Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tỏ rõ sự sốt ruột trước thực trạng hệ thống nhà vệ sinh trong các trường học, đặc biệt nhiều trường không có nhà vệ sinh. Thủ tướng đã yêu cầu huy động tất cả các nguồn lực kinh phí để chấm dứt tình trạng trường học không có nhà vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của học sinh...
Có lẽ, trong số chúng ta, gia đình nào cũng có con hoặc cháu, hoặc người thân đang là học sinh ở các cấp học. Và chắc chắn, chúng ta thấu hiểu tình trạng nhiều em, đặc biệt là các cháu tiểu học, nhịn tiểu tiện, đại tiện… gần như cả ngày chỉ vì nhà vệ sinh của trường quá bẩn.
Câu chuyện này không phải chỉ có ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, mà ngay các tỉnh, thành phố, đặc biệt ngay giữa Thủ đô Hà Nội cũng còn khá phổ biến. Tôi có con gái đầu đã học 5 năm ở một trường chuẩn quốc gia của Hà Nội. Sĩ số lớp của cháu lúc nào cũng là 62 học sinh. Ngoài việc phải ngồi học chật chội, nóng nực vào những ngày hè thì con tôi thường xuyên phải nhịn vệ sinh, nhiều hôm tan học là con chạy thẳng về nhà rồi lao rầm vào nhà vệ sinh, có những hôm chạy không kịp thì con tè dầm. Nỗi ám ảnh lớn nhất của con chính là nhà vệ sinh quá bẩn, bốc mùi “khủng khiếp không thể tưởng tượng được”, theo lời con tả.
Được sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn có lẽ là mơ ước của quá nhiều học sinh (ảnh Internet) |
Còn nhớ, thí sinh Nhật Bản đã xuất sắc giành ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ năm 2007 khi trả lời câu hỏi: “Bạn tự hào gì nhất về đất nước bạn?” - “Tôi tự hào nhất về hệ thống toilet công cộng của Nhật Bản, là hệ thống toilet sạch sẽ và tiện nghi nhất thế giới”.
Tôi cũng thèm một hệ thống nhà vệ sinh công cộng như thế ở nước mình!
Hệ thống nhà vệ sinh công cộng của chúng ta thì khỏi phải bàn vừa thiếu vừa bẩn. Ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân gần như không có. Thói quen “phóng uế bừa bãi” có vẻ như rất khó bỏ với nhiều người.
Ở nhiều cơ quan, công sở, dù có nhà vệ sinh hiện đại nhưng ý thức giữ gìn của người sử dụng lại rất kém.
Có thể khẳng định một thực tế rất đáng xấu hổ rằng, hệ thống nhà vệ sinh công cộng của nước ta, thậm chí của nhiều gia đình vẫn chưa được chú ý. Nhiều quán hàng ăn nổi tiếng, nhiều nhà hàng sang trọng nếu khách trót vào nhà vệ sinh trước bữa ăn chắc không ai còn cảm nhận được vị ngon của đồ ăn nữa. Chưa kể, tình trạng "đái đường" không còn là chuyện hiếm ở nước mình.
Có lẽ, quan niệm về chất lượng giáo dục cần phải thay đổi. Thay vì đổ quá nhiều tiền của vào việc viết sách, cải tiến chương trình vượt quá xa nhu cầu, năng lực thực tế của học sinh thì nên dành sự quan tâm đáng kể cho cơ sở vật chất, cho những thứ sinh hoạt tối thiểu của học sinh ở trường.
Thực tế đã có nhiều cha mẹ cho con “chạy trốn” trường công ngoài việc giảm tải kiến thức thì tiêu chí đầu tiên là nhiều trường ngoài công lập có hệ thống nhà vệ sinh rất sạch sẽ. Hãy thử đặt mình vào vị trí của các con, cả ngày học trong một lớp đông đúc chật chội, lại chịu mùi xú uế khó chịu từ nhà vệ sinh bốc ra… thì sao chịu nổi. Chúng ta đối xử với thế hệ tương lai như vậy liệu có hợp lý?
Kiến thức có uyên thâm, cuộc sống có được nâng cao đến mức nào đi nữa mà vấn đề vệ sinh, môi trường không được đảm bảo, không được giữ gìn thì mọi sự tăng trưởng hay phát triển đều trở thành vô nghĩa. Từ gia đình tới nhà trường, thay vì dạy cho các em quá nhiều kiến thức siêu phàm thì nên dạy cho các em nhiều hơn những kỹ năng sống, những kỹ năng mềm, trong đó có việc được sử dụng, biết cách sử dụng và ý thức sử dụng nhà vệ sinh tiện nghi, sạch sẽ. Đây có lẽ phải được coi là ưu tiên hàng đầu./.
Tác giả: An Nhi
Nguồn tin: Báo VOV