Số hóa

"Nhà nước phải gỡ bỏ những chính sách gây cản trở, hạn chế doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT"

Tại buổi tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 15/8, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT cho rằng nhà nước phải gỡ bỏ những chính sách gây cản trở, hạn chế doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Tọa đàm Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT diễn ra vào ngày 15/8

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm tham khảo ý kiến đánh giá toàn diện, đa chiều của các chuyên gia, các doanh nghiệp về Luật CNTT và định hướng hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực này trong tương lai. Bên cạnh đó, các quy chuẩn đề ra được tranh luận thẳng thắn, minh bạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày một tăng của ngành, đồng thời phù hợp với bối cảnh của các xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Tham gia buổi tọa đàm có các đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các hội và hiệp hội lớn tại Việt Nam như Hiệp hội Internet, Hội tin học, Hội truyền thông số, Vinasa, FPT, các doanh nghiệp ICT như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC,... cùng đại diện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng giới thiệu khái quát về Luật CNTT được Quốc hội thông qua năm 2006, đóng vai trò là văn bản luật đầu tiên về CNTT ở Việt Nam. Sự ra đời của Luật với các quy định về quản lý nhà nước về CNTT rõ ràng, minh bạch đã tạo ra hành lang pháp lý cơ sở cho các hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT trong thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng thừa nhận những hạn chế của Luật CNTT sau 10 năm được thi hành, và cần có những sửa đổi để hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, sau 10 năm thi hành, Luật CNTT bộc lộ một số hạn chế trong bối cảnh đây là ngành phát triển nhanh, với các thay đổi có tác động mang tính đột phá đối với mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, thương mại, giáo dục, quốc phòng,...

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhận định, trên thực tế sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật CNTT, trong bối cảnh tình hình quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và bản thân ngành CNTT đã có nhiều thay đổi: "Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng đã được nâng cao. Thế giới đã bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 với những thay đổi cơ bản về Khoa học, Công nghệ, và mức độ cạnh tranh trong ngành cũng thay đổi rõ rệt với các lĩnh vực như IoT, SMAC, AI, Robot,..."

"Vì vậy, việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về CNTT để phù hợp với xu thế và thực tế phát triển đang là vấn đề cấp bách. Bởi lý do này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CNTT", Thứ trưởng cho biết.

Ngoài các ý kiến đánh giá về 10 năm thực hiện Luật CNTT, Bộ TT&TT cũng lắng nghe ý kiến của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia về mục tiêu, quan điểm và nguyên tắc của việc hoàn thiện khung pháp lý CNTT.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT, đặt dấu hỏi cho tính hiệu lực của các văn bản trong Luật CNTT đối với điều kiện phát triển thực tế của ngành. Theo ông, nhân lực và các chính sách hạn chế doanh nghiệp nên được cân nhắc thay đổi hoặc gỡ bỏ.

"Các hoạt động liên quan tới Internet đáng lẽ phải được khuyến khích, được ủng hộ, thậm chí là tài trợ, nhưng hiện nay dạng dịch vụ truyền hình trả tiền vẫn phải chịu quá nhiều tiền phí, dù có lượng người dùng đăng ký đã ngang ngửa với truyền hình cáp", ông Ngọc cho biết.

Ông Bùi Quang Ngọc cũng chia sẻ thêm rằng giai đoạn trước 2016, hoạt động Internet không bị thuế dịch vụ viễn thông. "Tuy nhiên sang đến năm 2017, khi đất nước đón nhận cuộc chuyển giao Cách mạng Công nghiệp 4.0 với các lĩnh vực như IoT, AI, Smarthome,... vốn đều cần tới Internet, thì lại gặp nhiều trở ngại, khiến doanh nghiệp bức xúc."

"Ở một ví dụ khác, Bộ Tài chính 2 năm chuẩn bị xong 1 dự án, có dự án 3 năm, có dự án CNTT ngân sách tỷ lệ chi 85% phần cứng, 15% dịch vụ, chi phí này là méo mó, gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Ngọc trình bày.

Tổng giám đốc FPT nhận định Internet ngày nay là "xương sống" của kinh tế số, của hoạt động kinh tế Khoa học Kỹ thuật, thậm chí an ninh quốc phòng. Do vậy, luật CNTT nên được thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì kìm hãm sự phát triển chung.

Ông Nguyễn Thế Trung - Giám đốc Công ty DTT, lại có cái nhìn khác về sửa đổi Luật CNTT. Ông cho rằng vấn đề quan trọng cần giải quyết trước mắt là Quyền sở hữu tài sản số. Theo ông, loại tài sản mới này cần đi kèm toàn bộ luật lệ chính sách mới để xác định rằng thế nào là tài sản số và ai được sở hữu tài sản số này.

"Nếu chúng ta hình dung có môi trường mới trong đó có rất tài sản số thì việc giao tài sản này cho ai? Ai là người có quyền sử dụng nó sẽ là một vấn đề rất lớn mà Luật CNTT phải thay đổi, phải vượt lên các vấn đề về công nghệ và viễn thông đã từng có", ông Trung cho biết.

Ngoài ra, ông cũng phát biểu cho rằng doanh nghiệp rất cần các cơ quan nhà nước công khai minh bạch trong chính sách và triển khai các chính sách cung cấp dữ liệu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. "Ví như trong lĩnh vực du lịch thông minh, các doanh nghiệp có dữ liệu về du lịch thì có năng suất tăng gấp 3 lần các doanh nghiệp khác kể cả sử dụng nền tảng công nghệ", ông Trung nhận định.

Ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết: "Vụ CNTT sẽ là đơn vị được Bộ TT&TT giao chủ trì triển khai nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đánh giá, tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT với sự phối hợp của các đơn vị trong và ngoài Bộ."

Dự kiến nhiệm vụ tổng kết, đánh giá này sẽ kết thúc vào cuối quý III/2017. Các nội dung chính đang được tiến hành là đánh giá những kết quả đạt được, các khó khăn và nguyên nhân trong quá trình triển khai thi hành Luật CNTT thời gian qua.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok