Kwon Chol-nam, một người đào tẩu Triều Tiên, trong căn phòng thuê với giá 267 USD/ tháng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: New York Times. |
Năm 2014, ly hôn và tay trắng, Kwon Chol-nam trốn chạy khỏi Triều Tiên. Hành trình gian nan bắt đầu với chuyến vượt sông rồi bò trườn dưới hàng rào dây thép gai để sang Trung Quốc. Tiếp theo đó là chuỗi ngày vượt rừng ở Lào. Và sau bao khó khăn, người đàn ông Triều Tiên cũng đến được Thái Lan. Từ đó, ông Kwon được bay tới Hàn Quốc bắt đầu một cuộc sống mới.
Giờ đây, sau bao chông gai và nguy hiểm, người đàn ông đào tẩu khỏi Triều Tiên lại đổi ý và muốn hồi hương, theo New York Times.
Công dân hạng hai
"Anh phải ngồi lên ngựa thì mới biết được con ngựa đó có dành cho mình hay không. Tôi đã thử và Hàn Quốc không dành cho tôi. Tôi muốn về nhà, đoàn tụ với vợ cũ và đứa con trai 16 tuổi", ông Kwon trả lời trong một cuộc phỏng vấn tại Seoul.
Dù thế giới nhìn Triều Tiên như là quốc gia hà khắc, với ông Kwon, điều đó chẳng có nghĩa lý gì. Ông cho rằng giấc mộng về cuộc sống tốt đẹp ở Hàn Quốc chỉ là ảo ảnh vì ở đây, những người đào tẩu khỏi Triều Tiên như ông bị đối xử như công dân hạng hai.
"Họ đặt biệt danh cho tôi, đối xử với tôi như thằng ngốc, và không trả công cho tôi như những người khác dù làm cùng một công việc, chỉ bởi vì tôi đến từ Triều Tiên", ông Kwon nói bằng giọng giận dữ.
Người đàn ông Triều Tiên này đã tổ chức các cuộc họp báo, nộp đơn thỉnh cầu lên Liên Hợp Quốc và đứng biểu tình trước các tòa nhà chính phủ ở Seoul với mong muốn chính phủ Hàn Quốc sẽ để ông quay về quê hương.
Kể từ những năm 1990, hơn 30.000 người Triều Tiên đã trốn chạy sang Hàn Quốc. Trong vòng 5 năm qua, 25 người đã quay trở lại quê nhà một cách bí ẩn. Giới chức Hàn Quốc cho rằng những người này bị dụ dỗ sang Trung Quốc rồi từ đó bị bắt cóc về Triều Tiên. Sau đó, chính phủ Triều Tiên đã biến họ thành công cụ tuyên truyền chính trị, lên tiếng nói về "cuộc sống địa ngục" mà họ nếm trải ở miền Nam.
Nỗ lực quay trở lại Triều Tiên đã đẩy ông Kwon vào tù vào tội. Cũng giống như nhiều người đào tẩu khác, một khi đặt chân đến Triều Tiên, ông Kwon nghiễm nhiên trở thành công dân Hàn Quốc. Và theo luật, công dân Hàn Quốc, nếu muốn sang Triều Tiên, phải được chính phủ cho phép.
Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do đó công dân hai nước không được phép trao đổi thư từ, chứ đừng nói đến việc tự do đi lại qua biên giới.
Ông Kwon là người thứ hai sau bà Kim Ryen-hi, một công nhân may mặc, công khai bày tỏ nguyện vọng muốn quay trở lại Triều Tiên. Bà Kim Ryen-hi kiên trì kiến nghị kể từ năm 2015.
"Những trường hợp như thế này cho thấy rõ sự phức tạp của vấn đề ly tán gia đình từ 70 năm trước. Vấn đề đó vẫn tồn tại đến giờ dưới các hình thức khác nhau và ảnh hưởng sâu sắc đến người dân trên bán đảo Triều Tiên", theo Tomás Ojea Quintana, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, người đã từng tiếp xúc với ông Kwon vào tháng trước.
Với chính quyền Triều Tiên, những người đào tẩu như ông Kwon trở thành công cụ tuyên truyền chính trị hoàn hảo.
"Lời khẩn cầu đẫm nước mắt của Kwon Chol-nam, rằng ông ấy không thể nào sống ở một nơi địa ngục như Hàn Quốc, cho thấy nhiều công dân của chúng ta đã bị ép buộc tới miền Nam và đang khao khát trở về với tổ quốc", theo một thông cáo hồi tháng 6 của Triều Tiên. Trong thông báo này, Triều Tiên nhấn mạnh việc Hàn Quốc không cho phép ông Kwon trở về quê hương là minh chứng cho thấy "sự đạo đức giả" trong các phát biểu về chủ nghĩa nhân đạo.
Hành trình gian nan
Ông Kwon Chol-nam chuyển đến sống ở Seoul từ tháng ba. Ảnh: New York Times. |
Vào năm 2014, ông Kwon, khi đó đang buôn bán dược liệu gần biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, đã nghe lời của một người phụ nữ mà ông từng quen biết trước đó bỏ trốn sang bên kia biên giới với hy vọng sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở Trung Quốc.
Nhưng thực tế không như mong đợi. Người phụ nữ đã vẽ ra viễn cảnh về cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước láng giềng bỗng nhiên biến mất. Tình cảnh một thân một mình nơi đất khách đưa đẩy ông Kwon tới một tay buôn người. Kẻ này hứa sẽ đưa ông tới Hàn Quốc với giá 2.500 USD. Sau hành trình kéo dài một tháng đầy gian nan, ông Kwon đặt chân tới Hàn Quốc vào tháng 11/2014 và cư trú tại thành phố công nghiệp Ulsan nằm ở phía đông nam.
Ông Kwon vật lộn để thích ứng một xã hội Hàn Quốc tư bản cạnh tranh khốc liệt. Theo nghiên cứu của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc vào năm ngoái, khoảng 63% số người đào tẩu từ Triều Tiên cho biết họ bị phân biệt đối xử khi sống ở Hàn Quốc.
Làm đủ nghề từ làm công việc nông nghiệp cho tới lao động tại các công trường xây dựng, ở đâu, ông Kwon cũng thường bị chế nhạo vì không hiểu một số từ ngữ tiếng Anh phổ biến trong hội thoại hàng ngày. Vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao hơn 1,5m, khiến viễn cảnh của ông Kwon về một tương lai ổn định với những công việc chân tay trở nên xa vời.
Càng vật lộn với cuộc sống ở Hàn Quốc, ông Kwon càng nhớ gia đình ở Triều Tiên, đặc biệt là con trai. Cố gắng dành dụm được 4.500 USD, ông nhờ người chuyển số tiền đó về cho vợ cũ, người vẫn đang chờ đợi ngày đoàn tụ với ông ở quê nhà. Khi nghe tin cha mình đã qua đời, ông Kwon càng hối hận hơn về quyết định rời bỏ Triều Tiên. Khó khăn chồng chất khó khăn, ông bị người môi giới giúp ông đi từ Trung Quốc tới Thái Lan kiện vì chưa trả hết số tiền như đã hứa.
Và vào tháng 5 năm ngoái, ông Kwon cho biết người chủ thuê ông khuân gạch không trả công đẩy đủ, đã là "giọt nước làm tràn ly". Ông yêu cầu cảnh sát can thiệp nhưng họ lại đứng về phía người chủ Hàn Quốc và bác bỏ mọi lời tố cáo của ông.
"Tôi sẽ trở về miền Bắc và tổ chức họp báo để công khai sự thật về cuộc sống ở Hàn Quốc", ông Kwon hét vào mặt cảnh sát, theo ghi nhận của tòa án.
'Tiến thoái lưỡng nan'
Ông Kwon Chol-nam chuyển đến sống ở Seoul từ tháng ba. Ảnh: New York Times. |
Khi đào tẩu khỏi Triều Tiên, ông Kwon trở thành kẻ thù của Bình Nhưỡng và giờ đây khi nhất quyết muốn quay trở lại quê hương, ông bị coi là kẻ ngoài lề xã hội Hàn Quốc.
Khát khao được trở về nhà, ông Kwon đã xin cấp hộ chiếu Hàn Quốc và xin thị thực du lịch tới Trung Quốc với hy vọng từ đó có thể vượt biên giới quay trở lại Triều Tiên. Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông đổi hết tiền tiết kiệm sang đô la Mỹ. Thậm chí, trước khi khởi hành, ông còn gửi tin nhắn tạm biệt tới một người bạn là thanh tra cảnh sát.
"Tôi không muốn sống một cuộc sống đau khổ ở đây nữa", đoạn tin nhắn viết.
Vào 22/6/2016, hơn 10 cảnh sát ập vào nhà lục soát và bắt giữ ông Kwon với cáo buộc ông đang nung nấu ý định bỏ trốn về Triều Tiên. Nếu bị kết tội, ông sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 7 năm. Nhưng sau khi bị giam giữ đến tháng 9, ông được trả tự do.
Kể từ sau khi ra tù, ông Kwon thất nghiệp và bị những người Triều Tiên đào tẩu khác xa lánh. Ông bị đẩy vào đường cùng tới mức phải hút những mẩu thuốc lá thừa người ta vứt trên phố.
"Ở miền Nam, tôi đã phải trải qua những khổ cực mà tôi chưa từng phải nếm trải khi còn ở miền Bắc. Tôi sợ hãi cuộc sống ở đây", ông Kwon giãi bày.
"Điều tự nhiên nhất đối với một con người chẳng phải là được trở về nhà với gia đình của mình sao", cha Moon Dae-gol, người cưu mang ông Kwon kể từ khi ông chuyển đến Seoul hồi tháng ba, "Một quốc gia chối bỏ việc đó không tốt đẹp gì hơn một con quái thú".
Đứng trước các tòa nhà chính phủ, ông Kwon giương tấm biển với hàng chữ "Tôi là công dân của Công hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tôi muốn trở về nhà". Nhiều người thấy thế cho rằng ông ngu dại. Nhưng ông không lay chuyển.
Ông Kwon quả quyết rằng kể cả khi bị chính quyền Triều Tiên trừng phạt vì tội đào tẩu, ông cũng chấp nhận và coi đó là cái giá phải trả. Ông nói rằng rất tự hào về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ông thề sẽ "trung thành (với tổ quốc) cho đến cùng". Ông cho biết không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào nhắm vào Triều Tiên.
Quyết tâm của ông Kwon cho thấy dù cuộc sống vật chất ở Hàn Quốc tốt hơn, ông vẫn thích sống một cuộc sống đơn giản ở nơi chôn rau cắt rốn.
"Ở miền Bắc, có thể tôi không giàu nhưng tôi hiểu những người sống xung quanh mình và tôi sẽ không bị đối xử, như cặn bã, như cách người ta đã đối xử với tôi ở miền Nam".
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress