Mọi người đều cảm thương ba đứa bé còn quá nhỏ đã sớm mồ côi mẹ, bày tỏ sự cảm phục khi biết rằng để hai đứa trẻ sinh đôi cất tiếng khóc chào đời được khỏe mạnh, người phụ nữ ấy đã phải nỗ lực từng ngày chống chọi lại căn bệnh hiểm nghèo, giành giật sự sống cho con…
Một ngày giữa tháng 8 chúng tôi có mặt tại Học viện Chính trị CAND chứng kiến một việc làm nhân văn. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các chị em trong Hội Phụ nữ nhà trường lại vội vã cùng nhau tới xin sữa của các mẹ đang có con nhỏ công tác trong đơn vị. Có sữa, các chị lại cùng nhau bảo quản cẩn thận trong ngăn đá để 2, 3 ngày lại gửi Thiếu úy Trần Hoài Ân, cán bộ Thường trực bảo vệ nhà trường mang về quê cho các con nhỏ của anh.
Ba cháu nhỏ mồ côi mẹ trong vòng tay ông bà nội. |
Theo Trung tá Ngô Thị Khánh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Học viện Chính trị CAND, vợ của Thiếu úy Trần Hoài Ân là chị Phạm Thị Thu Miền, nhân viên hợp đồng Phòng Quản lý nhà ăn nhà trường. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, Miền là cô gái rất chăm chỉ, chịu khó, luôn vui vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người.
Hoàn cảnh của hai vợ chồng Thiếu úy Trần Hoài Ân và Miền rất khó khăn, bởi ngoài đồng lương eo hẹp, phải thuê trọ cạnh trường, nuôi con nhỏ, cả hai còn phải tích cóp từng đồng trả tiền viện phí mỗi ngày một lớn cho Miền... Bố mẹ hai bên nội, ngoại ở quê đều đã trên 70 tuổi, làm nông nghiệp nên không có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ hai vợ chồng. Số tiền chữa trị bệnh chủ yếu cho Miền là tiền tất cả nhà đi vay mượn.
“Khi Miền đi điều trị tại bệnh viện và sau này phát hiện mắc chứng bệnh nan y, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ và các tổ chức đoàn thể nhà trường đã nhiều lần quyên góp, động viên, giúp đỡ hai vợ chồng. Không ngờ, bệnh tình của Miền suy sụp nhanh quá, sinh xong hai đứa trẻ, bệnh trở nặng và không qua khỏi. Hai cháu sinh mổ thì thiếu tháng, chỉ nặng 1.7kg và 2.0kg, phải cách ly mẹ, nằm lồng kính. Giờ còn mình Thiếu úy Trần Hoài Ân gà trống nuôi 3 con nhỏ, trong đó cháu lớn mới 4 tuổi, hai cháu nhỏ sinh đôi mới 2 tháng tuổi, khó khăn lại thêm trăm bề…” – Trung tá Ngô Thị Khánh xót xa chia sẻ.
Thượng úy Phạm Hồng Luyến, cán bộ Phòng Quản lý nhà ăn và cũng là người bạn với Miền từ thuở nhỏ nên không ai rõ gia cảnh hơn chị, chị bảo: “Miền khổ từ bé! Gia đình làm nông, hơn 4 tuổi đã mồ côi mẹ. Năm lớp 7, nhà nghèo quá, Miền phải vào Đắk Lắk học và ở cùng với gia đình bác họ. Sau này khi về trường công tác, lấy chồng sinh con đầu được hơn 2 tuổi thì người bắt đầu có triệu chứng của bệnh. Lúc đầu thì ốm vặt liên tục, rồi thi thoảng sốt, sau đó thì các đợt sốt tăng nhiều dần…”.
Theo chân Đoàn công tác tới thăm hỏi, động viên gia đình Thiếu úy Trần Hoài Ân, chứng kiến hoàn cảnh cuộc sống hiện tại, tất cả các thành viên trong đoàn đều chia sẻ, động viên gia đình vơi bớt nỗi đau, vượt qua khó khăn. Ông bà nội già cả, người thì cặm cụi pha sữa, người thì thay tã rồi chốc chốc lại nhắc đứa lớn cẩn thận không ngã vào em. Ở cái tuổi thất thập, mắt đã mờ dần, đi lại bắt đầu chậm chạp mà vẫn còn bận rộn đêm hôm thức chăm ba đứa nhỏ quấy khóc liên tục vì thiếu hơi ấm mẹ.
Mà cháu lớn Trần Bảo Khánh, 4 tuổi, còn quá nhỏ nên chưa hiểu mất mát là gì, thi thoảng nhìn lên di ảnh cháu gọi mẹ vang nhà. Sự ngây ngô của cháu còn thường xuyên cả trong những câu hỏi “mẹ cháu ở bệnh viện bao giờ về”, “cháu nhớ mẹ” như chích những mũi kim vào tim, khiến người lớn lòng đau thắt lại…
Cảm ơn Đoàn công tác tới thăm hỏi, động viên gia đình, Thiếu úy Trần Hoài Ân cho biết, giữa năm 2018, sau nhiều lần chị Miền bị sốt kéo dài mỗi đợt 1, 2 tuần triền miên, đồng thời nổi phát ban khắp người, xương khớp không khỏi, anh đã đưa vợ vào Bệnh viện 19-8 để khám và được các bác sĩ cho biết bị mắc bệnh Lupus ban đỏ. Do chứng bệnh nan y hiện chưa có thuốc chữa trị nên sau đó, chị Miền đã được nhà trường tạo điều kiện cho nghỉ dài ngày để có thể nhập viện 19-8 và Bạch Mai để điều trị.
“Do mang bệnh trong người và sử dụng thuốc thường xuyên nên vợ em không biết mình đang mang thai. Mãi đến khi vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ phát hiện và còn cho biết vợ em đang mang thai đôi. Hai vợ chồng suy nghĩ rất nhiều, nhất là trước chia sẻ của bác sĩ về việc nếu tiếp tục điều trị khi mang thai, nhất là thai đôi sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Cuối cùng Miền quyết định giữ lại hai “giọt máu” khi đó mới hơn 3 tháng tuổi…” - Thiếu úy Trần Hoài Ân chia sẻ.
Sau khi sinh, chưa được ngắm nhìn hai đứa con nhỏ thì chị Phạm Thị Thu Miền buộc phải di chuyển lên các Khoa Sản, Khoa Phổi, Khoa lây truyền của Bệnh viện Bạch Mai nằm điều trị tích cực. Hiểu được nỗi lòng người mẹ sức khỏe đang ngày một suy kiệt nên ngay khi hai đứa trẻ sinh đôi cứng cáp, các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã dành những khoảng thời gian quý báu để ba mẹ con được gặp nhau. Lúc này, chị Miền lặng đi và nhìn các con, hai hàng nước mắt chị cứ lăn dài trong dòng cảm xúc không sao ngăn được…
Mọi sự giúp đỡ gia đình Thiếu úy Trần Hoài Ân xin gửi về: Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại: 04.39420595; hoặc qua tài khoản của Báo CAND: 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội. |
Tác giả: Xuân Trường
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân