Khảo sát của VnExpress tại các cửa hàng của Khaisilk ở TP HCM cho thấy, toàn bộ bảng hiệu, cũng như sản phẩm đã không còn. Mặt bằng mà thương hiệu trước đây thuê tại 101 Đồng Khởi (quận 1) đang treo bảng cho thuê.
Người dân xung quanh cho biết, cửa hàng này đã đóng cửa hơn nửa tháng nay và mặt bằng đã trao trả cho chủ cũ. Chủ sở hữu treo bảng thuê đã lâu, nhưng nay mới thấy có khách rục rịch đến hỏi thăm.
Còn tại cửa hàng số 34 Võ Văn Tần quận 3, bảo vệ tại đây cho biết, 10/11 - 10/12 vẫn có nhân viên đến nhận đổi hàng cho khách nhưng tới nay thì không còn ai tại cửa hàng. Toàn bộ mặt bằng đã bị niêm phong và trả lại.
Cửa hàng Khaisilk trước đây tại 101 Đồng Khởi đang treo biển cho thuê. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trong khi đó, tại Hà Nội, hai cửa hàng của Khaisilk ở 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) và 26 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) cũng thông báo đóng cửa từ cuối tháng 10 - thời điểm cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của đơn vị này. Ngày 16/12, cửa hàng ở địa chỉ 26 Nguyễn Thái Học, hai tầng đóng kín cửa, biển hiệu đã bị tháo. Một môi giới bất động sản cho hay, chủ cửa hàng đang tìm khách thuê. Tuy nhiên, anh này không tiết lộ ai là chủ sở hữu của lô đất.
Cửa hàng thứ hai của của Khaisilk ở Hà Nội nằm ở số 113 Hàng Gai hầu như không hoạt động từ cuối tháng 10.
"Khoảng tuần đầu mới đóng cửa, thỉnh thoảng có thấy người ra vào. Tuy nhiên, một tháng nay thì rất ít khi có người đến cửa hàng", một người sinh sống ở gần cửa hàng cho hay.
Chị Tính, một khách hàng từng mua một số mặt hàng tại đây cho biết, hồi đầu tháng 11 chị cũng có liên hệ với cửa hàng để đến đây đổi khăn. Tuy nhiên, đại diện cửa hàng cho hay, chỉ những khách hàng còn giữ hóa đơn mới được thực hiện việc đổi trả.
"Do không giữ hóa đơn nên tôi không được nhân viên cửa hàng đổi trả sản phẩm đã mua với giá gần một triệu đồng mỗi chiếc", chị Tính nói.
Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, Hà Nội đóng cửa từ cuối tháng 10. Ảnh: TL. |
Mới đây, kết quả kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk, cho thấy không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.
Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - thành viên đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, 7/10 mẫu sản phẩm của Khaisilk có kết quả kiểm tra khác với các thông tin công bố về thành phần. Theo đó, có 6 sản phẩm được công bố là "100% silk" nhưng thực tế là "100% polyester" hoặc có "vải nền là polyamide" và "hoa văn là polyester/rayon". Ngoài ra, có một sản phẩm được công bố là "100 pashmina" nhưng thực tế là "49,9% rayon, 35,3% acrylic và 14,8% là wool".
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong vòng 3 năm (2006 - 2009), Khải Đức có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, từ 2009 đến ngày 15/10/2017 công ty không còn nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.
Thay vào đó, doanh nghiệp này chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm hình sự. Bộ này đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Tác giả: Nhóm Phóng viên
Nguồn tin: Báo VnExpress