|
Nếu như mạng di động thế hệ đầu tiên (1G) chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ thoại; mạng 2G cung cấp dịch vụ thoại và nhắn tin; mạng 3G cung cấp dịch vụ thoại + nhắn tin + dữ liệu; mạng 4G cung cấp các dịch vụ 3G với tốc độ cao hơn, thì sự ra đời của thế hệ mạng 5G sẽ cho phép triển khai các dịch vụ tiên tiến cho người dân, từ khả năng truy cập với chất lượng tốt hơn tới dịch vụ y tế, hệ thống giao thông thông minh (bao gồm cả xe ô tô tự lái) và điều khiển máy móc từ xa...
Với những bước tiến dài về mặt công nghệ mới, đặc biệt là sự ra đời của hàng loạt các công nghệ mới, thông minh, xu hướng công nghiệp 4.0 và kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), thời của thế hệ mạng 5G đang mở ra bởi các hãng công nghệ lớn trên thế giới.
Một số hãng công nghệ thông tin dự kiến, đến năm 2019 sẽ có thử nghiệm và triển khai thử các công nghệ 5G trên thực tế. Giữa năm 2019 sẽ có các nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G.
Theo các chuyên gia hãng Qualcomm, 5G sẽ phục vụ các kết nối “luôn luôn sẵn sàng”; góp phần cải thiện di động băng rộng và phục vụ sự bùng nổ của IoT. Hãng này ước tính vào năm 2020 sẽ có 20 tỷ thiết bị IoT trên thị trường. Điều này đòi hỏi cần có một giải pháp mới để đáp ứng được nhu cầu kết nối của số lượng khổng lồ các thiết bị.
Ngoài ra, với các dịch vụ nền tảng, cốt lõi như cứu hỏa, máy bay không người lái khi bay qua các vùng nguy hiểm... sẽ đòi hỏi những kết nối tốc độ cao được đảm bảo và ổn định, khác so với việc kết nối các thiết bị thông thường. Có rất nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng giải pháp kết nối 5G như an ninh công cộng, nông nghiệp thông minh để tiết kiệm chi phí sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả, kết nối phương tiện, thành phố thông minh hơn.
Báo cáo di động mới nhất của Ericsson đã khẳng định, công nghệ 5G đang phát triển nhanh chóng và sẽ đạt nửa tỉ thuê bao vào năm 2022. Sự phát triển này sẽ mang lại những cơ hội mới rất khác biệt cho con người, doanh nghiệp và xã hội trong tương lai.
Các chuyên gia Ericsson đã chỉ rõ những kỳ vọng của người dùng đối với thế hệ mạng 5G. Theo đó, với 5G, người dùng sẽ trải nghiệm truy cập băng thông rộng tại những khu vực có mật độ người dùng cao như các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao và lễ hội, loại bỏ các vấn đề về dung lượng, độ nhiễu và độ tin cậy.
Khách hàng sử dụng 5G sẽ được tận hưởng các bộ phim 4K được tải về trong vòng vài giây mà không cần kết nối Wi-Fi, trong khi các chương trình truyền hình và sự kiện thể thao trực tiếp sẽ mang lại trải nghiệm thực tế ảo, giống như bạn đang có mặt trực tiếp tại nơi diễn ra sự kiện. 5G cũng sẽ tối đa hóa chất lượng trải nghiệm với kết nối cả trong nhà và ngoài trời, đồng thời cung cấp kết nối băng thông rộng có chất lượng cao ngay cả trong các điều kiện khó khăn về mạng.
Không chỉ vậy, 5G còn giúp tương tác con người - máy móc, giúp con người tiếp cận IoT dễ dàng hơn. 5G cũng cho phép kiểm soát từ xa các máy móc hạng nặng; từ đó mở ra những khả năng mới như nâng cao hiệu suất và hạ thấp chi phí, rủi ro trong những môi trường nguy hiểm, độc hại.
Công nghệ 5G sẽ mở rộng cơ hội và mô hình kinh doanh thông qua chức năng giám sát, theo dõi và tự động hóa trên quy mô lớn. Từ những nông trại và cánh đồng được kết nối cho tới những thành phố và tòa nhà thông minh, 5G góp phần hạ thấp chi phí, nâng cao hiệu suất và cung cấp dữ liệu thời gian thực theo những cách thức mới, ấn tượng.
Các chuyên gia cho biết, với độ trễ thấp của 5G hỗ trợ dịch vụ video gần như theo thời gian thực, công nghệ này có thể được sử dụng để điều khiển từ xa và áp dụng cho các ứng dụng trong doanh nghiệp. Trước đây, việc này chỉ được thực hiện trên kết nối có dây và thường được sử dụng trong các lĩnh vực y tế, theo dõi, máy móc công nghiệp nặng, nhưng giờ đây có thể được mở rộng qua mạng không dây với công nghệ 5G.
Với cánh tay robot biết cảm nhận cử chỉ có thể được ứng dụng trong nhiều công việc khác nhau, bao gồm cả phẫu thuật từ xa, xử lý tai nạn giao thông và các tình huống mà sự có mặt của con người có thể là không an toàn
Ngoài ra, việc chuyển đổi hướng tới 5G đồng nghĩa với việc công nghệ truyền thông máy móc trên quy mô lớn sẽ cho phép các thành phố, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông truyền dữ liệu theo thời gian thực, để nâng cao hiệu quả bảo trì và hoạt động. Đây là một trong những yếu tố quan trọng cho phát triển giao thông thông minh.
Tác giả: Đỗ Phong
Nguồn tin: Báo Vneconomy