Xã hội

Nhiều Khu công nghiệp ở Thanh Hóa chậm tiến độ

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa, các dự án khu công nghiệp trên địa bàn có tiến độ thực hiện rất chậm, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn.

Một góc Khu công nghiệp Nghi Sơn.


Hiện nay, trong Khu kinh tế Nghi Sơn có 4 khu công nghiệp đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng bao gồm: Khu công nghiệp luyện kim (CN-9), số 1 (khu vực 67ha phía Bắc đường 513), số 3 và số 15 (Khu công nghiệp Đồng Vàng). Tuy nhiên, có 3 trong số 4 dự án hiện nay đầu tư hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và chưa có quỹ đất sạch để đón nhà đầu tư.

Khu công nghiệp luyện kim là dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nghi Sơn làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 7/2007, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, diện tích đất thực hiện dự án khoảng hơn 480ha và tiến độ thực hiện dự án là 3 năm.

Đến thời điểm hiện tại, dự án này mới chỉ giải phóng mặt bằng được hơn 227/323ha đất phải thu hồi để thực hiện dự án. Về việc thu hút đầu tư, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nghi Sơn đã cho 02 nhà đầu thứ cấp thuê đất với diện tích cho thuê khoảng hơn 175/279,68ha đất công nghiệp.

Theo đánh giá, dự án Khu công nghiệp luyện kim hiện nay đang chậm tiến độ so với quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi chậm lấp đầy phần đất công nghiệp đã được đầu tư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Nguyên nhân chính được cho là do công tác giải phóng mặt bằng dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài và khu tái định cư chưa được đầu tư bài bản để có thể đáp ứng nhu cầu của các hộ dân bị ảnh hưởng.

Cùng với đó là Khu công nghiệp số 1 do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 67ha với tổng vốn đầu tư hơn 433 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện của dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ quý II/2018 - I/2019, chủ đầu tư thi công san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật với diện tích khoảng 33ha; Giai đoạn 2 từ quý II/2019 - IV/2020 thi công san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật phần diện tích còn lại. Nhưng đến nay, dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng và cho thuê đất với diện tích 33/67ha. Đối với việc thu hút đầu tư, hiện tại nhà đầu tư đã cho thuê lại đối với 5 dự án đầu tư thứ cấp với tổng diện tích khoảng 2,9ha.

Tại Khu công nghiệp số 3, dự án này có diện tích khoảng 247ha đất tự nhiên do Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ tháng 10/2016 với tổng vốn đầu tư là hơn 1.100 tỷ đồng và dự án được chia làm 3 giai đoạn. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cơ bản mới chỉ hoàn thành hồ sơ thủ tục của dự án. Tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng đạt khoảng 65/80ha (đạt 81,25%) của giai đoạn 1 và thuê đất hơn 12/80ha.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa, các dự án kể trên có tiến độ thực hiện rất chậm, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn. Nguyên nhân được cho là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đồng thời do chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện và không tập trung nguồn vốn để đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn đã có 05/08 khu công nghiệp đã thu hút nhà đầu tư hạ tầng. Lũy kế đến nay, có 340 dự án khu công nghiệp đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 21.149 tỷ đồng và 44 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 734 triệu USD, vốn thực hiện đạt 9.839 tỷ VNÐ/21.149 tỷ VNÐ và 486,2 triệu USD/734,19 triệu USD, đồng thời đã có hơn 300 dự án đi vào hoạt động ổn định.

Cụ thể, có thể kể đến một số khu công nghiệp đang chậm trong việc phát triển dự án, điển hình như, thứ nhất, khu công nghiệp Lễ Môn. Đây là khu công nghiệp được hình thành đầu tiên tại TP. Thanh Hóa, tổng diện tích là 87,61ha, trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê là 61,85ha. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khu công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng chưa thực sự quan tâm đến việc tu bổ, bảo dưỡng các hạng mục công trình kỹ thuật, dẫn đến hệ thống hạ tầng tại Khu công nghiệp Lễ Môn đã xuống cấp trầm trọng.

Thứ hai là Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, được sáp nhập theo Quyết định số 913/QÐ-UBND ngày 21/3/2013 trên cơ sở sáp nhập Khu công nghiệp Đình Hương và Khu công nghiệp Tây Bắc Ga gồm có giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với tính chất là khu công nghiệp tập trung đa ngành nghề quy mô vừa và nhỏ. Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga có 3 khu vực: Khu công nghiệp Đình Hương có tổng diện tích gần 29ha; Khu công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 1 gần 122ha; Khu công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2 với diện tích là gần 50ha. Tổng diện tích Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 200ha.

Tại khu công nghiệp này, đối với Khu công nghiệp Đình Hương do không có chủ đầu tư hạ tầng nên hệ thống các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Còn tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 1 được đầu tư hạ tầng theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng với Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh. Đến nay, hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 1 mới được đầu tư hoàn thành khoảng 80% khối lượng dự án đã được phê duyệt.

Thứ ba, Khu công nghiệp Hoàng Long, đây là dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận chủ trương vào tháng 6/2015. Đến nay, nhà đầu tư chưa triển khai xây dựng và đã đề xuất dừng dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Thứ tư, Khu công nghiệp Bỉm Sơn - khu công nghiệp này có tổng diện tích hơn 524ha, được phân thành 2 khu. Cụ thể, khu A của khu công nghiệp với diện tích khoảng 308ha, trong đó thì Bắc khu A có diện tích khoảng 163ha và Nam khu A diện tích khoảng 145ha; Khu B với diện tích khoảng 216,29ha. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Bỉm Sơn được đầu tư bởi 3 nhà đầu tư hạ tầng. Trong đó, Bắc khu A do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển VID Thanh Hóa làm chủ đầu tư hạ tầng; Nam khu A do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Phục Hưng làm chủ đầu tư. Các nhà đầu tư đã triển khai đầu tư hạ tầng được khoảng 70% khối lượng công việc. Tại Khu B do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng HUD4 làm chủ đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư này mới chỉ thực hiện được khoảng 75% khối lượng công việc.

Cuối cùng là Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, đây là dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng khu công nghiệp do liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 02/2022.

Dự án gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 của dự án đến hết ngày 15/01/2023, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng và khởi công xây dựng hoàn thiện hạ tầng cụm số 01 với diện tích 121ha. Giai đoạn 2 đến hết ngày 31/12/2023, chủ đầu tư sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp với diện tích 202ha. Giai đoạn 3 của dự án đến hết ngày 31/12/2024, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp còn lại với diện tích 214ha và xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 2 (hoàn thành dự án 100%).

Đến thời điểm hiện tại, dự án này đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ thủ tục, thực hiện giải phóng mặt bằng thuộc giai đoạn 1 với tổng diện tích khoảng 98ha và chủ đầu tư đang làm các thủ tục thuê đất. Tuy nhiên, dự án này vẫn bị đánh giá là chậm tiến độ theo quy định, nguyên nhân chính do chủ đầu tư có thời điểm chưa tập trung để triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục; đồng thời chưa bố trí kinh phí để thực hiện nên hồ sơ dự án phải điều chỉnh nhiều lần và quá trình giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

Ngoài ra, tại Thanh Hóa còn một số khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Bãi Trành, Khu công nghiệp Thạch Quảng, Khu công nghiệp Ngọc Lặc đã kêu gọi nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư.

Trước tình trạng trên, và để sớm hoàn thành các mục tiêu tại Quyết định số 621-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về việc ban hành Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 2025. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số chủ trương cụ thể như: Quan tâm chỉ đạo trong quá trình thực hiện Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các Khu công nghiệ trong Khu kinh tế Nghi Sơn để tạo quỹ đất sạch sẵn sang đón các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, thực hiện dự án, đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng các khu tái định cư, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và thực hiện chính sách thu hút đầu tư cho giai đoạn 2022 – 2025. Tiếp tuc chọn cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thân phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các sở, ban, ngành, đơn vị để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Tác giả: Lê Doãn Tài

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok