Với sự chủ động, linh hoạt trong từng cách làm, Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh đi đầu của cả nước về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, Thanh Hóa đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố sau khi thực hiện.
Việc sắp xếp này, không chỉ giúp cho tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn tiết kiệm chi ngân sách.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, nhiều công trình dư thừa hiện đang bỏ không, gây lãng phí. Giải quyết công trình này thế nào là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Tại huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa, sau khi thị trấn Quan Sơn và xã Sơn Lư sáp nhập, trụ sở làm việc được thống nhất chuyển về UBND xã Sơn Lư. Điều này đồng nghĩa với việc, UBND thị trấn Quan Sơn trở thành công trình dôi dư sau sáp nhập.
Sau nhiều năm bỏ hoang không đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, rác vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.
Mặc dù UBND huyện Quan Sơn đã kiến nghị bàn giao công trình về địa phương quản lý, thế nhưng tới nay công trình này vẫn đang đóng cửa, gài then, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Cách công trình UBND thị trấn Quan Sơn không xa, công trình Trạm y tế thị trấn Sơn Lư sau khi sáp nhập cũng trong tình trạng sập sệ, xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng do nhiều năm bị bỏ hoang. Do quỹ đất của địa phương hạn hẹp, nên đa số người dân đều mong muốn các cấp chính quyền hoàn tất các thủ tục sớm bàn giao và chuyển đổi các công trình về cho địa phương quản lý để sửa sang thành công trình phúc lợi phục vụ cho bà con nhân dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Ông Hà Văn Chúc, khu phố 3, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn chia sẻ, từ khi thị trấn Quan Sơn và xã Sơn Lư sáp nhập đơn vị hành chính, trên địa bàn thị trấn có một số công trình bị bỏ hoang. Sau nhiều năm không sử dụng, các công trình đều trong tình trạng xuống cấp. Người dân cũng đã có ý kiến nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đề nghị được bàn giao về địa phương quản lý để cải tạo thành nhà văn hóa phục vụ cộng đồng để tránh lãng phí tài sản của Nhà nước.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, Thanh Hóa cho biết, sau khi thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê huyện Quan Sơn có 40 cơ sở nhà đất dôi dư. Huyện đã tái sử dụng 18 cơ sở, còn lại 22 cơ sở đến nay vẫn chưa được chuyển đổi… Địa phương đã có văn bản trình UBND tỉnh, Sở Tài chính sắp xếp tài sản, nhà đất tránh lãng phí cho nhà nước. Huyện đã đề nghị 22 cơ sở này bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng để tăng nguồn thu. Còn lại 18 cơ sở huyện đã có phương án sắp xếp theo quy định trình UBND tỉnh vào quý I/2024...
Tại huyện Quảng Xương, sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, toàn huyện có 18 cơ sở nhà đất dôi dư. Các công trình này đa phần còn nguyên giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và đang còn khả năng sửa chữa cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương các công trình đang còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng. Đơn cử tại xã Quảng Phúc, năm 2018, đơn vị này được đầu tư trụ sở UBND xã gồm nhà làm việc 2 tầng diện tích sàn khoảng 585m2 trên tổng diện tích đất hơn 3.000m2 với số tiền đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 4,3 tỷ đồng, phần còn lại UBND xã Quảng Phúc chịu trách nhiệm bố trí ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác).
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Quyết định số 1649/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, năm 2019, huyện Quảng Xương có 7 xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp thành 3 xã, thị trấn. Trong số đó, sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc. Kể từ khi sáp nhập, công sở cũ của xã Quảng Phúc và công trình nhà làm việc 2 tầng, khu hội trường xã Quảng Phúc mới vừa xây dựng phải bỏ hoang cho đến nay.
Theo thống kê, thời điểm năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.200 cơ sở nhà đất dôi dư, nhưng đến nay đã sắp xếp xử lý được 411 cơ sở, còn lại 789 cơ sở. Hiện một số địa phương gửi báo cáo về Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh sang bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hình thức thu hồi để thanh lý tài sản để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư, các công trình công cộng… Tuy nhiên, việc tham mưu, xử lý các tài sản này còn lúng túng, bất cập do vướng giữa quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Đất đai năm 2013. Ngoài ra, các nghị định, thông tư có liên quan và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp bộ chuyên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) còn chưa thống nhất.
Theo ông Lê Duy Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công sản - Giá cả, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, Sở Tài chính cũng đã có đề nghị UBND xã các huyện, thị xã, thành phố rà soát, sắp xếp đưa tài sản công vào sử dụng, hạn chế việc đề xuất bán, thu hồi để thực hiện dự án khác tránh gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước. Trong trường hợp xác định tài sản công thực sự dôi dư mới thực hiện bán và người đứng đầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu hoàn toàn trách nhiệm về đề xuất xử lý tài sản dôi dư nếu đang còn nhu cầu sử dụng…./.
Tác giả: Khiếu Tư- Nguyễn Nam
Nguồn tin: bnews.vn