Giáo dục

Nhận ra bất hợp lý, Bộ GD&ĐT sẽ giảm điểm ưu tiên tuyển sinh đại học

Qua phân tích, thống kê phổ điểm thi, kết quả tuyển sinh, kết quả học tập của sinh viên sau một năm của 4 khu vực tuyển sinh của thí sinh, Bộ GD&ĐT đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng). Từ đó đưa ra hai căn cứ để giảm điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học bắt đầu thực hiện từ năm 2023.

Hiện nay, trong tuyển sinh, thí sinh được chia thành 4 khu vực tuyển sinh: khu vực 1 (thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực cao nhất 0,75 điểm); khu vực 2 (thí sinh được cộng 0,25 điểm); khu vực 2 nông thôn (thí sinh được cộng 0,5 điểm); khu vực 3 (thí sinh không được cộng điểm ưu tiên khu vực). Bên cạnh đó, thí sinh còn được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng. Trong đó, nhóm đối tượng 1 được cộng 2 điểm; nhóm ưu tiên 2 được cộng 1 điểm. Những thí sinh ở khu vực 1 phần lớn được cộng điểm ưu tiên thuộc nhóm đối tượng 1. Như vậy, những thí sinh này được cộng tối đa 2,75 điểm khi xét tuyển đại học (ĐH).

Theo Bộ GD&ĐT, từ dữ liệu thống kê cho thấy, đối với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT qua các năm (2020 - 2021), khi chưa cộng điểm ưu tiên, những thí sinh đạt điểm cao (khoảng từ 27 - 28 điểm trở lên), thí sinh khu vực 3 (thí sinh không được cộng điểm ưu tiên). Nhưng sau khi cộng điểm ưu tiên thì biểu đồ điểm lại có sự đảo ngược. Đối tượng được cộng điểm ưu tiên lại chiếm ưu thế, còn nhóm đối tượng thí sinh khu vực 3 lại trở thành thiểu số.

Đặc biệt, thí sinh ở khu vực 1 lại vượt trội hẳn lên so với các khu vực còn lại. Tuy số lượng thí sinh khu vực 1 không nhiều nhưng lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng điều này chưa hợp lý trong chính sách đảm bảo công bằng khi tuyển sinh. Vì qua phổ điểm cho thấy, khoảng cách giữa thí sinh khu vực 3 và khu vực 1 sau khi cộng điểm ưu tiên lên đến 0,5 điểm. Sự bất hợp lý này là nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra một số tình huống có tính cực đoan, kiểu như điểm chuẩn 30.

Giảm điểm cộng ưu tiên tuyến tính sẽ đảm bảo sự công bằng hơn cho thí sinh. Ảnh: Hoa Ban

Một dữ liệu khác mà Bộ GD&ĐT tham khảo để điều chỉnh quy định về mức điểm ưu tiên là phân tích kết quả của sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau 1 năm trúng tuyển. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, về nguyên tắc, sau 1 năm học, điều kiện học tập của các sinh viên là như nhau thì kết quả học tập sẽ được cân bằng trở lại. Sinh viên ở khu vực kém phát triển hơn, có điểm thi thấp hơn, thì sẽ vượt lên, đuổi kịp các sinh viên ở khu vực phát triển.

Nhưng trên thực tế, sau 1 năm những sinh viên điểm thi thấp (trong khi điểm xét tuyển cao hơn do được cộng điểm ưu tiên khu vực) thì vẫn có điểm học tập ở ĐH thấp hơn những sinh viên điểm thi cao hơn.

Với những thống kê này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết dự kiến là từ mức điểm giỏi (điểm thi), thì điểm ưu tiên của thí sinh sẽ điều chỉnh theo hướng giảm tuyến tính (Bộ dự kiến từ mức điểm 23,5 điểm/tổ hợp trở lên).

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok