Cuộc sống

Người vợ hơn 3 năm truy tìm chồng ngoại để ly hôn

Sống chung ba tháng rồi chồng đi biệt, chị Minh bôn ba khắp nơi tìm anh ta để ly hôn, nhưng ba năm vẫn chưa thành.

Đó là nỗi đau sâu kín của chị Minh (34 tuổi, ở TPHCM), từng sống với giấc mơ lấy chồng ngoại quốc để gia đình tự hào về mình. Năm 2011, chị lên mạng tìm người kết bạn. Thấy nick một người đàn ông Ấn Độ sáng đèn, chị bấm vào làm quen.

Nói chuyện, anh cho biết đang làm kế toán cho một công ty đa quốc gia, công việc bán thời gian, thường xuyên sang Việt Nam du lịch. Chị cũng giới thiệu mình đang làm cho một công ty nước ngoài, nơi có nhiều đồng nghiệp người Ấn. Ngày nào hai người cũng lên mạng tâm sự, kể cho nhau nghe chuyện buồn vui.

Một năm sau, anh tỏ tình và được đồng ý, dù hai người chưa hề gặp nhau ngoài đời. Hơn hai năm yêu nhau, anh chị tự tổ chức đám cưới qua mạng. Chị trang điểm thật đẹp, mặc váy mới rồi chụp hình gửi sang cho chồng. Anh cũng mặc bộ đồ chú rể, chụp hình rồi gửi sang cho vợ. Sau đó, chị ghép hình hai người lại, đi in thành hình cưới.

Chị Minh 3 năm ôm nỗi đau có chồng mà như không, muốn thoát ra cũng không được. Ảnh: Ngọc Thân.

Đêm tân hôn, mỗi người ôm một máy tính ở hai đầu đất nước. Chị muốn sinh cho anh những đứa con ngoan. Anh hứa sẽ luôn thương yêu, chăm sóc và bù đắp khoảng thời gian không được ở bên chị.

Sau khi hoàn tất các thủ tục ở đất nước mình, anh bay sang Việt Nam ra mắt gia đình vợ và cùng chị đi đăng ký kết hôn. Chị còn đi làm visa, nhập hộ khẩu cho anh vào gia đình mình.

Sống với chị hơn ba tháng, anh nói phải về Ấn Độ giải quyết công việc. Tiễn chồng ra sân bay, chị hụt hẫng nhưng tràn hy vọng anh sẽ sớm trở lại để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Thế mà, anh đi biệt, không liên lạc, không một lời hỏi thăm vợ. Gọi điện không được, gửi mail không thấy anh hồi âm, chị bồn chồn, lo lắng. Đúng lúc đó, một cô gái Việt gọi điện cho chị, báo tin anh và cô ấy là vợ chồng. Một người phụ nữ bên Ấn Độ cũng gọi, nói sẽ đi đòi lại sính lễ đã trao cho gia đình anh trong ngày cưới, vì biết anh phản bội (tục lệ vùng đó nhà gái phải mang sinh lễ sang nhà trai).

Bàng hoàng, chị đi tìm anh trong vô vọng. Chị lặn lội sang tận Ấn Độ, đến địa chỉ anh cung cấp trong giấy đăng ký kết hôn, thì được biết nó không có thực. Qua nhiều người chị tìm đến nơi ở của cha mẹ anh, thì họ nói cũng không rõ con mình đang ở đâu, làm gì. Họ khẳng định anh đã có vợ.

Chị chỉ biết cầu cứu Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ nhưng không được. Bởi lúc làm thủ tục đăng ký kết hôn, chị đã ký vào tờ cam kết của Lãnh sự quán Ấn Độ (tại Việt Nam) là họ sẽ không phải chịu trách nhiệm gì.

Sau hai lần nộp đơn ra tòa ly hôn vào năm 2014 và 2015 mà không được vì không có địa chỉ cụ thể của người chồng, tháng 6 vừa qua, một lần nữa chị gửi đơn đến Tòa án Gia đình và trẻ chưa thành niên TPHCM xin ly hôn. “Gửi đơn xong, tôi lo lắm. Tôi cứ sợ, lần này lại không thành. Hơn ba năm qua, tôi mòn mỏi liên lạc, tìm kiếm anh ta để được ly hôn nhưng chỉ trong vô vọng. Anh ta cứ lẩn trốn, tôi cứ ra sức đi tìm. Tôi rất mệt mỏi. Tôi chỉ muốn giải thoát khỏi cuộc hôn nhân này”.

Đại diện Tòa án Gia đình và trẻ chưa thành niên TPHCM cho biết, tòa đã tiếp nhận đơn của chị Minh và đang ủy thác tư pháp cho người chồng. Nếu sau ba lần ủy thác tư pháp không thành công, tòa sẽ xem xét xử cho ly hôn vắng mặt.

Bàn về tình huống trớ trêu này, luật sư Nguyễn Đức Chanh, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, chị Minh đã quá tin người và quá táo bạo khi đồng ý kết hôn với người chồng không rõ lai lịch. Theo luật sư, câu chuyện trên không chỉ của chị Minh, mà là của rất nhiều cô gái Việt có giấc mơ lấy chồng ngoại để đổi đời, đã chấp nhận yêu nhanh, cưới vội để một mình lãnh hậu quả.

Trước đây, ông Chanh cũng từng hỗ trợ pháp lý cho một phụ nữ kết hôn với người chồng Singapore, vì muốn đổi đời. Ban đầu, chị rất được chồng quan tâm, chăm sóc. Biết vợ có thai, anh nói phải về nước để giải quyết công việc ở công ty và hứa sẽ quay lại để chăm sóc vợ con.

Rồi anh đi biệt, không một lời hỏi thăm, một cuộc điện thoại. Sinh con xong, chị nhờ ông bà ngoại nuôi cháu, còn mình sang Singapore, đến địa chỉ anh cung cấp trong giấy đăng ký kết hôn tìm chồng. Khi chính quyền nơi đây khẳng định tất cả thông tin về anh là giả, chị bàng hoàng, suy sụp.

Chị quyết định ly hôn khi vẫn ngóng trông anh, mong anh quay về đoàn tụ cùng hai mẹ con. Phải đến hơn hai năm, sau những lần ủy thác tư pháp không có người nhận, Tòa án nhân dân TP HCM mới chấp nhận cho chị đơn phương ly hôn.

Luật sư Chanh cho biết, anh đã rất buồn và rất tiếc khi nhìn thấy người vợ một mình nuôi con nhỏ trong hoàn cảnh rất khó khăn. “Cô ấy là một cô gái đẹp, có tấm lòng bao dung, nhưng phải nhận một cái kết đắng cho giấc mơ của mình”, luật sư Chanh nói.

Theo luật sư Chanh, luật pháp không cấm người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng khi kết hôn có đáp ứng được điều kiện sống chung với nhau hay không là chuyện khác. Vì thế, để tránh sự việc đáng tiếc như hai câu chuyện trên, các cô gái phải thật tỉnh táo khi tìm hiểu bạn đời, đừng để chuyện xảy ra, phải một mình lãnh hậu quả mới hối hận thì đã muộn.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Tác giả: Ngọc Thân

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: chung sống , người vợ , ly hôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok