Mới đây, Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản cho biết đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa chất cấm ở nước này là chất axit benzoic, axit sorbic... Công ty đứng ra nhập khẩu các lô hàng tương ớt này là Javis Co., Ltd có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka, do ông Yasuhiro Naka là đại diện pháp luật. Đơn vị phân phối ra thị trường là Công ty TNHH Công nghiệp ISC. Axit benzoic, theo quy định của Nhật, không được sử dụng trong tương ớt của nước này.
Hình ảnh tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản. |
Liên quan đến thông tin này, người tiêu dùng tại Việt Nam đã tỏ ra vô cùng lo lắng, bởi trên bàn ăn hàng ngày, họ đều sử dụng sản phẩm tương ớt Chin-su. Mặc dù, axit benzoic được sử dụng theo đúng quy định của quốc tế cũng như Việt Nam. Thế nhưng, một số chuyên gia về công nghệ sinh học cũng cho rằng nếu sử dụng vượt ngưỡng, hoặc quá mức cho phép có thể gây hại đến sức khoẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc thêm về việc người tiêu dùng có thể khởi kiện được hay không nếu dùng sản phẩm gây hại cho sức khoẻ? Trước băn khoăn này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích từ một số chuyên gia pháp lý.
Trao đổi với PV, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc công ty luật TNHH LSX, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Hàm lượng chất Axit benzoic theo thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm ở Việt Nam, hàm lượng benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt. Tuy nhiên, cùng với tiêu chuẩn đó trong tương ớt nhưng theo tiêu chuẩn của Nhật không được phép sử dụng. Như vậy, về quy định pháp luật thì tiêu chuẩn tương ớt của Nhật khắt khe hơn của Việt Nam. Xét ra thì tiêu chuẩn ATTP của Việt Nam thấp hơn theo tiêu chuẩn ATTP của Nhật, nên sản phẩm tương ớt phát hành ở thị trường Việt Nam vẫn được phép, tuy nhiên phát hành ở thị trường Nhật thì không được phép”.
Đặt ra giả thiết, nếu người tiêu dùng chứng minh được việc mình sử dụng sản phẩm tương ớt hoặc các sản phẩm khác chứa chất phụ gia vượt ngưỡng cho phép, gây hại đến sức khoẻ thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện hay không?
Về câu hỏi này, luật sư Quách Thành Lực nói: “Người tiêu dùng có quyền kiện theo luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”.
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng người tiêu dùng có quyền khởi kiện. |
Cũng phân tích dưới khía cạnh pháp lý, Luật sư Nghiêm Quang Vinh (Công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay, người tiêu dùng Việt sử dụng tương ớt Chin-su phải chứng minh được Chin-su có chất đó (tức axit benzoic hoặc các chất phụ gia khác) làm ảnh hưởng đến sức khoẻ thì lúc đó, người tiêu dùng mới có thể đưa ra khởi kiện được. Tuy nhiên, các chất phụ gia trong tương ớt dùng tỉ lệ rất nhỏ, nên để nói từ chất này gây ảnh hưởng thì hiện nay rất khó chứng minh.
Bởi, axit benzoic theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất đã được bộ Y tế cấp phép cho hàm lượng sử dụng nhất định. Nên, với Việt Nam hiện nay việc sử dụng tương ớt là không ảnh hưởng, còn sau này khi khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn thì có thể xét các mức độ nhất định xem có hay không có ảnh hưởng”.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh. |
Cũng trong sáng nay trao đổi với PV, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng cục ATTP (bộ Y tế) cho biết: “Axit benzoic là chất trong danh mục được phép sử dụng về phụ gia thực phẩm tại Việt Nam. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (gọi tắt là Codex) cũng đã ban hành danh mục phụ gia thực phẩm trong đó cũng cho phép sử dụng Axit benzoic trong các sản phẩm thực phẩm nói chung và trong tương ớt nói riêng, các quy định về phụ gia thực phẩm của Việt Nam hiện nay được tuân thủ hoàn toàn theo các quy định của Codex quốc tế. Hiện nay, cả Việt Nam và Codex cho phép sử dụng Axit benzoic ở mức tối đa là 1g/kg sản phẩm”.
Vì vậy, đại diện cục ATTP khuyến cáo: “Người dân phải hết sức bình tĩnh, lắng nghe các ý kiến của các cơ quan nhà nước. Khi chúng tôi ban hành những quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm và hàm lượng, đối tượng được sử dụng là hoàn toàn đáp ứng và phù hợp với quy định quốc tế cho nên người dân không nên quá lo lắng về điều này”.
Tác giả: Thanh Lam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin