“Mẹ Quân” là cách nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam tại trường Đại học sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc dành cho cô giáo Ngô Tuệ Quân, giảng viên của trường.
Chị Quân sinh năm 1973 ở tỉnh Bình Dương. Năm 1996, chị tốt nghiệp Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, chị tham gia giảng dạy tại khoa Ngoại ngữ, trường Tin học ngoại ngữ Huflit thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1998, chị theo chồng sang sinh sống và làm việc tại Trường Đại học sư phạm Quảng Tây, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện chị là trợ lý Việt Nam của phòng Hợp tác quốc tế đồng thời tham gia giảng dạy tại Trường Đại học sư phạm Quảng Tây. Chị đã được nhiều thế hệ du học sinh ở đây coi như người mẹ thứ hai vì tấm lòng nhân ái và những việc làm sẻ chia của chị dành cho họ.
Chị Lệ Quân (ảnh trái) đang trò chuyện với Giám đốc Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Quảng Tây |
Không phải tự nhiên mà hầu hết những sinh viên Việt Nam học tại trường Đại học sư phạm Quảng Tây lại gọi chị là “mẹ Quân” một cách đầy thân thương, trìu mến. Với những du học sinh mới rời ghế nhà trường PTTH, xa nhà, xa cha mẹ, đến học tập trong một môi trường hoàn toàn mới đối với họ thực sự khó khăn. Hiểu được những khó khăn này, chị Quân đã chủ động tiếp cận với các em ngay từ ngày đầu các em đặt chân đến Trung Quốc.
“Các em cũng như con của tôi, khi mới sang có nhiều bỡ ngỡ cũng thương lắm. Nhiều em sang đây chưa biết tiếng Trung Quốc nên việc giao tiếp, sinh hoạt khá vất vả. Ngày đầu tiên các em sang đây, tôi thường trực tiếp đi đón hoặc nếu bận thì phân công các em sinh viên trong trường ra tận sân bay hoặc nhà ga để đón các em. Với một sinh viên mới, khi xuống máy bay ở một đất nước xa lạ mà họ gặp luôn được người Việt sẽ cảm thấy ấm lòng và an tâm hơn”- chị Lệ Quân tâm sự.
Nhiều học sinh Việt Nam là người miền Nam chưa bao giờ cảm nhận được cái rét thấu xương ở miền Bắc, nên khi sang Trung Quốc không mang theo áo ấm. Vì thế khi đặt chân đến Trung Quốc, được cô giáo người Việt ra đón, mang theo áo ấm thì các em đã bật khóc vì cảm động. Sự quan tâm của chị Quân từ những việc rất nhỏ, giống như tình cảm của một người mẹ dành cho những đứa con xa nhà, từ việc ăn ở trong ký túc xá, đến việc hòa nhập với bạn bè, học hành… Tình cảm ấy làm các em vơi đi nỗi nhớ nhà vì đã có người mẹ thứ hai luôn tận tâm chăm sóc.
“Ngày trước, tôi cũng đã có giai đoạn bỡ ngỡ như các em. Thời tôi mới sang đây, kinh tế rất khó khăn, đi học không mang đủ quần áo ấm và các thầy cô đã đi quyên góp những quần áo của con em mình gom lại cho chúng tôi. Những ân nghĩa đó, tôi luôn ghi nhớ và thấy mình cần phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó của các thầy cô”- chị Quân chia sẻ.
Chị Lệ Quân thuyết trình tại Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Quảng Tây |
Không chỉ quan tâm chuyện ăn ở, học hành của các du học sinh Việt Nam, chị Quân còn là “chị Thanh Tâm” để các em chia sẻ chuyện tình cảm. Có lần, đang giữa đêm, chị nhận được một cuộc điện thoại của học sinh “Cô ơi, em không muốn sống nữa, em gọi điện để vĩnh biệt cô”. Thế là “mẹ Quân” tức tốc cùng chồng đến ngay chỗ sinh viên đó. Đến nơi, chị vô cùng hoảng hốt khi thấy sinh viên của mình đang đứng trên tầng 4, chuẩn bị tự vẫn vì thất tình.
Sau một hồi “mẹ Quân” an ủi, trấn an thì em đó đã nghe ra và ôm chị khóc nức nở. “Các em đang tuổi mới lớn nên nhiều khi suy nghĩ còn bồng bột. Những lúc như thế rất cần có một người biết chia sẻ, giúp đỡ các em vượt qua”.
Mỗi khi vào lớp, việc đầu tiên của “mẹ Quân” là quan sát xem hôm nay có sinh viên nào nghỉ học rồi tìm hiểu nguyên nhân. Nếu có em nào ốm chị đều hỏi han và giúp đỡ nếu phải đến bệnh viện. “Trên lớp là cô trò, nhưng ra ngoài lớp học, chúng tôi như tình cảm mẹ con, chị em trong một nhà. Được chăm sóc các em, tôi cũng thấy rất vui. Nhiều lúc, tình cảm của các em làm tôi rất xúc động, chẳng hạn như ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các em bất ngờ tặng tôi một chiếc áo dài mà không hiểu các em “lén lút” có số đo từ bao giờ mà vừa như in, lúc thì cái nón lá các em mang từ Việt Nam sang… Tôi nghĩ các em phải quý mến mình lắm mới có những tình cảm ấm áp như vậy”.
Đến giờ, sau gần 20 năm lập gia đình, chị Lê Quân cất giữ chiếc áo dài mà các em sinh viên đã tặng mình như kỷ vật. “Thời đó còn khó khăn nên các em tự thiết kế tóc và trang điểm cho tôi. Mọi người hùn tiền nhau mua cho tôi một cái áo dài. Các em đứng ra đại diện đàng gái để đàng trai sang rước dâu. Trong đám cưới có sự kết hợp giữa truyền thống Trung Quốc và Việt Nam. Đến tận bây giờ mỗi khi nhớ về ngày hôm ấy tôi vẫn thấy rưng rưng vì tình cảm mà các em đã dành cho mình”.
Không chỉ là điểm tựa về tinh thần cho những thế hệ sinh viên Việt Nam sang đây du học, chị Lệ Quân luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc quảng bá cũng như tuyên truyền văn hóa của người Việt tới bạn bè quốc tế. Được nhà trường giao nhiệm vụ thuyết trình Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Quảng Tây với các đoàn khách đến thăm trường, chị Lệ Quân luôn cặn kẽ giới thiệu tỉ mỉ giới thiệu bối cảnh ra đời của từng kỷ vật, bức ảnh để qua đó, mọi người có thể hiểu hơn, tự hào hơn về những giai đoạn lịch sử cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc.
“Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam là nơi để các em học sinh Việt Nam và Trung Quốc đến tìm hiểu về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai giữa hai nước; đồng thời qua đây cũng giới thiệu được những nét văn hóa của Việt Nam. Từ đó các em thấy mình phải học tập tốt hơn nữa, phát huy tinh thần hữu nghị, nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cha ông”- chị Lệ Quân nói.
Với những nỗ lực của mình, năm 2017, chị Tuệ Quân đã được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc đã tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác vận động cộng đồng xây dựng đất nước./.
Tác giả: Nhóm Phóng viên
Nguồn tin: Báo VOV