Theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu ô tô đơn lẻ với mục đích thương mại là bất khả thi, do lĩnh vực ô tô nhập khẩu là ngành kinh doanh có điều kiện đi kèm với các quy định rất chặt chẽ. Vì thế tổ chức hoặc cá nhân không thể nhập xe hơi về như hàng hóa thông thường.
Cụ thể, 2 điều kiện quan trọng nhất để được nhập khẩu ô tô được quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Theo đó, để được nhập khẩu ô tô, đơn vị, doanh nghiệp phải đáp các quy định về cơ sở bảo hành bảo dưỡng. Bên cạnh đó, đơn vị nhập khẩu phải được ủy quyền của nhà sản xuất gốc (OEM) thực hiện lệnh triệu hồi ô tô ở Việt Nam.
Đây là các điều kiện kỹ thuật mà theo đánh giá, chỉ có các nhà sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô chính hãng mới thực hiện được.
Một chiếc Mercedes G63 màu China Blue được nhập về Việt Nam năm 2021 |
Theo một chủ showroom ô tô chuyên kinh doanh, ký gửi xe ô tô cũ tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), các quy định như trên khiến xe sang, nhất là các phiên bản hiếm muốn về Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là núp bóng quà biếu tặng.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, xe nhập khẩu theo diện quà biếu tặng là một nội dung có trong quy định hiện hành. Cụ thể khoản 3 Điều 3 Thông tư số 143/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Đối tượng nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong 1 (một) năm, mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu 1 xe ô tô và 1 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng”.
Tuy nhiên theo một số nguồn thông tin cho thấy, năm 2019 cả nước có khoảng 500 ô tô biếu, tặng nhập về Việt Nam. Năm 2020 khoảng 300 xe được nhập theo diện này. Riêng năm 2021 dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các đối tác nước ngoài “hào phóng” tặng các doanh nghiệp Việt Nam gần 1.000 ô tô, chủ yếu là xe sang hoặc siêu sang, thậm chí có cả mẫu xe là phiên bản độc nhất vô nhị.
Dòng xe Mercedes G63 được bán tại Việt Nam có giá niêm yết từ 11 - 17 tỷ đồng, tùy phiên bản và trang bị |
Vấn đề dư luận đặt ra, xe được biếu tặng vẫn phải nộp đủ các loại thuế, vậy các đơn vị nhập xe tìm cách lách luật để nhằm mục đích gì?
Ông N.V. N, người từng nhập một siêu xe diện quà tặng từ Hàn Quốc, cho biết: “Tại Việt Nam, nhà sản xuất hoặc đơn vị phân phối chính hãng khi bán xe đều phải hạch toán thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí bảo hành - triệu hồi. Bởi thế, nếu nhập về theo đường chính ngạch và đóng thuế nhập khẩu xe CBU, những xe siêu sang như Mercedes G63 có thể đắt thêm 15 - 20%, tương đương khoản thuế TNDN phải nộp cộng với chi phí quản lý bảo hành triệu hồi.
Theo công thức tính: Giá niêm yết bán = Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt + Thuế GTGT + Thuế TNDN + Chi phí bảo hành triệu hồi; một chiếc xe Mercedes G63 đời 2022 bản tiêu chuẩn có giá niêm yết khoảng 160.000 USD (xấp xỉ 3,68 tỷ đồng), khi về Việt Nam bằng đường chính ngạch sẽ có giá niêm yết khoảng 12,5 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng là chiếc xe này, ngày 23/5/2022 một đại lý tư nhân ở Mỹ Đình (Hà Nội) niêm yết giá 10,95 tỷ đồng. Như vậy có thể nhìn thấy ngay giá xe nhập khẩu diện biếu tặng rẻ hơn so với nhập chính ngạch khoảng 1,55 tỷ đồng”.
Theo một số người am hiểu về nhập khẩu ô tô, một chiêu nữa nhằm gia tăng lợi nhuận của đơn vị nhập xe sang diện biếu tặng là khai giá tính thuế cực thấp so với trị giá thực. Thậm chí một chiếc xe sang khi khai giá tính thuế có khi chỉ vài trăm triệu đồng nhưng cơ quan hải quan xác định lại tăng lên vài tỷ đồng.
Chẳng hạn như các mẫu xe Mercedes GLS450, G63, GLS600... được các đơn vị nhập khẩu tư nhân khai mức giá chỉ từ 20.000 USD đến 30.000 USD/chiếc (460 triệu đến gần 700 triệu đồng) nhưng khi Hải quan cửa khẩu kiểm tra và xác định tăng lên từ 70.000 USD đến 135.000 USD/chiếc tùy theo model (1,6 tỷ đồng đến 3,1 tỷ đồng), mức chênh giá với khai báo của doanh nghiệp tăng từ 1,1 tỷ đồng đến 2,4 tỷ đồng/chiếc.
Với chiêu thức này, nếu một đơn vị nhập khẩu xe núp bóng biếu tặng thông quan trót lọt có thể trốn được thêm hàng tỷ đồng tiền thuế.
Cũng theo ông N., một điểm khó cho các nhà phân phối chính hãng, là muốn nhập xe sang phải có số lượng đơn hàng đủ lớn, kèm theo các quy định đặt cọc và giao hàng chi tiết theo từng quý, tóm lại quy trình như một nhà bán buôn giao kèo với nhà sản xuất; trong khi những chiếc xe giá trên chục tỷ đồng chỉ nhắm đến vài vị khách hàng nhiều tiền. Đây là lý do khiến xe sang tìm cách lách luật để về nước.
Tác giả: Lam Anh
Nguồn tin: xe.baogiaothong.vn