Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 đang bị chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 được khởi công từ năm 2013, tổng số hộ dân phải di rời là 1.206 hộ; hiện đã 5 năm trôi qua, vẫn còn 29 hộ dân đang sống tại khu vực lòng hồ trong khi mùa mưa bão đang tới gần.
Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình thi công dự án mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra kết luận, chủ đầu tư chưa xây dựng phương án phòng chống lụt bão; phương án vận hành hồ chứa chưa được Bộ Công Thương duyệt.
Phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du cũng chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, ngoài ra, chủ đầu tư còn chưa thực hiện xong việc nghiệm thu, kiểm định chất lượng công trình nên không đủ điều kiện để cho phép tích nước.
Để giải phóng mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn yêu cầu, huyện Cẩm Thủy rà soát các điểm vướng mắc sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tại mỏ cát nằm trong lòng hồ.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với chủ đầu tư, sớm hoàn thành kiểm định chất lượng để chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để tích nước, chạy thử nhà máy.
Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Thủy, tính đến tháng 5/2018 ngoài 29 hộ dân thuộc 4 xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Lương, Cẩm Thạch chưa được bồi thường và di dời, tại xã Cẩm Thành, còn có mỏ cát số 121 của Công ty TNHH Thái Dương do trước đó UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ cát này. Đây là vị trí nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện đã được Sở Công Thương xác định ranh giới và UBND huyện đã có thông báo thu hồi đất.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn chỉ đạo UBND huyện thu hồi đất thuộc mỏ cát 121, nhưng hiện Công ty TNHH Thái Dương yêu cầu bồi thường máy móc, thiết bị khai thác cát, sỏi hoặc cấp vị trí mỏ mới cho công ty, nên việc giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn. UBND huyện Cẩm Thủy đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông Intracom (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư với công suất 28,8 MW, kinh phí thực hiện trên 1.300 tỷ đồng./.
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: Báo TTXVN