên gia từ Đại học RMIT, thời gian phê duyệt thủ tục và công bố giá trị doanh nghiệp hiện quá dài, trong khi thời gian từ lúc công bố bản cáo bạch đến thời điểm IPO lại quá ngắn. "Nhiều doanh nghiệp kéo dài thời gian chuẩn bị, song lại công bố một cách vội vàng khiến nhiều nhà đầu tư bên ngoài không đủ thời gian chuẩn bị trước khi tham gia", ông Trung nói.

Dưới góc độ là người tham gia trong việc bán vốn, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC chỉ ra những bất cập về việc xác định giá khởi điểm và giá trị quyền sử dụng đất, khiến nhiều thương vụ thất bại do mức giá đưa ra "phi lý".

"Với cách thức xác định giá khởi điểm chưa có căn cứ rõ ràng, rủi ro pháp lý với những người ra quyết định bán vốn là rất lớn", ông Lai nói và cho rằng đây là một phần nguyên nhân việc đưa ra mức giá bán ở hướng thận trọng. Riêng với vấn đề xác định giá đất, nhiều trường hợp khiến giá bán cổ phần vượt xa so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong khi đó, trường hợp giá đất tăng sẽ tiếp tục điều chỉnh giá bán, dẫn đến việc "đã khó bán lại càng khó bán hơn".

Không chỉ vậy, dù mua được vốn song nhiều trường hợp cổ đông mới bị phân biệt đối xử. Phó giám đốc VinaCapital cho biết, nhiều cổ đông sau khi mua cổ phần nhưng khi đến làm việc với ban lãnh đạo thì không được tiếp, không được biết tình hình, kế hoạch làm ăn của công ty. “Điều này nhiều khi gây ra sự bức xúc lớn. Nhiều cổ đông sẽ tự hỏi tôi mua cổ phần chiến lược làm gì nếu bị đối xử như một nhà đầu tư thứ cấp, thay vì nhà đầu tư quan trọng của doanh nghiệp”, đại diện VinaCapital nói.

Để cải thiện vấn đề minh bạch, ông Dương đề xuất nên thực hiện công bố thông tin định kỳ và chi tiết hơn nữa về lộ trình, kế hoạch cụ thể việc cổ phần hóa.

Các chuyên gia khác thì nhấn mạnh đến điều đầu tiên là tạo lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, như Luật cổ phần hóa để bảo đảm quy trình bán vốn công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu những giải pháp mang tính tiên phong hơn, như việc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù, bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược hay bán dưới mệnh giá.

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok