Bài viết này xuất phát từ hai nguyên nhân:
Thứ nhất: Nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017:
“Hiện nay có thực tế sinh viên ra trường không có việc làm. Nguyên nhân do việc đào tạo, chất lượng kỹ sư, cử nhân của Việt Nam “có vấn đề” ".
Thứ hai: Gần đây, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo tiến sĩ theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, cả hai mảng đào tạo nhân lực và nhân tài trình độ đại học trong thời gian qua đều có “vấn đề”, vậy những “vấn đề” đó là gì?
Thứ nhất: Nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017:
“Hiện nay có thực tế sinh viên ra trường không có việc làm. Nguyên nhân do việc đào tạo, chất lượng kỹ sư, cử nhân của Việt Nam “có vấn đề” ".
Thứ hai: Gần đây, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo tiến sĩ theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, cả hai mảng đào tạo nhân lực và nhân tài trình độ đại học trong thời gian qua đều có “vấn đề”, vậy những “vấn đề” đó là gì?
Một vài ý kiến gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
1. Vấn đề cơ chế
Thứ nhất, quyền chủ quản:
Bất kỳ vị Bộ trưởng Giáo dục nào cũng đối diện với một vấn đề nan giải nhưng lại rất “tế nhị” đó là “cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục đại học”.
Từ thông tin trong các văn bản đính kèm công văn 1279/BGDĐT-KHTC (17/3/2014) của Bộ GD&ĐT, hệ thống đại học công lập hiện nằm dưới sự “chủ quản” của 47 tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, cơ quan nhà nước cụ thể như sau:
- Đảng: Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh;
- Chính phủ: 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
- Các bộ: (16 bộ) Bộ Công Thương, Bộ GD&ĐT, Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội Vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
- Đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
- Các đơn vị kinh tế: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
- Các viện: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Hải Phòng,…
Trong số 18 bộ chỉ có 2 bộ không phải là cơ quan chủ quản, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khoảng 20 tỉnh là cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học (công lập), nếu tính gộp cả các trường Cao đẳng-Đại học ngoài công lập thì số tỉnh “chủ quản” còn nhiều hơn nữa.
Cơ quan chủ quản đương nhiên sẽ nắm quyền quản lý ngân sách, nhân sự và định hường phát triển, các đại học sẽ phải cân nhắc rất kỹ ý kiến của các “chủ quản” khi xây dựng chiến lược phát triển trong tương lai.
Từ năm 2005, quyền tự chủ đại học đã được đưa vào luật, tuy nhiên do những vướng mắc về cơ chế, cũng như khả năng sẵn sàng của các trường mà quyền này chưa được triển khai rộng rãi như mong đợi.
Vướng mắc lớn nhất về cơ chế chính là “quyền chủ quản” của các cơ quan, đoàn thể… Dường như không cơ quan, đơn vị nào chịu nhường “quyền chủ quản” của mình cho đơn vị khác khác bởi sẽ mất đi nhiều lợi ích mà “quyền chủ quản” mang lại.
Để xóa bỏ dần “quyền chủ quản” Bộ GD&ĐT không thể yêu cầu trực tiếp các đơn vị mà chỉ có thể theo đường vòng, nghĩa là dựa vào quy định tại điều 32 Luật Giáo dục đại học về “Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học” và điều 60 Luật Giáo dục 2005 về “Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học”.
Còn một khả năng khác, đó là quyết định ở cấp cao nhất nếu Bộ GD&ĐT ‘khéo” thuyết phục.
Thứ hai, kẽ hở của pháp luật:
Ngành Giáo dục bị đánh giá là yếu về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới dư luận xã hội có nhiều bức xúc, về điều này có lẽ không cần nêu dẫn chứng.
Việc đầu tiên cần xem xét là kiến thức quản lý nhà nước của đội ngũ chuyên viên. Quản lý nhà nước không đơn thuần là hiểu và vận dụng đúng luật mà còn phải biết phát hiện các kẽ hở luật pháp có thể bị lợi dụng. Những kẽ hở luật pháp này được hình thành khi các nhóm lợi ích chi phối quá trình làm luật.
Chẳng hạn quá trình xã hội hóa giáo dục lĩnh vực giáo dục Đại học khiến cho tiêu chuẩn Hiệu trưởng Đại học bị thay đổi theo chiều hướng giảm, quy định tại khoản 1 điều 11 Điều lệ trường đại học ban hành năm 2014:
“Hiệu trưởng là người điều hành tổ chức, bộ máy của trường đại học. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ hiệu trưởng thì sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường”.
Đây chính là điều những người có tiền mong muốn vì họ có thể lợi dụng để trở thành Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng đại học. Hậu quả của những quy định trên có thể thấy qua các bài báo:
“TS Đinh Ngọc Hiện (Hiệu trưởng Đại học Thành Tây) phát ngôn kiểu du côn, như người mang bệnh?”. [1]
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Cần làm sáng tỏ vụ việc lãnh đạo trường Đại học Chu Văn An sử dụng bằng tiến sĩ chưa được công nhận". [2]
Báo Nhân Dân điện tử: “Mất dân chủ ở Trường đại học Chu Văn An”. [3]
Việc các Đại học tư thục chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở đã khiến Bộ GD&ĐT không có tiếng nói quyết định với những sai trái mà các cổ đông góp vốn thực hiện.
Chẳng hạn Bộ GD&ĐT đã có văn bản kết luận lãnh đạo một Đại học dùng “văn bằng không hợp chuẩn, mạo nhận học vị” nhưng không thể cách chức họ, còn chính quyền địa phương thì làm ngơ, thậm chí còn bao che, chống lưng cho sai phạm.
Điều này dẫn tới hậu quả là những người dùng “bằng tiến sĩ không hợp chuẩn” vẫn là lãnh đạo đại học, vẫn ký các tờ trình gửi Bộ, ký bằng tốt nghiệp cho cử nhân, kỹ sư, vẫn làm chủ tịch Hội đồng tuyển sinh đại học, Chủ tịch Hội đồng tốt nghiệp… Và điều này vẫn được Bộ GD&ĐT chấp nhận?
Thứ ba, cơ chế kiểm định chất lượng:
Muốn cho phép trường tự chủ thì việc đầu tiên là kiểm định chất lượng, trong số 4 trung tâm kiểm định hiện có, 3 trung tâm đặt tại các Đại học công lập, 1 trung tâm do Hiệp hội Đại học-Cao đẳng quản lý.
Được biết các trung tâm kiểm định không có quyền kiểm định nếu trường không mời đích danh, liệu có chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi với 3 trường có trong tay các trung tâm kiểm định?
Thêm nữa, liệu có trường công lập nào chịu mời trung tâm kiểm định của Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng kiểm định chất lượng trường mình?
Người viết cho rằng lãnh đạo Bộ cần có quy định phân vùng kiểm định bắt buộc với các trường chứ không để các trường tự chọn trung tâm kiểm định. Sau khi được kiểm định sẽ phân loại và giao quyền tự chủ một phần hoặc hoàn toàn cho các đại học.
Thứ tư, vai trò Công nghệ thông tin trong công tác quản lý:
Tình trạng che dấu thông tin, đặc biệt là thông tin về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và tuyển sinh là khá phổ biến mặc dù đã có quy định “ba công khai”.
Điều này khiến công tác thanh, kiểm tra của Bộ gặp khó khăn đồng thời việc tìm kiếm thông tin của người dân về các trường cũng khó thực hiện.
Hiện tại, số liệu thống kê của Bộ vừa thiếu, vừa không kịp thời khiến dự báo chiến lược không hoàn chỉnh, ví dụ nhu cầu đào tạo giáo viên phục vụ các vùng miền dựa vào số liệu thống kê nào?
Bộ nên có kế hoạch xây dựng các phần mềm quản lý, giao cho các trường có ngành Công nghệ phần mềm phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thực hiện.
2. Vấn đề con người
Thứ nhất, tầm nhìn chiến lược của bộ tham mưu:
Chiến lược giáo dục hiện nay mới dừng ở mức xem giáo dục là ngành đào tạo nhân lực, nhân tài, giáo dục vẫn bị xem là ngành tiêu tốn nhiều nhất ngân sách quốc gia (20%).
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, Anh, Canada, Singapore…) có chính sách thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại nước họ. Đây không chỉ là chiến lược làm chảy máu chất xám nước nghèo như thời chiến tranh lạnh mà đã chuyển hóa Giáo dục thành một ngành kinh tế, nguồn thu từ mảng giáo dục đại học cho người nước ngoài đóng góp khá nhiều cho GDP quốc gia.
Một năm Việt Nam thu được 3 tỷ đô la từ xuất khẩu gạo nhưng người Việt cũng chi mất 3 tỷ đô la cho con cái du học nước ngoài.
Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia, mỗi gia đình phải chi từ 30.000-40.000 USD mỗi năm cho một người học.
Thời gian qua, Việt Nam chỉ mới nói đến Du lịch như một ngành công nghiệp không khói, đã đến lúc bộ tham mưu Giáo dục vạch tầm nhìn chiến lược lâu dài, biến Giáo dục thành ngành công nghiệp không khói như Du lịch.
Chiến lược này đòi hỏi Giáo dục phải thỏa mãn hai điều kiện: chất lượng đào tạo, uy tín các đại học và các chính sách thu hút sinh viên nước ngoài.
Thứ hai, chính sách đối với giáo viên:
Một trong những nút thắt chất lượng giáo dục Việt Nam là đội ngũ giáo viên các cấp. Từ năm 1954 đến nay, với giáo dục phổ thông, đầu vào của ngành Sư phạm luôn nằm ở top cuối.
Đối với giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên được hình thành theo kiểu “tự cung, tự cấp” nghĩa là các đại học giữ sinh viên lại làm giảng viên.
Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đội ngũ giảng viên yếu kém là kiểu “sinh sản cận huyết”, con em cán bộ giảng viên trong trường có ưu thế hơn khi tham gia thi tuyển viên chức (bởi điểm trong học bạ thường rất “đẹp”).
Việc ngừng cấp chứng chỉ sư phạm cho những người không học sư phạm có nguyện vọng làm giáo viên có tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi không phải bằng cách tuyên truyền sự cao quý của nghề dạy học.
Thanh niên ngày nay chọn nghề không phải vì nó cao quý mà chọn nghề bảo đảm cuộc sống, chọn nghề để khi ra trường không phải dùng tiền chạy việc làm, chính vì thế mà các trường Công an, Quân đội đang có sức hút mạnh mẽ với học sinh không kém nghề Y, Dược.
Cho đến nay chưa có trường, lớp chuyên đào tạo, bồi dường giảng viên đại học. Các giảng viên tập sự ngoài việc chuẩn bị giáo án chỉ cần cố học lấy bằng thạc sĩ để đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định trong khi chất lượng thạc sĩ của chúng ta nhìn chung chưa đạt chuẩn.
Việc quản lý đội ngũ giảng viên các Đại học ngoài công lập khá lỏng lẻo nếu không nói là bị bỏ ngỏ. Một giáo sư, phó giáo sư nghỉ hưu có thể là giảng viên cơ hữu ở nhiều trường.
Bộ nên thiết kế phần mềm quản lý giảng viên đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, tránh tình trạng mượn danh cho đủ điều kiện mở ngành đào tạo. Quản lý giảng viên chính là biện pháp nghiệp vụ góp phần quản lý chất lượng đào tạo, đặc biệt tại một số trường ngoài công lập.
Cần kiến nghị bãi bỏ quy định ưu tiên với giảng viên một số bộ môn đặc thù trong trường, đây là sự không công bằng trong chính sách con người.
Thứ ba, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên viên cơ quan Bộ:
Khá nhiều bài báo nêu hiện tượng tiêu cực tại các đại học, cao đẳng (đấu đá nội bộ, tuyển sinh quá chỉ tiêu, sử dụng ngân sách không đúng quy định,…) nhưng hầu như không được bộ phận có trách nhiệm của Bộ giải quyết.
Điều này có thể thấy qua hoạt động của Thanh tra Bộ thời gian vừa qua. Cùng một vụ việc, sau khi truyền thông lên tiếng, kết luận của Thứ trưởng phủ nhận kết luận của Thanh tra nhưng lãnh đạo Bộ không có hình thức kỷ luật với cán bộ thanh tra phạm sai lầm? Ngay kết luận thanh tra của Thứ trưởng cũng không đề xuất hướng giải quyết khiến sự việc ngày càng trầm trọng.
Báo Thanhnien.com.vn viết “Không đảm bảo chất lượng, vẫn tự chủ tuyển sinh”. [4]
Không phải chỉ tuyển sinh đại học mà trường này còn được Bộ cho phép đào tạo cao học, vậy bộ phận nào của Bộ chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này?
Những ý kiến nêu trên chỉ là một vài trăn trở mà người viết muốn đề xuất, đây chỉ là suy nghĩ cá nhân của một nhà giáo nên chắc chắn tầm nhìn bị hạn hẹp, tuy vậy xin mạnh dạn viết ra với hy vọng sẽ góp chút ích nào đó cho Bộ trưởng nói riêng và lãnh đạo ngành Giáo dục nói chung.
Tác giả bài viết: Xuân Dương