Kinh tế

Nhân viên ngân hàng nguy hiểm với tiền của bạn thế nào

Mã hóa mật khẩu, công nghệ sinh trắc học, xe bọc thép và két sắt dày là tất cả những gì ngân hàng đang bảo vệ tiền và thông tin cá nhân của bạn. Nhưng thi thoảng, mối đe dọa lại đến từ bên trong.

Trong một vụ án được xét xử năm ngoái tại Lynchburg (bang Virginia, Mỹ), giám đốc một quỹ tín dụng đã biển thủ tiền và lừa đảo chính quỹ này suốt 14 năm. Bà đã cấu kết với giao dịch viên trưởng cấp các khoản vay dưới tên các thành viên, chuyển tiền và viết séc với tài khoản thành viên. Họ che đậy những hành động này bằng cách thay đổi thông báo gửi định kỳ, hoặc thậm chí không gửi chúng. Tổng cộng, cả hai đã gây ra khoản thiệt hại 12 triệu USD và đang phải ngồi tù.

Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết những năm gần đây, nội gián là nguyên nhân gây ra hơn nửa số vụ lừa đảo và biển thủ tiền trong các tổ chức tài chính. Nhân viên ngân hàng là những người thường xuyên tiếp xúc và được tiếp cận rất nhiều tiền một cách dễ dàng. Vì thế, họ có khả năng mang lại rủi ro nếu gặp khó khăn tài chính, Doug Johnson - Chủ tịch cấp cao Hiệp hội Ngân hàng Mỹ cho biết. Với lương trung bình năm hơn 26.000 USD, gần một phần ba giao dịch viên tại Mỹ phải nhận trợ cấp theo cách này hay cách khác.

Các ngân hàng có thể ngăn chặn việc này thế nào?

Nhà băng thường kiểm tra lý lịch và lịch sử tín dụng của mỗi ứng viên, Johnson cho biết. Họ cũng có hệ thống riêng để ngăn chặn các hành vi này.

"Trong ngành, chúng tôi luôn chia sẻ thông tin với nhau mỗi khi nhân viên bị đuổi việc hoặc rời ngân hàng vì các hoạt động này. Chúng tôi có quyền làm thế, theo luật", ông cho biết.

Nhân viên ngân hàng là những người tiếp cận thông tin cá nhân của khách rất dễ. Ảnh: MW

Tuy nhiên, một cuộc điều tra của giới chức tư pháp New York gần đây cho thấy quy trình này tại một số nhà băng lớn ở New York vẫn có lỗ hổng. Một trong số đó là giao dịch viên có quyền tiếp cận không hạn chế với thông tin khách hàng, các ngân hàng không thực hiện kiểm tra nhân viên thường xuyên và thiếu chia sẻ thông tin liên quan đến các giao dịch viên đang bị nghi ngờ.

Những vụ trộm tiền nội bộ diễn ra thế nào?

Lỗ hổng trong hệ thống có thể giúp các giao dịch viên tiếp cận với thông tin cá nhân mật, như ngày sinh, số tài khoản, số bằng lái xe và số an sinh xã hội.

"Chúng tôi nhận thấy họ có xu hướng bán các thông tin đó cho những nhóm liên quan đến làm giả hồ sơ cá nhân, như bằng lái in ảnh của kẻ phạm tội chẳng hạn", Thomas Reitz - nhân viên FBI cấp cao tại quận Cam, California cho biết. Những nhóm này sẽ dùng các thông tin trên để tạo ra hồ sơ giả mạo cần thiết, nhằm đóng giả khách hàng đến rút tiền trực tiếp bằng chứng minh thư, hoặc qua thẻ ATM.

Năm ngoái, một người đàn ông ở New Rochelle, New York đã bị kết án lừa đảo vì lấy hơn 481.000 USD trong ngân hàng. Người này đã dùng nhân viên ngân hàng và nhiều người khác - được cho là vô gia cư và nghiện ma túy - đóng giả làm các chủ tài khoản, mang theo giấy phép lái xe giả và rút tiền.

Làm thế nào để tự bảo vệ tài khoản của mình?

Bạn không thể kiểm soát việc tuyển dụng của ngân hàng, nhưng có thể khiến tội phạm khó phát hiện thông tin cá nhân và tài chính của mình hơn. Hãy thay đổi thiết lập thông tin trên mạng xã hội. Vì tội phạm có thể lần theo đó để biết ngày sinh, tên vợ/chồng, con cái hoặc thậm chí là vật nuôi để đoán mật khẩu của bạn.

Các tài khoản có ít hoạt động cũng là mục tiêu dễ dàng của các nội gián, do thông tin liên lạc đã quá cũ. Hãy thường xuyên cập nhật thông tin của mình.

Phải làm gì nếu trở thành nạn nhân?

Nếu bạn tin mình là nạn nhân của những sự việc thế này, hãy báo cho ngân hàng và cảnh sát. Lưu lại tất cả giấy tờ liên quan, như séc, biên lai, thông báo của ngân hàng. Có thể chúng sẽ có ích.

Thời gian bạn lấy lại được số tiền đã mất còn tùy thuộc vào từng ngân hàng, lịch sử tín dụng và chính trường hợp của bạn. Và sau này, tránh cung cấp thông tin quá chi tiết nếu không cần thiết. Hầu hết nhân viên ngân hàng đáng tin, nhưng bạn sẽ không muốn liều lĩnh giao cả gia sản cho người khác đâu.a

Tác giả bài viết: Hà Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok