Giáo dục

Nhận biết những tập san rởm đội lốt khoa học

Với những người nghiên cứu khoa học, việc tìm và chọn tạp chí khoa học chất lượng, có tính xác thực để thẩm định, đăng tải công trình của mình rất quan trọng bởi lẽ “thị trường” tạp chí khoa học quốc tế trắng - đen lẫn lộn, không ít tập san rởm đang làm "vẩn đục" khoa học.

Công bố nghiên cứu trên tạp chí quốc tế là yêu cầu số 1 đối với các nhà khoa học trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Các bài báo/công trình khoa học để được công nhận phải công bố trên các tạp chí khoa học có hệ thống bình duyệt (peer reviewed) nghiêm túc. Vì lẽ đó, tạp chí khoa học có uy tín càng cao, hệ thống bình duyệt càng khó khăn, gắt gao. Có thể nói, hệ thống tạp chí khoa học quốc tế vô cùng phong phú, đa dạng cho mỗi lĩnh vực, với chất lượng khác nhau. Vẫn rất nhiều tạp chí giả, chất lượng thấp nhập nhèm đột lốt khoa học chính thống để kiếm tiền.

“Nhà xuất bản” chỉ có … 1 người

GS. Nguyễn Văn Tuấn (giáo sư người Việt tại ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney, Úc) lưu ý có vài nhóm tiêu chí giúp nhận dạng tập san rởm như: đặc điểm nhà xuất bản, ban biên tập, và các khía cạnh "linh tinh" khác.

Thứ nhất, tập san rởm thường được xuất bản bởi những "nhà xuất bản" đáng ngờ, như chẳng có danh tiếng, không nằm trong hiệp hội xuất bản nào, không có địa chỉ đất (đường phố và thành phố rõ ràng) mà chỉ là trực tuyến, và thường có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng toàn công bố bài ở các nước đang phát triển. Thật ra, nói "nhà xuất bản" là cho oai, chứ trong thực tế, đó chỉ là một cái nhà, căn hộ chung cư, hay thậm chí chỉ một cái máy tính nối mạng!

Khía cạnh thứ hai cần chú ý là ban biên tập. Một tập san nghiêm chỉnh thường (không phải tất cả) là do các hiệp hội chuyên môn điều hành hay bảo trợ. Chẳng hạn như tập san Osteoporosis International là do Hội loãng xương quốc tế chủ trương, hay JAMA là của Hiệp hội Y khoa Hoa Kì sáng lập và xuất bản. Do đó, ban biên tập là các thành viên của hiệp hội, và họ chỉ phục vụ theo nhiệm kì. Mỗi nhiệm kì thường 2 năm, nhưng cũng có khi 5 năm. Sau nhiệm kì, ban biên tập có thành viên mới và dĩ nhiên là tổng biên tập mới. Ngược lại, các tập san rởm thường chẳng có hiệp hội nào bảo trợ cả. Họ cũng có ban biên tập, nhưng thành viên ban biên tập là những người "vô danh", hoặc không có địa chỉ cụ thể, hoặc chưa bao giờ công bố nghiên cứu trên các tập san có uy tín cao.

Đặc biệt, có tập san rởm có tổng biên tập cũng là chủ nhà xuất bản! (Bởi vì "nhà xuất bản" chỉ có … 1 người).

“Ngoài ra, các tập san rởm thường có những ngôn từ rất "đao to búa lớn" trong danh xưng, và cố gắng nhái tập san thật. Chẳng hạn như tập san chính thống là Journal of Biological Chemistry thì họ nhái là "Journal of Biological Sciences"! Ngoài ra, tiếng Anh của họ thì rất kém, sai sót về văn phạm và ngữ vựng rất nhiều”, GS. Nguyễn Văn Tuấn lưu ý.

TS. Vũ Ngọc Hải (Giáo sư khoa công nghệ thông tin và truyền thông. Đại học Myongji, Hàn Quốc) lưu ý: “Các nhà xuất bản quốc tế có chất lượng thấp thường nặng tính thương mại, luôn thu tiền và không phản biện hoặc phản biện qua loa. Đáng lưu ý, một số tạp chí làm giả trang web của tạp chí uy tín (ISI) để thu phí của tác giả”. Theo TS. Hải, có 2 bước để kiểm tra chất lượng của tạp chí khoa học.

Bước 1 vào website của journal đó kiểm tra ở mục indexing sẽ xem được tạp chí được liệt ở những chuẩn nào. Sau đó check trên http://mjl.clarivate.com/ để kiểm tra tên tuổi của tạp chí đó có nằm trong danh sách “đen” hay không.

Cũng theo ông Hải, ở Hàn Quốc thì Bộ Giáo dục nước này sẽ lên lại 1 danh sách cập nhật các tạp chí được công nhận là ISI hoặc Scoupus. Nhà nghiên cứu chỉ việc gõ cái tên tạp chí vào hệ thống tự động xác minh luôn.

So sánh công bố quốc tế của Việt Nam và các nước Đông Nám Á giai đoạn 2011-2016.Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia, số liệu truy cập Web of Science ngày 04/10/2017.

Tìm một người thầy tốt

Trên thế giới có nhiều hệ thống xếp hạng các tạp chí, trong đó hiện nay có 3 hệ thống được coi là phổ biến, uy tín và tin cậy nhất đó là ISI, SCOPUS và ABDC.

Theo anh Nguyễn Thanh Tú – nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Mons, Bỉ, nhìn chung nếu bạn là người muốn tìm chỗ tốt để công bố nghiên cứu cũng không quá khó. “Cứ theo mấy cây đa cây đề trong ngành, họ hay công bố tác phẩm ở đâu thì vào đó tìm hiểu xem phạm vi của tạp chí có hợp với cái mình muốn công bố không, sau đó tham khảo thêm các chỉ số, danh mục xếp hạng sau”.

Chia sẻ kinh nghiệm với những người mới bắt tay vào việc làm nghiên cứu, chưa có khả năng phân biệt tốt chất lượng tạp chí khoa học quốc tế, anh Nguyễn Bảo Huy (nghiên cứu sinh tại ĐH Lille 1, Cộng hòa Pháp và ĐH Sherbrooke, Québec, Canada) cho rằng: Trước khi nghĩ đến chuyện đăng báo thì các nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu đã; mà khi làm nghiên cứu thì phải đọc bài của người đi trước. Những bài đọc trong lĩnh vực thường đăng ở đâu thì tác giả có thể tìm hiểu kỹ hơn vào những tên tuổi đó để xác minh.

Mặt khác, thầy hướng dẫn và những người khác trong cộng đồng nghiên cứu của mình sẽ là những người có thể định hướng tốt nhất cho mình nghiên cứu nào nên đăng vào đâu. Bởi vậy trước tiên cần chọn được thầy tốt và có một cộng đồng tốt.

Còn nếu thầy của bạn không giúp được việc này thì có lẽ người thầy đó không đủ khả năng làm nghiên cứu tử tế, vậy nên đổi người khác. Vì người chưa thành thạo việc nghiên cứu mà không có thầy tốt hướng dẫn thì khó có cơ hội làm nghiên cứu tốt để đăng tạp chí quốc tế tốt.

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok