Trong nước

Nhân sự của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sau khi giải thể như thế nào?

Ngày 27/9, Bộ GTVT đã tổ chức lễ công bố các quyết định nhân sự lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam được chuyển đổi chức vụ sang Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

Như vậy, sau gần một tháng ngồi ghế Quyền Tổng cục trưởng thay ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt nam xin nghỉ hưu sớm, ông Nguyễn Xuân Cường lại có chức danh mới.

Bên cạnh đó, các Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Xuân Ảnh và Phan Thị Thu Hiền cũng được chuyển đổi chức vụ lãnh đạo sang Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

Các chức danh mới được bổ nhiệm sẽ bắt đầu có hiệu lực chính thức từ ngày 1/10 tới đây khi Cục Đường bộ Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Thông tin về phương hướng bố trí nhân sự của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sau khi đơn vị không còn tại Hội nghị giao ban quý 3/2022 của Bộ GTVT, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Cục Đường bộ Việt Nam, có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm.

Trong đó, 105 cán bộ được quyết định bổ nhiệm thuộc thẩm quyền của Cục trưởng.

Ông Cường cũng cho biết, sau rà soát, có 19 vị trí dôi dư. Thực hiện các quy định hiện hành, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trao quyết định cho lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam chiều 27/9.

Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam trên cơ sở tách ra từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo Nghị định số 56/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hàn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ; thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ cơ bản kế thừa nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với một số nhiệm vụ chủ yếu như: Chủ trì tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, đề án phát, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc);

Quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đảm bảo an toàn giao thông đường bộ (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).

Đối với hệ thống đường bộ cao tốc, ngoài những nhiệm vụ do Cục Đường cao tốc thực hiện, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ cao tốc đầu tư công từ ngân sách nhà nước, các tuyến đường cao tốc đầu tư theo các phương thức PPP (hợp tác công tư) khi được chuyển giao thành tài sản sở hữu toàn dân; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn khai thác đối với các tuyến đường bộ cao tốc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý;

Quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quản lý vận tải đường bộ; bảo vệ môi trường, hợp tác quốc tế, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ, cải cách hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

Đồng thời thực hiện thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, các cơ quan tham mưu của Cục Đường bộ Việt Nam được sắp xếp lại còn 7 phòng so với 9 Vụ như trước đây: Hợp nhất Vụ An toàn giao thông và Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ thành Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; hợp nhất Vụ Quản lý phương tiện, người lái và Vụ Vận tải thành Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái.

Đối với các đơn vị trực thuộc, Cục Quản lý xây dựng đường bộ sẽ được tổ chức lại thành Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Các Cục Quản lý đường bộ khu vực I, II, III, IV hiện nay được đổi thành các Khu quản lý đường bộ. Đây là cơ quan hành chính tương đương chi cục, kế thừa chức năng, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi quản lý trước đây của Cục Quản lý đường bộ khu vực.

Các Ban Quản lý dự án 3, 4, 5, 8, Cụm phà Vàm Cống, các Trung tâm Kỹ thuật đường bộ khu vực tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.

Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok