Trong tỉnh

Nhà vệ sinh xây theo mẫu, huyện làm hết 300 triệu đồng, TP Thanh Hóa hơn nửa tỉ

Dù xây dựng theo một mẫu thiết kế chung, nhưng nhà vệ sinh công cộng trong khu danh thắng Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư hơn nửa tỉ đồng, trong khi một số huyện, đơn vị khác chỉ hết 300 triệu đồng.

Không chỉ bị phản ánh về việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng xong rồi để "cửa đóng, then cài", công trình nhà vệ sinh công cộng tại khu vực động Tiên Sơn (thuộc danh thắng Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) còn có tổng mức đầu tư lên tới 535 triệu đồng, cao hơn nhiều so với quyết định được duyệt.

Công trình nhà vệ sinh công cộng trong danh thắng Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) được xây dựng có tổng mức đầu tư lên tới 535 triệu đồng - Ảnh Tuấn Minh

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 3-12-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 4802 phê duyệt đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo phụ lục đi kèm quyết định này, tổng mức đầu tư cho mỗi công trình là 300 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Trong đó, từ năm 2020-2025, TP Thanh Hóa sẽ được duyệt chi để sửa chữa, xây dựng 10 công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn. Nhà vệ sinh công cộng trong khu danh thắng Hàm Rồng được phê duyệt xây dựng trong năm 2020, công trình xây dựng theo mẫu số 01A (xây dựng tại khu di tích, lịch sử văn hóa), có tổng diện tích khoảng 24 m2, số tiền được duyệt là 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt số 9408 ngày 23-10-2019 của Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, công trình nhà vệ sinh công cộng tại khu vực động Tiên Sơn (trong danh thắng Hàm Rồng) được "đội vốn" lên tới 535 triệu đồng (trong đó chi phí xây dựng là 426 triệu đồng). Số tiền tăng thêm 235 triệu đồng được lấy từ ngân sách TP Thanh Hóa.

Theo lý giải của chủ đầu tư, 300 triệu đồng là chi phí xây nhà vệ sinh, số tiền còn lại là chi phí khác, trong đó có chi phí san nền, xây sân vườn... Ảnh Tuấn Minh

Đáng chú ý, cũng được xây dựng theo mẫu trên (01A), thế nhưng nhiều công trình nhà vệ sinh tại một số khu di tích, lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ xây dựng hết 300 triệu đồng hoặc hơn 300 triệu đồng một chút, chứ không cao gần gấp đôi như tại TP Thanh Hóa.

Đơn cử, tại khu vực tượng đá Đa Bút (lăng Bà Chúa), xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, một công trình tương tự vừa được xây dựng xong và đang làm thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng. Theo lãnh đạo xã Minh Tân, công trình được xây hết 308 triệu đồng, trong đó 300 triệu được tỉnh hỗ trợ, số tiền còn lại địa phương cân đối.

Đáng nói, dù đầu tư hơn nửa tỉ đồng nhưng kể từ khi được bàn giao đưa vào sử dụng, công trình luôn trong tình trạng "cửa đóng, then cài" - Ảnh Tuấn Minh

Lý giải về việc này, ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 - TP Thanh Hóa (chủ đầu tư), cho biết sở dĩ công trình có tổng mức đầu tư cao là do trong đề án phê duyệt (đề án của UBND tỉnh Thanh Hóa) chỉ tính có mỗi cái nhà vệ sinh, chứ chưa tính tới chi phí cơ sở hạ tầng như san nền, xây sân, vườn. "Chi phí cao là do hạ tầng kỹ thuật xung quanh và công trình trước đây nằm ở vùng trũng nên phải đắp nền, tất cả cái đó đều thể hiện trong thiết kế và dự toán hết"- ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng khẳng định giá trị sau thẩm định tổng mức đầu tư là 479 triệu đồng, trong đó chi phí xây dựng là 405 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quyết định mà phóng viên được ông Lê Văn Tuấn, Phó giám đốc ban này cung cấp trước đó cũng đúng số, đúng ngày ký (Quyết định số 9408 ngày 23-10-2019) như ông Hưng nói, lại thể hiện tổng mức đầu tư sau khi thẩm định là 535 triệu đồng, trong đó chi phí xây dựng là 426 triệu đồng.

Về việc nhà vệ sinh sau khi bàn giao nhưng không mở cửa, ông Hưng cho biết trong quá trình kiểm tra bảo hành, bảo trì công trình, ban cũng thấy không mở cửa cho người dân sử dụng nên có ý kiến với phường Hàm Rồng.

Cũng được xây dựng theo mẫu giống hết nhà vệ sinh ở động Tiên Sơn, nhưng công trình nhà vệ sinh công cộng ở khu di tích lịch sử văn hóa tượng đá Đa Bút (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chỉ xây dựng hết 308 triệu đồng - Ảnh Tuấn Minh

"Chúng tôi cũng có phản ánh tới phường và đơn vị có nêu ra một số lý do. Ngoài ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, về chi phí điện nước, quản lý chưa có nên chưa khai thác hiệu quả công trình. Chúng tôi cũng nắm được hiện tượng lún, nứt góc sân và đã yêu cầu nhà thầu theo dõi, sửa chữa, khắc phục vì công trình đang trong thời gian bảo hành"- ông Hưng thông tin.

Tác giả: Tuấn Minh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok