Trong tỉnh

Nhiều bất thường trong kỳ thi viên chức ở huyện Thường Xuân

Tổ chức thi viên chức cấp huyện nhưng khi công bố điểm thi lại có sự chênh lệch qua mỗi lần thông báo. Trong kỳ thi có nhiều người thân của lãnh đạo huyện Thường Xuân có tên trong danh sách được nâng điểm để trúng tuyển vào kỳ thi. Thậm chí có thí sinh không đủ điều kiện dự thi vẫn có tên trong danh sách dự thi và có số điểm đạt viên chức ngành Giáo dục đợt 2, năm 2018 tại huyện Thường Xuân.

Nhiều bất thường khi công bố điểm thi viên chức

Được biết, ngày 31/5/2018, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã ký Quyết định số 859 thành lập Hội đồng Xét tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục huyện, do chính ông là Chủ tịch Hội đồng thi. Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng tiêu chí xét tuyển và làm việc công khai, dân chủ, công bằng, đúng quy định của pháp luật về thi tuyển viên chức.

Tiếp đó vào ngày 26/7/2018, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân có Thông báo số 13/TB-HĐXT về kết quả điểm phỏng vấn, xét tuyển của 387 thí sinh tham gia đợt phỏng vấn xét tuyển viên chức đợt 2 năm 2018 của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đang trao đổi với PV về những bất thường của kỳ thi viên chức cấp huyện.

Đến ngày 1/8/2018, ông Cầm Bá Xuân tiếp tục ký Thông báo số 14/TB-HĐXT về việc công bố kết quả xét tuyển viên chức ngành Giáo dục mầm non đợt 2/ 2018, nhưng tại Thông báo này lại có những điểm bất thường xảy ra trong danh sách các thí sinh đã công bố là bị trượt trước đó.

Qua điều tra của PV được biết, thí sinh Cầm Thị Dương, có số báo danh 51, sinh ngày 25/3/1995, nơi thường trú xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, là cháu lãnh đạo huyện, có số điểm phỏng vấn theo thông báo ngày 26/7/2018 là 109 điểm (đã nhân hệ số 2), nhưng theo thông báo danh sách kết quả xét tuyển ngày 1/8/2018, thì người này được nâng lên thành 149 điểm. Trong đó, điểm quy đổi cũng lệch từ 156 điểm lên 158 điểm và đã lọt vào danh sách những người đủ điểm trở thành viên chức của huyện Thường Xuân.

Danh sách điểm các thi sinh trúng tuyển có nhiều điều bất thường cần được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tiến hành điều tra làm rõ.

Tiếp đến là trường hợp Lê Thị Lành, số báo danh 178, nơi thường trú xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, điểm phỏng vấn thông báo ngày 26/7/2018 là 108 điểm (đã nhân hệ số 2), thế nhưng, thông báo danh sách kết quả xét tuyển ngày 1/8/2018, thí sinh Lành được nâng lên là 148 điểm và cũng lọt vào tốp những người trúng tuyển viên chức.

Và thí sinh Lê Thị Thu, số báo danh 324, sinh ngày 23/4/1991, trú xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, điểm phỏng vấn thông báo ngày 26/7/2018 là 110 điểm (đã nhân hệ số 2), thế nhưng trong thông báo danh sách kết quả xét tuyển ngày 1/8/2018 lại được thay đổi là 150 điểm và đạt điểm lọt vào danh sách những người đậu điểm vào viên chức.

Cũng tương tự đối với thí sinh Hà Thị Thảo có số báo danh là 302, có số điểm quy đổi lệch từ 145 ở thông báo lần 1, lên 148 ở thông báo lần 3 và kết quả là đạt.

Danh sách điểm bất thường được các thí sinh tham dự kỳ thi này lan truyền trên mạng xã hội sau đó đã nhanh chóng được rút khỏi mạng xã hội một cách bí ẩn.

Các trường hợp bất thường không đạt là: Lang Thị Tý số báo danh 378, trú tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, thí sinh Tý đã bị hạ điểm quy đổi từ 106 điểm xuống còn 104 điểm và không đạt vào viên chức cấp huyện.

Trường hợp thí sinh Trần Thị Thu Hiền, sinh năm 1992, trú ở thị trấn Thường Xuân, thí sinh này là thủ khoa trường Đại Học Huế, với tổng điểm qua bằng cấp, chứng chỉ thì em đều đạt nhưng khi vào vòng thi phỏng vấn Hiền cũng trả lời đúng câu hỏi của phần thi phỏng vấn, theo như thang điểm thì em phải đạt (tức là sẽ đạt thang điểm 20 điểm, nhân hệ số 2 là 40 điểm) nhưng cũng do phần câu hỏi phỏng vấn là phần thi không minh bạch nên đã khiển thí sinh Hiền đã không đạt vào viên chức cấp huyện, thí sinh Hiền cho biết.

Trước về vấn đề này, trao đổi với PV báo Thương hiệu và Pháp luật, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, việc có nhiều người thân là người nhà của lãnh đạo, cán bộ huyện tham gia xét tuyển viên chức là rất bình thường. Cứ là con cháu lãnh đạo lại phải thất nghiệp cả sao? là con cháu thì họ cũng có quyền tham gia xét tuyển, nếu nó có năng lực thì trúng tuyển là bình thường. Đúng tại kỳ thi này có cả cháu nhà tôi tham gia xét tuyển, ông Xuân cho biết.

Khi xét tuyển có Hội đồng, Tổ kiểm tra sát hạch, nếu đạt điểm, đủ điều kiện thì đương nhiên người ta người ta trở thành viên chức là bình thường. Chứ chúng ta không được nói cứ con lãnh đạo là không được bổ nhiệm, vào chỗ này, chỗ kia là sai hay sao. Ông Xuân gay gắt cho biết về các trường hợp được cho là con cháu lãnh đạo huyện “nghiễm nhiên” có tên trong danh sách đậu.

Khi PV đặt câu hỏi về việc ông là Chủ tịch Hội đồng thi, và khi tổ chức thi huyện Thường Xuân đã đưa các Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường tham gia phỏng vấn các thí sinh thì có khách quan không? ông Xuân trả lời, việc đó là hoàn toàn khách quan, chúng tôi làm theo quy định rất nghiêm túc. Do là huyện còn nghèo, nên chúng không có tiền thuê giáo viên ở các tỉnh ngoài về tổ chức thi, việc thông tin phản ánh đến các anh là có chuyện này nọ trong việc tuyển viên chức lần này thì tôi khẳng định là không có. Nếu có, tôi là Chủ tịch huyện cũng là Chủ tịch Hội đồng xét tuyển tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, ông Xuân quả quyết nói.

Trong khi đó, qua điều tra của PV được biết, mỗi thí sinh tham gia kỳ thi này phải nộp 400 nghìn đồng lệ phí thi. Vậy mà ông Xuân lại cho rằng vì là huyện còn nghèo, nên không có tiền thuê giáo viên ở các tỉnh ngoài về tổ chức thi?!

Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng GD huyện Thường Xuân thừa nhận có sự nhầm lẫn khi công bố danh sách trúng tuyển tại buổi trao đổi với PV báo chí.

Cũng liên quan đến việc điểm số của các thí sinh có nhiều điều bất thường trên, xác nhận với PV, ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân cho biết, hiện có các trường hợp có sự chênh lệch về điểm phỏng vấn. Nhưng sự sai sót này là được xác định do lỗi nhầm lẫn khi nhập máy tính, lỗi chủ quan của bộ phận ghi soát điểm.

Tuy nhiên, trước đó tại các bản danh sách thông báo này được người dân địa phương tìm hiểu, chụp lại và rà soát tên, số báo danh, số điểm từng người, sau đó đưa lên mạng xã hội đặt dấu hỏi và đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ lý do vì sao lại có sự chênh lệch về điểm số ở mỗi lần công bố điểm thi.

Theo một số thí sinh tham gia kỳ xét tuyển viên chức lần này cho biết, do điểm phỏng vấn là nhân hệ số 2 nên chỉ cần nâng một cơ số điểm nhất định thì người trượt sẽ trở thành người đậu viên chức, còn người đậu đương nhiên sẽ thành người trượt viên chức. Điều này là quá bất công với chúng tôi. Trong khi đó, có cả trường hợp không có tên trong danh sách đủ điều kiện dự thi xong lại có tên trong danh sách trúng tuyển của kỳ thi, thí sinh này cho biết?!.

Đối với các trường hợp có sai sót này, không thể đỗ lỗi cho là nhập máy, đánh văn bản được. Bởi vì trước đó Thông báo ngày 26/7/2018, đã đánh máy rất rõ ràng, rành mạch số điểm của từng thí sinh và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện.

Nếu có sai sót thì Hội đồng thi phải có văn bản thông báo đính chính công khai, minh bạch để các thí sinh tham gia kỳ thi được biết, tránh hiểu nhầm cho các thí sinh từ trước, chứ đằng này khi thông tin bị người dân phát hiện thì Hội đồng thi mới cho kiểm tra là không khách quan, trung thực, một thí sinh khác bức xúc cho biết.

Lộ danh sách con cháu lãnh đạo huyện đỗ viên chức!?

Ngoài việc có sự chênh lệch về điểm phỏng vấn, theo các thí sinh tham gia dự kỳ thi xét tuyển viên chức trên địa bàn huyện Thường Xuân, việc Hội đồng thi chọn các Hiệu trưởng, Hiệu phó ở các trường cấp I, cấp II trên địa bàn tham gia Hội đồng thi phỏng vấn nên được cho là thiếu khách quan, khi tổ chức thi phỏng vấn nhưng không có camera ghi lại hình ảnh của buổi thi, bài thi không phải viết ra giấy nên khó có thể đánh giá ai đạt hay không đạt, mà đó chỉ là đánh giá theo cảm quan, thích là cho đạt, một thí sinh bức xúc cho biết.

Phòng GD huyện Thường Xuân, nơi đang xảy ra nhiều bất thường trong kỳ thi viên chức cấp huyện.

Không chỉ có vậy, những thầy cô giáo là người địa phương ít nhiều từng dạy các thí sinh nên khi thi phỏng vấn xét tuyển sẽ có những ưu ái nhất định cho những trường hợp thân quen và là con cháu lãnh đạo huyện. Và trong quy chế, đối với thi phỏng vấn có 1 câu hỏi vấn đáp trực tiếp của giáo viên đối với thí sinh thang 20 điểm (nhân hệ số là 40 điểm) nên dễ có tiêu cực xảy ra, nhất là những trường hợp quen biết từ trước đó.

Cũng theo phản ánh của các thí sinh, khi những thí sinh đối chiếu với bảng thông báo danh sách kết quả xét tuyển viên chức năm 2018 của huyện Thường Xuân, qua xem kết quả thông báo mọi người rất bất ngờ về điểm thi của một số thí sinh là người nhà cán bộ huyện có điểm rất cao và đạt trong kỳ thi xét tuyển viên chức này, dù trước đó có nhiều trường hợp có số điểm thấp nhưng lại được nâng lên một cách bất thường như đã nêu ở trên.

Qua điều tra của PV, danh sách các trường hợp là con cháu lãnh đạo huyện Thường Xuân đậu gồm có: Cầm Thị Dương, Nguyễn Thị Hiền, Cầm Thị Thúy, Lang Thị Panh, Lê Thị Khánh, Lê Thị Thanh Quế, Cầm Thị Dung, Lê Chi Trái, Đỗ Thị Quyên, Nguyễn Thị Hiệp, Cầm Thị Thúy… là người nhà của Chủ tịch UBND huyện Cầm Bá Xuân cùng lãnh đạo Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện, Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo... huyện Thường Xuân.

Trước việc có nhiều danh sách công bố số điểm lệnh nhau và nhiều thí sinh được cho là người thân lãnh đạo huyện Thường Xuân, đã được Hội đồng thi nâng điểm tạo điều kiện cho lọt vào viên chức cấp huyện thì đây quả là một kỳ thi có quá nhiều bất thường cùng với việc thí sinh không có tên trong danh sách đủ điều kiện dự thi, nhưng lại có kết quả đạt là điều không thể chấp nhận được ở kỳ thi này.

Đề nghị với các ban ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc xác minh, làm rõ đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách trúng tuyển của ngành Giáo dục huyện Thường Xuân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.

Tác giả: Duy Duẩn

Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Pháp luật

  Từ khóa: Thường Xuân , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok