Xã hội

Nhiều cán bộ vay nợ, trốn việc: Tất cả do...

Tâm lý ham giàu, thích sống xa hoa, hưởng thụ khiến nhiều cán bộ bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc, lợi ích, vi phạm đạo đức, lối sống.

Từ vay nợ tới chuyện quan hệ bất chính

ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, những cán bộ, công chức sở, ngành địa phương bỗng nhiên biệt tăm do dính nghi án vay tiền, trốn nợ, bỏ việc là do sống lệch chuẩn, thiếu bản lĩnh, đạo đức công vụ.

Bị đòi nợ, nhiều cán bộ ở Gia Lai bỏ trốn khỏi nơi cứ trú, nhiều ngày không đến nhiệm sở làm việc. Tỉnh ủy Gia Lai đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh. Ảnh: NLD

Ông Giang cho biết, không chỉ cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành trực tiếp đứng ra vay tiền, huy động vốn mà còn có trường hợp vợ, con, anh, chị em cũng lợi dụng danh nghĩa người nhà, người thân của cán bộ, công chức, viên chức đứng ra vay tiền, huy động vốn từ người dân, đồng nghiệp trái quy định.

Tức là từ trong nhận thức, nhiều người xuất phát từ lòng tham, từ ham muốn được làm giàu nhanh, kiếm tiền nhiều mà đứng ra huy động vốn trái phép hoặc bật đèn xanh cho người thân, ruột thịt ra mặt huy động vốn.

Hành vi trên không phải do lương thấp, đời sống cán bộ, công chức, viên chức quá khó khăn mà nguyên nhân chính là do bản tính tham lam, thích hưởng thụ dẫn tới những hành xử lệch lạc trong lối sống.

Từ đạo đức, lối sống bị lệch chuẩn nên có nhiều cán bộ, công chức đã bị biến chất, suy thoái, có những hành vi, việc làm sai trái.

Từ chỗ vay nợ, huy động vốn trái phép để làm giàu, để hưởng cuộc sống xa hoa, giàu có, để thỏa mãn thói ăn chơi, bài bạc thì còn có tình trạng tham tiền, muốn làm giàu để chiều chuộng, nuôi bồ, quan hệ bất chính với nhân viên, cấp dưới, làm những việc trái với lương tâm đạo đức, bị dư luận xã hội lên án.

Vì thế, có những cán bộ Sở Xây dựng dính đường dây vỡ nợ trăm tỉ hay Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH bị bắt sau khi trốn nợ... cho tới chuyện Chánh án ở Quảng Bình quan hệ bất chính với nữ kế toán tại phòng làm việc, và nhóm cán bộ một xã ở Thanh Hóa đánh bài ăn tiền ngay tại trụ sở ủy ban dù sai trái nhưng cũng là điều dễ hiểu.

Với những cán bộ đã vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm những điều đảng viên không được làm thì cần kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả phải loại khỏi bộ máy công quyền.

Kể cả với trường hợp để vợ, con, anh chị em người thân lợi dụng danh nghĩa của mình để đứng ra huy động vốn trái phép cũng cần phải bị xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc.

Theo ông Giang, ở đây ngoài việc xem xét trách nhiệm với các cá nhân cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật thì còn phải xem xét thêm cả trách nhiệm của các cấp ủy nơi có cán bộ, công chức này công tác.

Rõ ràng đã có chuyện buông lỏng quản lý nên mới để xảy ra tình trạng ỷ mình là cán bộ, là công chức nên muốn làm gì thì làm, gây ảnh hưởng đến uy tín, công việc của đơn vị, tổ chức và cả những cán bộ, công chức tốt.

Cán bộ phải có liêm sỉ

Cũng bàn về việc này, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) nhấn mạnh quan điểm cán bộ, công chức phải giữ, phải có được liêm sỉ. Có liêm sỉ mới tránh được những việc làm sai trái, vi phạm đạo đức, mới tránh được tham lam, đố kỵ, ganh ghét, chèn ép người khác...

Đồng ý với quan điểm để lựa chọn được cán bộ tốt phải phụ thuộc vào cơ chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ, tuy nhiên, vị đại biểu cũng cho rằng, có nhiều cán bộ khi mới tuyển dụng, lựa chọn đều là những người có tâm sáng, lòng trong, có tư chất đạo đức tốt nhưng sau khi có chức vụ, quyền hạn trong tay thì cũng nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy của lợi ích và vật chất.

Do đó, theo ông Bình, muốn có được đội ngũ cán bộ tốt, có đức, có tài thì ngoài việc phải xử lý nghiêm còn cần phải xây dựng một cơ chế làm việc dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng cho rằng có lỗi từ phía cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.

"Ví dụ như các vụ huy động vốn, vay tiền là những vụ việc diễn ra trong cả một quá trình dài, cũng có những tác động tiêu cực nhất định, người dân ai cũng biết mà cán bộ quản lý lại nói không biết thì không ai tin được.

Phải đợi tới khi sự việc vỡ lở, dư luận bức xúc tố cáo, cán bộ trốn việc, trốn nợ rồi mới chạy theo xử lý là thụ động, chưa làm tốt công tác quản lý cán bộ, công chức thuộc đơn vị mình quản lý.

Do đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức thì cần tăng tiếp cận các nguồn tin, đặc biệt là các nguồn tin từ dư luận, quần chúng để hiểu rõ hơn, sâu sát hơn tới đời sống, lối sống, đạo đức của cán bộ, công chức, qua đó có những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái", ông Bình nói.

Vị đại biểu đoàn An Giang nhấn mạnh, vai trò của quần chúng là rất quan trọng trong giám sát, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, thời gian qua nguồn tin từ dư luận còn chưa được quan tâm, ghi nhận đúng mức, gây mất lòng tin với nhân dân.

Theo ông Bình, từ công tác tổ chức cán bộ cho tới công tác phòng chống tham nhũng, dư luận chính là một kênh thông tin hữu hiệu giúp cơ quan, đoàn thể, tổ chức có được những nhìn nhận, đánh giá đúng đắn đối với một cán bộ, công chức trước khi đưa ra quyết định nào đó.

Ví dụ như vụ tố cáo gian lận thi cử quốc gia hay những vụ việc tham ô, tham nhũng, cán bộ chăm nuôi bồ nhí... hầu hết đều xuất phát từ nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp.

"Phải làm sao ngày càng phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của nguồn tin từ dư luận, nếu để dư luận nản lòng, không còn muốn phản ánh, muốn cung cấp thông tin nữa thì công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh còn phải gặp rất nhiều khó khăn, khó đạt được mục đích", ông Bình nói.

Tác giả: Lam Lam

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok